Cảnh quan sông nước, làng quê Hội An: Tiềm năng và quan ngại

ĐỖ HUẤN 27/03/2018 13:59

Cảnh quan sông nước, làng quê Hội An có sự đa dạng về tài nguyên nhân văn và sinh thái, giàu tiềm năng phát triển du lịch và kinh tế nhưng đang đứng trước những quan ngại.

Sông Hoài phố Hội buổi sớm mai. Ảnh: ĐỖ HUẤN
Sông Hoài phố Hội buổi sớm mai. Ảnh: ĐỖ HUẤN

Tiềm năng

Hiếm có nơi nào như Hội An, vừa có đô thị gồm khu phố cổ và các khu đô thị mới lại vừa cận kề vùng sông nước, biển, đảo. Phần lớn diện tích tự nhiên của Hội An được bao bọc bởi hệ thống sông ngòi lớn nhỏ, mương lạch chằng chịt và bị chia cắt bởi những bãi, nổng, trảng, dốc, cồn cát; những bàu, đầm, hói, vũng, ao… và  hệ rừng dừa nước ngập mặn. “Trên cơ sở đó đã tạo cho Hội An sự đa dạng về sự phát triển kinh tế và cũng dẫn đến sự đa dạng về các loại hình văn hóa, sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng ở vùng cửa sông ven biển đặc thù này. Cùng với quá trình bảo tồn phát triển, hiện nay những giá trị văn hóa đó, cảnh quan sông nước vẫn còn khá nguyên vẹn mà như các nhà du lịch học cho rằng hiếm ở đâu như ở Hội An với một không gian không rộng (khoảng 60km2) mà có đầy đủ các yếu tố du lịch sinh thái, văn hóa”, ông Nguyễn Chí Trung - Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa (QLBTDSVH) Hội An nói.

Với sự đa dạng về tài nguyên nhân văn và tài nguyên sinh thái, vùng sông nước, làng quê Hội An rất giàu tiềm năng du lịch, tạo điều kiện thuận lợi để cải thiện sinh kế cho cộng đồng dân cư. Không ở đâu mà dọc theo con nước từ thượng nguồn đổ về lại có nhiều tên đất, tên làng nổi tiếng như vậy. Làng gốm Thanh Hà với những con người biết gọi hồn, chắp cánh cho đất. Làng mộc Kim Bồng với những nghệ nhân biết hóa thân trong từng đường chạm trỗ, thể hiện tài hoa sáng tạo. Ngoài khu phố cổ - di sản văn hóa thế giới, còn có làng ẩm thực dân dã với hến trộn, bánh tráng đập và bắp nấu Cẩm Nam. Rời xa khu di sản phố cổ náo nhiệt, lung linh đèn lồng rực sắc màu là đến các làng quê sinh thái thiên nhiên, bình yên, hoang sơ của Thanh Nam (Cẩm Châu), Vạn Lăng (Cẩm Thanh), làng cá Cửa Đại…

Cảnh quan sông nước, cồn, bàu Hội An là nơi lý thú để du khách trong và ngoài nước khám phá, trải nghiệm đời sống chân quê. Du khách có dịp cảm nhận đầy đủ vẻ đẹp hiếm có của vùng đất và con người vùng “cửa sông - ven biển” Cửa Đại, tận hưởng những làn gió mát lành phả lên từ mặt sông mang theo vị lờ lợ của vùng nước ngập mặn, rồi phóng tầm mắt ngắm nhìn những làng quê êm ả, rợp bóng cây xanh với những bến bờ luôn rộn rã tiếng nói cười. Những vị khách đa cảm, hay hoài niệm dễ bắt gặp dọc theo con nước ven sông ký ức của một thời thơ trẻ với cảnh các mẹ, các chị và lũ trẻ ra sông giặt giũ, tắm táp, nghịch nước buổi trưa hè… Dừng lại một bến bờ nào đó, du khách có thể thả câu, quăng lưới, bủa rập tìm một ít cá, tôm, cua… làm mồi chuẩn bị cho bữa nhậu trên sóng nước bập bềnh…

Nỗi quan ngại

Kết quả nghiên cứu của Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm thời gian qua  cho thấy, hệ sinh thái vùng ngập mặn Cửa Đại - Hội An đã và đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của các du khách đến từ châu Âu, nhất là các nhà nghiên cứu sinh vật, môi trường và thiên nhiên bởi tính đa dạng và hiếm lạ sinh học. Tiếc rằng, mức độ khám phá, quảng bá chưa nhiều như mong muốn để kết hợp phục vụ tham quan du lịch. Bên cạnh đó, đáng quan ngại hơn là trước cơn lốc “đô thị hóa”, cảnh quan làng quê, sông nước Hội An đang dần bị biến dạng. Nếu không kịp thời ngăn ngừa, chấn chỉnh, vẻ đẹp truyền thống đặc trưng của những vùng sinh thái này có nguy cơ mất hẳn. Ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND TP. Hội An bày tỏ quan ngại về thực trạng gần đây: “Ở Cẩm Thanh năm qua không dưới một chục cuộc họp đã diễn ra để giải quyết 21 hồ tôm mà người ta xây dựng các công trình gọi là dịch vụ du lịch ở Cẩm Thanh. Qua giám sát, tiếp tục xuất hiện 14 hộ ven sông Cổ Cò (từ cầu Phước Trạch chạy lên) sai phạm về lấn sông xây dựng các dịch vụ. Rồi hiện nay các điểm xây dựng sai phép, đặc biệt trong công dân liên tục xảy ra”.

Kiến trúc, xây dựng ở các vùng quê dường như chưa được quy hoạch chặt chẽ, thiếu định hướng đồng bộ. Những ngôi nhà kiểu truyền thống, thuần Việt bên những hàng cau xanh, rặng dừa nước hay lũy tre làng ở các vùng quê dần dần bị thay bằng những ngôi nhà bê tông cao tầng với đủ loại kiến trúc chắp vá, xa lạ với không gian làng quê truyền thống. Rồi do quản lý lơi lỏng, ở các địa phương vùng “cửa sông - ven biển” như Cẩm Thanh, Cửa Đại, Cẩm An, Cẩm Châu... đã xảy ra khá nhiều trường hợp vi phạm luật đất đai với các hành vi cơi nới lấn chiếm đất công, san lấp ao hồ làm nhà ở và cơ sở kinh doanh trái phép, làm sông ngòi bị bồi cạn, lệch dòng chảy, ô nhiễm môi trường… để lại hậu quả nan giải. Điều đó khiến ta có cảm thấy tiếc nuối khi ở các làng quê ngày càng ít đi những rào bằng giậu bằng các cây mồng tơi, dâm bụt, chè tàu… Hãy giữ cho dáng quê  mãi tròn trịa, đẹp đầy trong mắt nhau trước những vận hội phát triển thời hội nhập mới.

ĐỖ HUẤN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cảnh quan sông nước, làng quê Hội An: Tiềm năng và quan ngại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO