An ninh trật tự

Cảnh giác với thủ đoạn lập fanpage giả mạo khách sạn chiếm đoạt tiền đặt phòng

TÙNG CHI (baovame@gmail.com) 28/04/2025 05:48

(QNO) - Đến kỳ nghỉ lễ, người dân càng cần cảnh giác trước thủ đoạn bọn lừa đảo lập fanpage giả mạo khách sạn, khu nghỉ dưỡng để chiếm đoạt tiền đặt cọc của khách hàng.

GIẢ MẠO
Bộ Công an cảnh báo tình trạng fanpage giả mạo khách sạn để lừa đảo (ảnh: Fanpage Bộ Công an).

Bị lừa vì fanpage giả mạo

Bạn tôi, chị T.N.T. (trú TP.Đà Nẵng) vừa bị lừa gần 4 triệu đồng do chuyển tiền đặt phòng khách sạn H. ở một tỉnh miền Trung.

Chị T. kể, chuẩn bị cho kỳ nghỉ của gia đình, chị lên mạng xã hội tìm kiếm thông tin khách sạn, khu nghỉ dưỡng thì thấy khách sạn H. rất vừa ý. Fanpage (giả mạo) khách sạn H. cũng có hình ảnh, bài viết, số điện thoại di động, địa chỉ… với thông tin tưởng chừng như rất minh bạch nên chị T. và nhiều người nhầm tưởng đó là fanpage thật.

Trong quá trình trao đổi giá cả, chị T. được “nhân viên khách sạn H.” tư vấn nhiệt tình qua tin nhắn messenger và chị đồng ý đặt phòng. Ngay lập tức, “nhân viên khách sạn" gửi chị T. thông tin xác nhận đặt phòng, số tài khoản của khách sạn.

Chị T. chuyển khoản gần 2 triệu đồng để đặt cọc tiền phòng. Sau khi chuyển tiền, chị nhận được tin nhắn là chuyển nhầm mã. “Nhân viên khách sạn" đề nghị chuyển lại lần thứ hai để giữ chỗ; đối với số tiền chị đã chuyển nhầm, thì khi nào chị đến khách sạn sẽ được kế toán hoàn trả.

Lo không có phòng lưu trú trong kỳ nghỉ lễ dài ngày, chị T. gọi điện theo số công khai trên fanpage giả mạo thì được hướng dẫn cách chuyển tiền để tránh nhầm mã. Chị T. làm theo và mất thêm tiền một lần nữa…

Sau vài lần nhắn tin qua lại, chị T. bị fanpage (giả mạo) của khách sạn H. chặn tin nhắn. Sau khi nhờ một người cháu làm việc trong ngành du lịch tìm hiểu, chị T. tìm được thông tin và số điện thoại trên fanpage thật của khách sạn H. Nhân viên lễ tân khách sạn H. cho biết, khách sạn cũng nhận được nhiều thông tin phản ảnh bị lừa đảo đặt phòng từ các trang giả mạo fanpage.

Có trường hợp sau khi chuyển tiền cọc giữ chỗ cho kẻ lừa đảo, khách hàng vẫn không biết mình bị lừa. Chỉ khi đến khách sạn nhận phòng mới biết bị lừa. Liên hệ với fanpage giả mạo thì đã bị chặn, đành tìm chỗ khác để nghỉ ngơi.

Cảnh giác với số điện thoại di động liên hệ

Trước thực trạng nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng trong nước bị giả mạo trang fanpage; nhiều khách hàng bị chiếm đoạt tiền đặt cọc với tổng số tiền lên đến hàng chục triệu đồng; cuối năm 2024, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao (Công an Quảng Nam) và Bộ Công an đề nghị mọi người cảnh giác với thủ đoạn lập fanpage giả mạo khách sạn chiếm đoạt tiền cọc của khách hàng.

Bộ Công an thông tin, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo ban đầu sẽ tạo ra các trang fanpage giả mạo, có giao diện rất khó phân biệt với các fanpage chính thức của khách sạn, khu nghỉ dưỡng 4 -5 sao có thương hiệu nổi tiếng.

Các trang giả mạo này thường sao chép hình ảnh, sử dụng bài đăng của các khách sạn với những thông tin minh bạch, rõ ràng, có địa chỉ, mã số thuế cụ thể để bán các tour du lịch với giá hấp dẫn, đồng thời chạy quảng cáo dồn dập khiến khách hàng bị nhầm lẫn.

Trong quá trình tiếp cận, các đối tượng giả mạo nhiệt tình tư vấn để dụ khách hàng “sập bẫy”. Thỏa thuận xong, các đối tượng này làm giả ảnh chụp các biên lai, xác nhận đặt phòng và thúc giục khách chuyển khoản tiền đặt cọc. Sau khi nhận được tiền, các đối tượng lập tức chặn liên lạc và xóa mọi dấu vết.

Trước thực trạng nêu trên, cơ quan công an khuyến cáo: "Trước khi lựa chọn dịch vụ đặt tour, đặt phòng khách sạn, cần tìm hiểu kỹ thông tin (chú ý kiểm tra tính minh bạch của fanpage), lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch, lữ hành uy tín hoặc qua các ứng dụng đặt phòng du lịch có sẵn trên các ứng dụng Mobilebanking, ví điện tử Momo, Zalopay, Viettelpay...".

Khi đã kiểm tra chính xác thông tin liên hệ, cần tìm hiểu kỹ chính sách đặt, hủy tour; yêu cầu khách sạn chuyển thông tin xác nhận đặt phòng. Để yên tâm hơn thì có thể đề nghị đơn vị cung cấp dịch vụ cho xem Giấy phép hoạt động kinh doanh tại địa phương đang liên hệ đặt phòng.

“Một đặc điểm cần chú ý nhận biết là trên các fanpage chính thống của khách sạn thường dùng số điện thoại tổng đài cố định, khách sạn sẽ bố trí với nhân viên được đào tạo chuyên nghiệp để nhận thông tin, tư vấn dịch vụ cho khách hàng. Còn các trang fanpage giả mạo thường sử dụng số điện thoại di động để liên hệ” - Bộ Công an khuyến cáo.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cảnh giác với thủ đoạn lập fanpage giả mạo khách sạn chiếm đoạt tiền đặt phòng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO