Với người xứ Quảng, khoai môn có thể chế biến được nhiều món ngon như xôi, chè, nấu cháo. Và món ăn vẫn còn “theo” người dân quê trong bữa cơm gia đình suốt hàng chục năm qua là canh khoai môn nấu với tôm đồng.
Mỗi lần nhắc đến canh khoai môn tôi lại nhớ những ngày mưa dầm dề ở quê, đợi con nước vừa chớm lớn, ba đẩy chiếc ghe nhỏ tách bến, rời xa mấy đám lục bình trôi là bắt đầu thả lưới. Ngày trước, tôm đồng còn nhiều, vào mùa mưa, chỉ độ một tiếng đồng hồ trên dòng sông, đã bắt được vài lạng tôm. Tôm ba mang về, má vội vàng đổ ra khỏi giỏ, chọn những con lớn biếu ông bà, phần còn lại mang đi rang muối hoặc nấu canh khoai môn. Thường người ta nấu canh khoai môn với xương hoặc sườn heo nhưng vẫn không sao sánh bằng nồi canh khoai môn nấu tôm của má.
Trước tiên nên chọn những củ khoai môn căng tròn còn bám đất, không bị thâm, giập hay bị nứt, sứt. Khoai bóc vỏ, rửa sạch, ngâm trong nước khoảng mươi phút, vớt ra để ráo rồi dùng dao cắt lát vừa ăn. Tôm còn sống nhảy tưng tưng, rửa sạch, bỏ râu, đuôi, để ráo nước. Ướp tôm với tiêu, mắm và bột ngọt. Khử dầu phụng với hành tím thái mỏng rồi cho tôm vào xào. Khoai đem ninh với lượng nước thích hợp. Khoai mềm sơ thì cho tôm đã xào qua vào khi nước canh sệt, đặc, nêm lại gia vị vừa ăn rồi thêm hành lá thái nhỏ vào nồi và nhanh tay nhấc ra khỏi bếp, rắc ít tiêu xay nhuyễn. Thế là đã có món canh khoai môn nấu tôm đậm đà hương vị đồng quê.
Canh khoai môn nấu với tôm đồng tuy chẳng phải món ăn cao sang, cầu kỳ nhưng sẽ tạo cảm giác ngon miệng cho mọi người trong gia đình, được các bà nội trợ miệt vườn ưa chuộng. Những hôm có món kho quẹt, cá khô chiên... ăn kèm với canh khoai môn thì chẳng còn gì bằng. Vị bùi của khoai môn xen lẫn vị ngọt của tôm hòa cùng hương vị của hành lá và gia vị cứ mềm môi, ngọt lưỡi, như tan dần trong miệng. Hương vị sông nước từ con tôm hòa quyện với rau củ vườn nhà làm cho bữa cơm gia đình thêm đầm ấm trong ngày mưa gió.
THANH LY