Canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu ở Bình Chánh

PHAN VINH 12/11/2019 20:15

(QNO) - Việc áp dụng phương pháp tưới nước tiết kiệm, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học ở xã Bình Chánh (Thăng Bình) đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân và góp phần hạn chế những tác động ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu.

Thay đổi phương thức canh tác cộng với đưa cơ giới hóa xuống đồng ruộng đã giảm nhiều công sức của nông dân. Ảnh: PHAN VINH
Thay đổi phương thức canh tác cộng với đưa cơ giới hóa xuống đồng ruộng đã giảm nhiều công sức của nông dân. Ảnh: PHAN VINH

Nâng cao năng suất

Ông Lê Đức Thắng (thôn Tú Trà, xã Bình Chánh) có 4 sào đất lúa. Với cách làm cũ thì năng suất mang lại thấp, trong khi chi phí mua vật tư nông nghiệp khá cao. Được mời tham gia mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu của UBND xã Bình Chánh, vụ đông xuân vừa qua, ông gieo sạ theo hàng, thường xuyên theo dõi bệnh hại để hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và ít dùng phân bón hóa học…

“Kết quả, 4 sào ruộng của tôi đạt hơn gần 13 tạ, cao hơn trước đây gần 1 tạ. Lượng giống cũng giảm 6kg, phân bón giảm 12kg. Chi phí đầu tư giảm hẳn, trong khi năng suất lại tăng” - ông Thắng cho hay.

Giảm lượng nước tưới, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vừa nâng cao năng suất vừa giảm tác hại xấu đến môi trường. Ảnh: PHAN VINH
Giảm lượng nước tưới, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vừa nâng cao năng suất vừa giảm tác hại xấu đến môi trường. Ảnh: PHAN VINH

Tham gia vào mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu của UBND xã Bình Chánh còn có hơn 50 hộ nông dân khác. Trước khi đến với mô hình và nhận được hiệu quả tích cực như hiện nay, các hộ dân đã được tham gia lớp tập huấn do UBND xã Bình Chánh tổ chức. Nội dung tập huấn gồm các kỹ thuật chăm sóc cây lúa theo quy trình theo quy trình 3 giảm 3 tăng ICM; lợi ích, hiệu quả và kỹ thuật sử dụng công cụ sạ hàng; giải pháp quản lý dịch hại trên ruộng; nguyên nhân và hậu quả của tác động biến đổi khí hậu đối với sản xuất nông nghiệp, từ đó, có phương thức sản xuất thích ứng phù hợp; thực hiện tưới nước tiết kiệm theo quy trình “Ướt - khô xem kẽ”.

Qua đó, những nông dân tham gia buổi tập huấn đã nhận thức đúng đắn và chấp hành nghiêm lịch thời vụ, cơ cấu giống vụ đông xuân vừa qua. Đồng thời áp dụng triệt để quy trình tưới “Ướt - khô xem kẽ”, giảm lượng nước từ kênh mương thủy lợi xuống ruộng một cách vô ích. Người nông dân còn hiểu hơn về việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ảnh hưởng xấu đến môi trường và thay thế thuốc đó bằng việc nâng cao khả năng nhận biết về dịch hại để sớm áp dụng phương pháp phòng trừ hữu cơ, thân thiện môi trường. Đặc biệt hơn, năng suất lúa tại các cánh đồng trước và sau khi tham gia mô hình đã có những thay đổi rõ nét, chi phí đầu tư xuống đồng ruộng cũng giảm đáng kể.

Áp dụng nhân rộng

Theo ông Hồ Chí Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Chánh, qua kiểm tra theo dõi các yếu tố cấu thành năng suất cho thấy, mặt dù trên cánh đồng áp dụng mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu có số bông lúa/m2 ít hơn so với cánh đồng làm theo tập quán nhưng số hạt chắc trên mỗi bông lúa cao hơn. Cụ thể, trên cánh đồng áp dụng mô hình có 104 hạt trên mỗi bông lúa, còn cánh đồng ngoài mô hình chỉ có 93 hạt. Năng suất của cánh đồng áp dụng mô hình đạt 62,79 tạ/ha, trong khi đó, cánh đồng ngoài mô hình chỉ đạt 57,2 tạ/ha. Theo đó, hiệu quả kinh tế cao hơn cánh đồng làm theo tập quán cũ 4,6 triệu đồng/ha.

Hiệu quả đem lại cao hơn vì lượng giống sạ mô hình ít hơn ruộng làm theo tập quán là 30kg/ha. Số lần phun thuốc bảo vệ thực vật ít hơn 2 lần/vụ. Lượng phân bón hóa học trên cánh đồng áp dụng mô hình cũng ít hơn cánh đồng làm theo tập quán là 60kg/ha.

UBND xã Bình Chánh sẽ áp dụng mô hình này trên 600ha đất sản xuất của địa phương. Ảnh: PHAN VINH
UBND xã Bình Chánh sẽ áp dụng mô hình này trên 600ha đất sản xuất của địa phương. Ảnh: PHAN VINH

Ngoài ra, việc áp dụng mô hình còn tạo bước chuyển mạnh mẽ về nhận thức ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất cho nông dân. Đặc biệt, việc giảm lượng phân bón, giảm phun thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng, tuyên truyền nông dân không đốt rơm… đã tạo điều kiện cho lúa sinh trưởng phát triển tốt, ít sâu bệnh. Từ đó, mô hình góp phần giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm của nông nghiệp.

“Từ những hiệu quả mà mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu mang lại trên 50ha mà UBND xã triển khai, thời gian tới, chúng tôi sẽ xây dựng mô hình 200ha và phấn đấu trên 100% diện tích đất lúa của xã Bình Chánh với khoảng 600ha. Bên cạnh việc phát triển sản xuất, UBND xã cũng gắn người nông dân với các doanh nghiệp liên kết tiêu thụ nông sản để việc canh tác lúa thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định” - ông Dũng cho biết thêm.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu ở Bình Chánh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO