Những ngày đầu tháng 3, trên địa bàn tỉnh xảy ra liên tiếp 2 vụ cháy chợ gây thiệt hại nhiều tài sản. Nguyên nhân chính gây ra các vụ cháy trên là do sự cố chập điện. Tuy nhiên, không ít ban quản lý chợ, tư thương vẫn chủ quan trong công tác phòng ngừa cháy do điện.
Nguy cơ cháy do chập điện vẫn còn tiềm ẩn ở nhiều chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh. Phần lớn hệ thống điện ở khu vực chợ đang bị xuống cấp sau một thời gian sử dụng hoặc tự câu mắc không đảm bảo an toàn, dễ xảy ra chập cháy.
Mới đây, khuya ngày 5.3, tại chợ Phú Thịnh (thị trấn Phú Thịnh, Phú Ninh) xảy ra vụ cháy khiến một ki ốt bán đồ gia dụng bị thiêu rụi, ước tính thiệt hại khoảng 200 triệu đồng. Nhờ phát hiện sớm, lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh đã có mặt kịp thời nên đã hạn chế đám cháy lan ra diện rộng. Nguyên nhân vụ cháy do chập điện.
Trước đó, tại chợ Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn) cũng đã xảy ra vụ cháy ở một cửa hàng tạp hóa. Chủ tạp hóa cùng người dân đã dùng bình chữa cháy mini và các phương tiện khác đến dập lửa. Tuy nhiên ngọn lửa vẫn không được khống chế mà có khả năng lan rộng. Người dân điện báo Đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Bắc Quảng Nam (đóng tại TP.Hội An) đến dập tắt ngọn lửa. Nguyên nhân vụ cháy được xác định cũng là do chập điện.
Hay vụ cháy kinh hoàng mới đây, vào khoảng 0 giờ ngày 6.3, một số người dân gần khu vực chợ đang ngủ thì nghe tiếng nổ lớn, khi thức dậy họ phát hiện ở khu vực bên trong chợ Thanh Quýt (xã Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn) cháy dữ dội nên đã hô hoán dập lửa. Do trong chợ có nhiều vật dụng dễ bắt lửa nên chỉ ít phút sau, đám cháy đã bùng phát dữ dội và lan sang các ki ốt khác.
Sau hơn 3 giờ, lực lực lượng cứu hỏa mới khống chế được đám cháy. Rất may không có thiệt hại về người, tuy nhiên cả 96 ki ốt trong chợ đã bị lửa thiêu rụi hoàn toàn, thiệt hại hàng tỷ đồng. Nguyên nhân cháy đang được lực lượng công an tiến hành điều tra.
Theo Sở Công Thương, trên địa bàn tỉnh hiện có 159 chợ, trong đó 144 chợ hạng 3, 13 chợ hạng 2 và 2 chợ hạng 1. Những năm gần đây, nhiều địa phương đã đầu tư nâng cấp, xây mới chợ ở các huyện, thị khá khang trang, hiện đại theo tiêu chí nông thôn mới.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều chợ đang bị xuống cấp nặng, nguy cơ cháy cao, hệ thống điện không đảm bảo kỹ thuật, không đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC). Cháy chợ thường gây thiệt hại lớn về tài sản vì phần lớn các vụ cháy xảy ra vào ban đêm, khi được phát hiện thì đám cháy đã lan rộng và khó khống chế. Hơn nữa trong các chợ, số lượng hàng hóa được tập trung rất lớn dẫn đến khả năng gây cháy cao.
Theo ông Trần Ngọc Anh - Trưởng phòng An toàn thuộc Công ty Điện lực Quảng Nam, sự cố về điện luôn chiếm tỷ lệ lớn trong các nguyên nhân gây cháy nổ, nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của người dân. Các lỗi vi phạm thường gặp sau các vụ cháy chợ thường xảy ra là tự ý câu mắc dây dẫn điện, sử dụng thêm thiết bị tiêu thụ điện ngoài thiết kế ban đầu; thờ cúng, đốt vàng mã; nấu ăn trong ki-ốt; hàng hóa, vật tư dễ cháy sắp xếp gần các thiết bị điện...
Ngoài ra, các tiểu thương khi sắp xếp, bố trí hàng hóa còn lấn chiếm lối thoát nạn, khoảng cách an toàn PCCC dẫn đến tăng khả năng gây ra cháy lan, cháy lớn khi có sự cố xảy ra.
Theo thống kê cho thấy, trên địa bàn tỉnh hiện có gần 4.000 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC; trong đó có 1.515 cơ sở thuộc loại nguy hiểm về cháy nổ, chủ yếu tập trung tại các chợ, trung tâm thương mại, cửa hàng xăng dầu, cơ sở kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng, cơ sở sản xuất trong khu công nghiệp. Ở các vụ cháy xảy ra trên địa bàn tỉnh những năm gần đây, nguyên nhân gây cháy do sử dụng điện không an toàn luôn chiếm tỷ lệ cao (50 - 70%). Đây là con số đáng lo ngại.
Theo Thượng tá Trần Công Tiết - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh), hiện thời tiết đang bước vào mùa khô hanh, nguy cơ cháy, nổ rất cao. Do đó, để hạn chế thấp nhất số vụ cháy và thiệt hại do cháy từ sự cố về điện gây ra, thời gian tới, lực lượng cảnh sát PCCC sẽ phối hợp với cơ quan chức năng của tỉnh, Công ty Điện lực Quảng Nam và chính quyền địa phương tổ chức các đợt thanh tra, kiểm soát các hoạt động kinh doanh, bán lẻ, tàng trữ, sử dụng các loại chất nguy hiểm ở khu vực chợ, trung tâm thương mại; kiểm tra hệ thống điện và hướng dẫn biện pháp an toàn về điện. Tuy nhiên, quan trọng vẫn là ý thức của người dân, tiểu thương. Nếu mỗi người dân còn xem nhẹ công tác PCCC, chưa quan tâm đúng mức tới vấn đề này thì “bà hỏa” vẫn là thảm họa tiềm ẩn.