Canh giữ "lộc rừng"

TRẦN HỮU 08/08/2014 10:11

Cây ươi vẫn chưa hết mùa ra trái nên nhiều người vẫn “dòm ngó” chờ thời cơ thuận lợi là vào rừng “hái lộc”. Nhiệm vụ bảo vệ sản vật rừng chưa bao giờ lại vất vả với cán bộ kiểm lâm như hiện nay.

Rưng rưng nước mắt

Cây ươi đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể với người dân các huyện nghèo miền núi nằm bên vách đại ngàn Trường Sơn. Từ ươi mà nhiều gia đình ở rẻo cao các xã Trà Don, Trà Leng (Nam Trà My), La Dêê, Chà Vàl, Đắc Pring (Nam Giang) hay vùng cao Phước Sơn mua sắm được ti vi, xe máy, xây nhà… “Lộc rừng” đã ban tặng cho địa phương, nhưng cũng lấy đi nhiều thứ. Nước mắt, máu và sinh mạng đã đổ xuống nơi đây. Bao cái chết tức tưởi vì ươi đã làm xôn xao vùng cao, nhiều gia đình tan nát bởi con mất cha, mẹ mất con… Những tai nạn gây tử vong, thương tích do phá rừng ươi thỉnh thoảng xuất hiện – điều hiếm gặp trước đây. Đầu tháng 7, trong lúc trèo chặt cành ươi lấy quả, anh Hồ Thanh Hối (SN 1990, trú tại thôn 3, xã Trà Don, huyện Nam Trà My) đã bị thương nặng và tử vong trên đường đi cấp cứu. Trước đó vài ngày, anh Hồ Văn Toán (SN 1999, xã Trà Leng, Nam Trà My) cũng tử nạn do cây ươi đè trong lúc đốn hạ. Khi nhặt ươi ở khu rừng phòng hộ Sông Tranh (thuộc xã Trà Mai, huyện Nam Trà My), ông Võ Vui (quê Thăng Bình) đã bị rơi xuống hố chết đuối. Theo thống kê, chỉ riêng địa bàn Nam Trà My đã có ít nhất 7 người bị thương, tử vong vì ươi.

Người dân xã Tiên Lãnh (Tiên Phước) phơi khô ươi tươi đã khai thác trong rừng. Ảnh: H.PHÚC
Người dân xã Tiên Lãnh (Tiên Phước) phơi khô ươi tươi đã khai thác trong rừng. Ảnh: H.PHÚC

Điểm lại một số trường hợp tử nạn trên để gióng lên hồi chuông cảnh báo về hệ lụy “ăn của rừng”. Dọc ngang dải Trường Sơn cây ươi phân bố khá dày, đều khắp. Theo ngành kiểm lâm, cây ươi có đường kính phổ biến từ 20 - 40cm, trước đây không bị lâm tặc chặt phá vì gỗ ít có giá trị và người dân chỉ tham gia nhặt trái đã chín rụng xuống đất. Tuy nhiên, thời gian qua, trái ươi được giá. Tận dụng thời gian quả chín ngắn nên người dân sở tại lẫn các địa phương lân cận ồ ạt kéo vào rừng khai thác kiểu tận diệt. Thiệt hại càng nhân đôi khi để triệt hạ một cây ươi nằm sâu trong rừng, người dân phải mở đường trái phép, phá hoại một số cây trồng khác.

Tạo điều kiện khai thác hợp pháp

Khi đã có Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 29.5.2014 của UBND tỉnh về bảo vệ nghiêm ngặt cây ươi, ngoài tăng cường kiểm lâm về cơ sở, các lực lượng chức năng đã kiểm soát, cương quyết chặn đứng đường dây tiêu thụ sản phẩm ươi không rõ nguồn gốc, cắt đứt việc đưa ươi khai thác trái phép ra ngoài. Cũng trong tháng 7, lực lượng cảnh sát kinh tế (Công an Quảng Nam) kịp thời phát hiện và xử lý 2 trường hợp vận chuyển quả ươi trái phép với số lượng lớn. Đó là trường hợp bà Nguyễn Thị Kim Huệ (SN 1977, trú tại 158 Trần Cao Vân, TP.Tam Kỳ) vận chuyển trái phép hơn 3,6 tấn ươi; bà Nguyễn Thị Ngọc Thạch (SN 1973, trú tại số 70 Phan Châu Trinh, Tam Kỳ) vận chuyển trái phép hơn 2 tấn ươi. Đến nay, lực lượng chức năng đã thu giữ hơn 10 tấn quả ươi trái phép, xử phạt hành chính và bán tang vật tịch thu sung quỹ nhà nước gần 1,8 tỷ đồng. Trong khi đó, ông Từ Văn Khánh, Trưởng phòng Quản lý - bảo vệ rừng (thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh) cho biết, từ tháng 5 đến nay, lực lượng chức năng và các địa phương thực hiện hàng trăm đợt tuần tra, kiểm tra để ngăn chặn việc khai thác trái phép quả ươi. Theo đó, thu giữ  21,5 tấn ươi, 20 ô tô, mô tô các loại, 43 máy cưa xăng, 4 chiếc ghe cùng nhiều phương tiện, dụng cụ khác phục vụ cho khai thác ươi. Tổng số tiền xử phạt và bán tang vật nộp ngân sách hơn 2,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngành kiểm lâm vẫn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thu hoạch ươi hợp pháp, chỉ đạo kiểm lâm địa bàn tham mưu cho chính quyền cơ sở xã thực hiện việc xác nhận nguồn gốc lâm sản thu hái đúng quy định pháp luật.

Theo ông Phan Tuấn – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, trước “điểm nóng” quả ươi, từ các cơ sở pháp lý, ngành đã chỉ đạo các hạt kiểm lâm, ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng tăng cường các biện pháp cấp bách nhằm bảo vệ nghiêm ngặt rừng ươi. Các Hạt Kiểm lâm Phước Sơn, Bắc Trà My và Tiên Phước mở hàng trăm đợt tuyên truyền lưu động và đề xuất chính quyền các địa phương kiểm soát cửa ngõ vào rừng, khuyến cáo nhân dân chỉ khai thác khi trái ươi rụng. “Sắp đến, các chủ rừng cần đánh giá lại hiệu quả giữ rừng trên diện tích tự bảo vệ hoặc ký kết với cộng đồng và hộ gia đình thực hiện các hợp đồng khoán quản lý, bảo vệ rừng. Cán bộ kiểm lâm khuyến khích mở rộng diện tích trồng ươi trên những địa bàn phù hợp để bảo tồn nguồn giống và cải thiện nguồn thu nhập cho người dân” – ông Tuấn cho biết.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Canh giữ "lộc rừng"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO