Cánh tay nối dài từ cơ sở

HÀN GIANG 04/02/2013 09:08

“Được chính quyền tin tưởng, mình phải ra sức vận động, tuyên truyền đồng bào chăm lo phát triển kinh tế, xây dựng gia đình êm ấm. Làm được như vậy mình mới yên cái bụng” - già làng Hồ Văn Lít (ở thôn 5, xã Sông Trà) phát biểu trong buổi gặp mặt già làng, người có uy tín do UBND huyện Hiệp Đức vừa tổ chức.

Lãnh đạo huyện Hiệp Đức tuyên dương, khen thưởng các già làng, người có uy tín.Ảnh: HÀN GIANG
Lãnh đạo huyện Hiệp Đức tuyên dương, khen thưởng các già làng, người có uy tín.Ảnh: HÀN GIANG

Phát huy vai trò

Giữa tháng chạp, các già làng, người có uy tín của 3 xã vùng cao huyện Hiệp Đức có dịp gặp gỡ, chia sẻ tâm tư tình cảm và đề đạt những kiến nghị của dân làng đến chính quyền địa phương. Trong nhiều năm qua, bằng uy tín, sự gương mẫu của mình, họ đã tích cực phát huy vai trò “linh hồn” của thôn, bản trong các mặt hoạt động, phong trào, cuộc vận động của địa phương. Đi cùng với các nhiệm vụ vận động bà con chăm lo phát triển kinh tế, tham gia thực hiện tốt các chính sách, chương trình phát triển dành cho xã vùng cao, các già làng còn vận động người dân tích cực tham gia phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, xóa bỏ dần các hủ tục, tập quán lạc hậu, bảo vệ môi trường sống, bảo vệ nguồn nước sinh hoạt, bám đất giữ làng...

Điển hình như khi một số hộ dân ở các thôn 1, thôn 3 và 4 xã Phước Gia lấn chiếm đất của Công ty Cao su Quảng Nam, các già làng Hồ Văn Bốn, Trần Văn Ngọc, Hồ Ngọc Xanh đã tích cực đứng ra giải thích, vận động người dân hiểu, chấp hành đúng chủ trương, không để nảy sinh tranh chấp, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Hay chuyện già làng Trần Văn Ngọc đến từng gia đình có con em chậm tiến để nắm bắt tâm tư nguyện vọng, phối hợp giáo dục giúp các em tiến bộ, cam kết không có hành vi vi phạm pháp luật. Già Ngọc còn tham gia nắm tình hình các đối tượng thanh niên hư hỏng, quậy phá, trộm cắp vặt để phối hợp với chính quyền, công an răn đe, giáo dục. Hoặc già làng Đinh Văn Khương (thôn 5, Phước Gia) thường xuyên vận động người làng tham gia đẩy đuổi các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép dọc sông Tranh ra khỏi địa bàn để bảo vệ nguồn nước sinh hoạt, tài nguyên khoáng sản. Còn già làng Hồ Văn Sơn (thôn 1, Phước Trà) tích cực vận động người dân tham gia bảo vệ rừng phòng hộ, kịp thời báo chính quyền, ngành chức năng khi xảy ra tình trạng lấn chiếm, xâm hại rừng phòng hộ trên địa bàn; vận động nhân dân kê khai, giao nộp vũ khí, vật liệu nổ và các loại vũ khí tự chế trái phép...

“Những thành tựu phát triển của Hiệp Đức trong thời gian qua luôn có sự đóng góp tích cực, quan trọng của các già làng, người có uy tín. Các già làng chính là cánh tay nối dài đắc lực của Đảng, chính quyền trong từng nhiệm vụ cụ thể, là cầu nối gắn kết khối đại đoàn kết dân tộc trên địa bàn huyện”. (Bí thư Huyện ủy Hiệp Đức - Võ Xuân Ca)

Ông Hồ Văn Chi - Bí thư Đảng ủy xã Phước Trà bày tỏ: “Trong những năm qua, các già làng, người có uy tín luôn có những đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Khi có vấn đề nổi cộm, bức xúc phát sinh, các già làng tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng để giải quyết. Chính họ cũng là người giải thích, vận động cho người dân hiểu rõ bản chất của sự việc, không để phát sinh mâu thuẫn”.

Già làng góp ý

Bên cạnh những kết quả đạt được của toàn huyện trong năm qua, già làng Đinh Văn Khương cũng bày tỏ băn khoăn: “Tình trạng đào đãi vàng trái phép trên địa bàn vẫn còn diễn biến rất phức tạp ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt, hủy hoại môi trường sống, gây thất thoát tài nguyên, xáo trộn đời sống người dân bản địa. Thật sự chúng ta chưa phối hợp làm tốt công tác quản lý, bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản. Nếu với đà này, liệu mai sau con cháu chúng ta có còn tài nguyên để khai thác, sử dụng?”. Còn già làng Hồ Văn Mai (thôn 2, xã Phước Trà) kiến nghị: “Thời gian qua cây cao su đã giúp nhiều hộ có mức thu nhập ổn định từ 3 - 4 triệu đồng, nhiều hộ thoát được nghèo khó, đời sống khá hẳn. Tỉnh đã có cơ chế hỗ trợ bà con miền núi phát triển cây cao su tiểu điền, vì vậy, tôi mong cán bộ kỹ thuật, chính quyền địa phương quan tâm giúp đỡ cho bà con nắm bắt vững kỹ thuật chăm trồng cao su để phát triển kinh tế bền vững, vậy mới yên cái bụng”.

Nhờ chăm lo phát triển kinh tế nên đời sống người dân 3 xã vùng cao của huyện Hiệp Đức ngày càng khởi sắc. Già làng Hồ Văn Lít (thôn 5, xã Sông Trà) bày tỏ: “Những nhiệm vụ mà các già làng chúng tôi quan tâm, chú trọng thực hiện trong năm nay là tích cực phát động người dân hưởng ứng “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; bảo vệ an ninh trật tự xã hội, chăm sóc sức khỏe người dân, bảo vệ môi trường sống bền vững trên địa bàn”. Để làm tốt những điều đó, theo già Lít, phải phát động nhân dân tích cực tham gia thực hiện; muốn làm được nhiều thì phải thi đua. Thi đua trồng rừng, trồng lúa nước, chăn nuôi để thoát nghèo, có cuộc sống ngày càng khấm khá, đó cũng chính là thể hiện lòng yêu nước như lời Bác Hồ dạy.

HÀN GIANG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cánh tay nối dài từ cơ sở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO