"Cánh tay nối dài" phòng chống tham nhũng

ANH ĐÔNG 23/06/2023 08:04

Cho rằng Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh là “cánh tay nối dài” của Ban Chỉ đạo Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực yêu cầu, hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh phải bảo đảm thực chất, có kết quả cụ thể, rõ ràng, tránh phô trương, hình thức, “thành lập cho có”, “được chăng hay chớ”...

Đại biểu tham dự hội nghị toàn quốc sơ kết một năm hoạt động của Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh tại điểm cầu Quảng Nam. Ảnh: V.A
Đại biểu tham dự hội nghị toàn quốc sơ kết một năm hoạt động của Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh tại điểm cầu Quảng Nam. Ảnh: V.A

Hội nghị toàn quốc sơ kết một năm hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) cấp tỉnh vừa diễn ra dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC.

Tham dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Nam có các Phó Trưởng ban Chỉ đạo PCTNTC tỉnh, gồm Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Chín, Thiếu tướng Nguyễn Đức Dũng - Giám đốc Công an tỉnh, cùng các thành viên Ban Chỉ đạo PCTNTC tỉnh.

Kết quả từ Quảng Nam

Ngày 20/6/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam ban hành Quyết định số 65 về thành lập Ban Chỉ đạo PCTNTC tỉnh gồm 15 đồng chí, đảm bảo đủ số lượng thành viên, đúng với thành phần, cơ cấu theo quy định.

Qua một năm hoạt động của Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh, số cán bộ, đảng viên bị khởi tố do hành vi tham nhũng, tiêu cực trên cả nước là 1.132 bị can. Có 15 tổ chức đảng, gần 80 cán bộ, công chức các cơ quan có chức năng PCTNTC sai phạm về tham nhũng, tiêu cực bị xử lý kỷ luật.

Riêng tại Quảng Nam, từ khi thành lập Ban Chỉ đạo PCTNTC tỉnh đến ngày 30/5/2023, số vụ án tham nhũng khởi tố mới trên địa bàn tỉnh là 17 vụ với 42 bị can; số cán bộ, đảng viên bị khởi tố 21 người. Ngoài ra, số vụ án tiêu cực có cán bộ, đảng viên vi phạm bị khởi tố là 6 vụ án với 24 bị can (trong đó có 14 cán bộ, đảng viên).

Ban Chỉ đạo PCTNTC tỉnh đã xây dựng, ban hành quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ thành viên, chương trình công tác và triển khai thực hiện các nhiệm vụ quan trọng về công tác PCTNTC ở địa phương.

Đồng thời chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ án, vụ việc tham những, tiêu cực; tập trung chỉ đạo xử lý các vụ việc, vụ án phức tạp, dư luận quan tâm.

Từ khi thành lập đến nay, Ban Chỉ đạo PCTNTC tỉnh đã nhận được nhiều đơn thư phản ánh, khiếu nại, kiến nghị của công dân gửi đến, trong đó có 6 đơn tố cáo, kiến nghị, phản ánh có nội dung tham những, tiêu cực.

Ban Nội chính Tỉnh ủy (cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo PCTNTC tỉnh) đã chuyển đơn của công dân đến các cơ quan, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền để xem xét, xử lý theo quy định.

Theo báo cáo, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 4 vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm được cơ quan Thường trực đề xuất đưa vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, gồm: vụ án “Tham ô tài sản” xảy ra tại Bưu điện thị xã Điện Bàn; vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ban Quản lý dự án TP.Hội An và “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ban Quản lý dự án - đô thị huyện Thăng Bình; vụ việc tiêu cực liên quan đến đất đai xảy ra tại UBND xã Duy Trung (huyện Duy Xuyên); vụ án “Đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ” xảy ra tại các Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 92-01D và 92-02D.

Bên cạnh đó, cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo cũng đã đề nghị chuyển 4 vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo sang diện Ban Chỉ đạo PCTNTC tỉnh theo dõi, chỉ đạo; trong đó có 3 vụ án theo kiến nghị của Đoàn công tác số 6 - Ban Chỉ đạo Trung ương giao và 1 vụ việc nổi cộm, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm (vụ việc khiếu kiện của người dân liên quan đến một số dự án khu dân cư, khu đô thị tại thị xã Điện Bàn do Công ty CP Bách Đạt An làm chủ đầu tư).

Đảm bảo thực chất, tránh hình thức

Theo Ban Nội chính Trung ương (cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC), chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh được Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) thống nhất ngày 10/5/2022. Chỉ sau gần 3 tháng từ khi có nghị quyết của Trung ương, cả 63 tỉnh thành nhanh chóng thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.

Phát biểu kết luận hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC cho rằng, những kết quả bước đầu đạt được sau một năm thành lập là cơ sở thực tiễn, khẳng định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về PCTNTC là đúng đắn, cần thiết, kịp thời, được dư luận, cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ, đánh giá cao.

Đánh giá hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh, Tổng Bí thư dẫn chứng bằng con số cụ thể: Từ khi thành lập Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh đến nay, các địa phương trong cả nước đã khởi tố 530 vụ án, 1.858 bị can về tội tham nhũng, tăng gấp 1,5 lần về số vụ án và tăng hơn 800 bị can so với năm 2021.

Trong đó số vụ, việc có tính chất nghiêm trọng, phức tạp và số cán bộ giữ cương vị lãnh đạo, quản lý, cả đương chức và đã nghỉ hưu vi phạm bị phát hiện, xử lý cũng nhiều hơn. Điều đó cho thấy không còn tình trạng “nhẹ trên, nặng dưới”, “hạ cánh an toàn” như trước đây.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, lưu ý 5 nội dung trọng tâm về hoạt động của Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh trong thời gian đến. Đó là cần quán triệt, nhận thức sâu sắc hơn nữa về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.

Ban Chỉ đạo cấp tỉnh là “cánh tay nối dài” của Ban Chỉ đạo Trung ương, do vậy hoạt động của Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh phải hết sức khoa học, chặt chẽ, bài bản, nền nếp, bảo đảm thực chất, có kết quả cụ thể, rõ ràng, tránh phô trương, hình thức, “thành lập cho có”, “được chăng hay chớ”; nhất là tránh tình trạng “đầu voi, đuôi chuột”, lúc ra mắt thì rầm rộ, nhưng sau cứ thưa thớt, nguội lạnh dần.

Tổng Bí thư đề nghị Ban Chỉ đạo PCTCTC cấp tỉnh không trông chờ, ỷ lại vào cấp trên. Ban Chỉ đạo Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ chứ không làm thay công việc của các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, trừ những vụ việc lớn, khó, phức tạp. Để nâng cao hiệu quả hoạt động, Tổng Bí thư đề nghị tiếp tục kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.

Thành viên ban chỉ đạo trước hết phải là những người thực sự gương mẫu, trong sạch, liêm - dũng - chính - trực, không bị cám dỗ bởi bất cứ lợi ích nào và cũng không ngại bất cứ lực cản không trong sáng nào; dám nói, dám làm, kiên quyết làm vì lợi ích chung.

“Đặc biệt là vai trò của người đứng đầu Ban Chỉ đạo. Người đứng đầu phải gương mẫu, không vướng bận vào bất cứ việc gì thì mới làm được, vướng vào rồi thì “há miệng mắc quai”. Chân mình thì lấm bê bê/ Lại cầm bó đuốc mà rê chân người” - Tổng Bí thư nói.

Tổng Bí thư đề nghị Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về tham nhũng, tiêu cực để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các sai phạm từ sớm, từ xa, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn.

Chống tham nhũng, tiêu cực trước hết phải giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân; vừa kiên quyết xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực lớn, nghiêm trọng, phức tạp, vừa phải kiên trì xử lý dứt điểm những vụ việc tiêu cực liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Cánh tay nối dài" phòng chống tham nhũng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO