Cảnh giác với sốt xuất huyết

TRƯỞNG HOA 07/10/2021 06:50

Dịch Covid-19 bùng phát khiến người dân chủ quan trong phòng chống sốt xuất huyết (SXH). Tiết trời giao mùa kèm theo những đợt mưa ẩm là điều kiện thuận lợi để muỗi truyền bệnh SXH phát triển.

Phun hóa chất diệt muỗi để phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: T.H
Phun hóa chất diệt muỗi để phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: T.H

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Quảng Nam) cho hay, từ đầu năm đến nay, Quảng Nam ghi nhận 320 trường hợp mắc SXH ở 84 xã, phường, thị trấn tại 14/18 địa phương, giảm 78,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Mặc dù số ca mắc SXH giảm song vẫn tiềm ẩn nguy cơ do đây là thời điểm dịch bệnh dễ xảy ra, số ca mắc có thể sẽ tăng lên nếu người dân không chủ động các biện pháp phòng, chống.

Bác sĩ Huỳnh Công Quang - Phó Giám đốc CDC Quảng Nam cho biết: “Lý do dịch SXH thường gia tăng mạnh trong mùa mưa vì vào mùa này, muỗi có điều kiện đẻ trứng và thời tiết lúc này thuận lợi để trứng muỗi phát triển thành bọ gậy/loăng quăng. Do vậy, để phòng ngừa bệnh SXH thì vẫn chủ yếu là phun thuốc diệt muỗi khi phát hiện ổ dịch và tuyên truyền, vận động người dân diệt bọ gậy/lăng quăng, diệt muỗi”.

Chị Nguyễn Thị Hồng Diễm (xã Bình An, Thăng Bình) bị đau đầu, nhức mỏi, sốt cao mấy ngày nay nhưng vì đang mùa dịch Covid-19 nên ngại đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe. Sau 4 ngày sốt cao, mệt mỏi quá nên chị được gia đình đưa vào Bệnh viện Minh Thiện cấp cứu, điều trị.

Chị chia sẻ: “Tôi nhập viện trong tình trạng bị sốt nóng, mỏi người, buồn nôn, họng xung huyết. Bác sĩ khám, xét nghiệm cho biết tôi bị SXH. Vì ngại phải đến bệnh viện, sợ lây nhiễm Covid-19 nên tôi cứ ráng nằm ở nhà, uống thuốc hạ sốt, lau mát..., tự theo dõi sức khỏe nhưng mãi không thấy khỏe. Cũng may mà tôi nhập viện kịp thời, chứ chậm trễ là sẽ dẫn đến nguy kịch cho sức khỏe”.

Bác sĩ Nguyễn Văn Long (Bệnh viện Minh Thiện Quảng Nam) cho biết, triệu chứng của SXH là sốt cao liên tục (39 - 40 độ C), kéo dài 2 - 7 ngày, kèm theo đau đầu dữ dội vùng trán, sau nhãn cầu, đau cơ và khớp, sưng hạch bạch huyết hoặc phát ban, xuất huyết dưới da kèm nôn dai dẳng, đau bụng, rối loạn tiêu hóa, chảy máu lợi hoặc chân răng…

Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, SXH có thể biến chứng nặng nề, nguy hiểm đến tính mạng như: tràn dịch màng phổi, viêm phổi, sốc do thoát huyết tương nặng, chảy máu nội tạng, chảy máu não, tổn thương các tạng, tổn thương gan, rối loạn đông máu…

Hiện nay, SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và cũng chưa có vắc xin phòng bệnh. Do bệnh lây từ người sang người qua đường muỗi đốt nên biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh là diệt muỗi và hạn chế môi trường sinh sống của muỗi.

Bác sĩ Huỳnh Công Quang khuyến cáo người dân cần loại bỏ vật trung gian truyền bệnh đó là muỗi Aedes, diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy quanh khu vực mình sinh sống. Thường xuyên vệ sinh môi trường, thực hiện thu gom, hủy bỏ các loại phế thải có thể chứa nước như lốp xe cũ, chai lọ, vỏ đồ hộp, gáo dừa…

Dọn dẹp nhà cửa gọn gàng sạch sẽ, không treo quần áo trên tường để giảm bớt chỗ trú ngụ của muỗi, ngủ màn kể cả ban ngày, mặc quần dài, áo dài tay, đặc biệt khi làm vườn. Sử dụng các loại thuốc bôi chống muỗi trong những khung giờ sáng sớm và chiều tối, phun hóa chất diệt muỗi định kỳ tại nhà.

SXH được xếp vào nhóm bệnh truyền nhiễm cấp tính phức tạp, khả năng lây nhiễm nhanh trong cộng đồng, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Chính vì vậy, song song với phòng chống dịch Covid-19, người dân cũng cần trang bị kiến thức và phòng chống các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như SXH.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cảnh giác với sốt xuất huyết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO