Cánh tay nối dài từ thôn, bản

VINH ANH 19/01/2015 09:27

Bằng vai trò, vị trí của mình trong cộng đồng, các già làng, trưởng bản, người có uy tín (gọi chung là người có uy tín) ở huyện Hiệp Đức đã có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.
Huyện Hiệp Đức có 3 xã vùng cao gồm Phước Gia, Phước Trà và Sông Trà, với 837 hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số Ca Dong và Mơ Nông sinh sống. Do điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nên trước đây trên địa bàn 3 xã luôn nổi lên những điểm nóng về an ninh trật tự, nạn phá rừng, khai thác vàng... Với vai trò của mình, người có uy tín ở các thôn bản không chỉ đi đầu, gương mẫu trong việc chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước, mà còn tích cực vận động nhân dân tham gia phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thực hiện nếp sống văn hóa ở khu dân cư… Đặc biệt, người có uy tín đã đóng góp quan trọng vào việc giữ gìn an ninh trật tự, giúp cơ quan chức năng phát hiện và xử lý nhiều điểm nóng như sử dụng súng quân dụng, khai thác vàng trái phép…

Ông Đào Bội Thuyên - Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức tặng giấy khen cho người có uy tín tại 3 xã vùng cao. Ảnh: V.ANH
Ông Đào Bội Thuyên - Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức tặng giấy khen cho người có uy tín tại 3 xã vùng cao. Ảnh: V.ANH

Là tai, mắt ở cơ sở

Già làng Hồ Văn Khương ở thôn 5, xã Phước Gia là một trong 3 người có uy tín của huyện Hiệp Đức được Bộ Công an trao tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2014. Thượng úy Hồ Văn Xem - cán bộ phụ trách an ninh miền núi Công an huyện Hiệp Đức cho biết, già Khương là người có những đóng góp lớn giúp Công an huyện triệt phá, đẩy đuổi nhiều vụ khai thác vàng trái phép tại địa bàn xã Phước Gia. Thượng úy Xem kể, các năm 2012, 2013 xã Phước Gia là điểm nóng về khai thác vàng trái phép trên địa bàn huyện, lực lượng chức năng nhiều lần truy quét, đẩy đuổi nhưng không thể giải quyết dứt điểm. May nhờ có già Khương (đảng viên, nguyên cán bộ công an xã - PV) đã tích cực vận động bà con nhân dân không đi làm thuê cho các chủ khai thác vàng, đồng thời thường xuyên theo dõi địa bàn, khi phát hiện vụ việc thì tố giác ngay với cơ quan chức năng. Nhiều lần già Khương gọi điện cho Công an huyện cung cấp thông tin về địa điểm, thời gian hoạt động của các đối tượng khai thác vàng trái phép. Có lúc, già còn trực tiếp mật phục, theo dõi nắm tình hình để cung cấp cụ thể cho công an. Nhờ nắm được vị trí, thời gian chính xác nên công an và các lực lượng chức năng của huyện Hiệp Đức đã tổ chức nhiều cuộc đột kích bất ngờ khiến cho các đối tượng không kịp trở tay, tịch thu nhiều máy móc, dụng cụ khai thác vàng. Cùng với sự vào cuộc quyết liệt và sự giúp đỡ của những người dân như già Khương, năm 2014, nạn khai thác vàng trái phép ở xã Phước Gia đã lắng xuống. “Những người như già Khương đã trở thành “cánh tay nối dài” giúp các lực lượng chức năng kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nhiều vụ việc phức tạp, là điểm nóng ở địa phương” - Thượng úy Hồ Văn Xem nói.

Những năm qua tại nhiều địa phương của Hiệp Đức, tình trạng người dân sử dụng súng quân dụng để săn bắt động vật trái phép diễn ra khá phức tạp. Trước tình hình đó, nhiều già làng có uy tín như Hồ Văn Mai (xã Phước Trà), Hồ Văn Lít, Hồ Thị Hà (xã Sông Trà) đã cùng với các cơ quan chức năng đến tận từng gia đình vận động giao nộp súng. Các già làng phân tích, giải thích cho cộng đồng hiểu được rằng việc sử dụng súng là trái pháp luật, qua đó trong năm 2014 người dân đã tự giác giao nộp cho cơ quan chức năng 10 khẩu súng. Nhờ vậy, nạn săn bắt động vật trái phép giảm hẳn, đảm bảo tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Bên cạnh đó, người có uy tín ở các thôn bản còn tích cực tham gia vận động đồng bào chấp hành tốt quy định an toàn giao thông, phòng chống ma túy,…; đến từng hộ có con em hư hỏng vận động gia đình quan tâm, giáo dục tiến bộ.

Bộ phận không thể tách rời

Cuối tuần qua, UBND huyện Hiệp Đức tổ chức hội nghị tổng kết công tác phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số năm 2014. UBND huyện trao tặng 6 giấy khen cho người có uy tín tiêu biểu đã có thành tích trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc. Dịp này, Công an tỉnh, Công an huyện Hiệp Đức và Công ty Cao su Quảng Nam cũng đã tặng nhiều suất quà cho 45 người có uy tín ở các thôn, bản. (V.A)

Thời gian qua, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Hiệp Đức cơ bản ổn định và từng bước phát triển, tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Để có kết quả đó, ngoài các chủ trương, chính sách quyết liệt của Đảng và Nhà nước còn có những đóng góp hết sức quan trọng của người có uy tín trong cộng đồng. Ông Đào Bội Thuyên - Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức cho biết, địa phương luôn xác định công tác vận động và phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số là nội dung quan trọng trong chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước. Trong những năm qua, Huyện ủy, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo các ban ngành, mặt trận, đoàn thể tiếp tục tổ chức triển khai nghiêm túc Chỉ thị 06 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 27 của UBND tỉnh về phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; trong đó lực lượng công an, mặt trận và dân vận giữ vai trò nòng cốt. “Huyện đã chỉ đạo các cơ quan liên quan thường xuyên gặp gỡ, đối thoại, phổ biến cho già làng, trưởng bản về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện, đồng thời cung cấp thông tin thời sự, tình hình quốc tế, trong nước,… thông qua các hội nghị, tập huấn hoặc tiếp xúc trực tiếp” - ông Thuyên nói.

Dù có nhiều tiến bộ, song đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở Hiệp Đức vẫn còn khó khăn (tỷ lệ hộ nghèo chiếm 65%); tình hình an ninh trật tự ở 3 xã vùng cao tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, nhất là tình hình phá rừng, trộm cắp, đánh nhau,… Để giải quyết tốt các tồn tại, hạn chế trên, ngoài sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong huyện, vai trò của người có uy tín trong cộng đồng tiếp tục được địa phương xác định là “bộ phận không thể tách rời”. Chính vì vậy, việc quan tâm, nâng cao vai trò, vị thế của người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số là nhiệm vụ quan trọng của ban ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương. Đồng thời nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người có uy tín để họ phát huy tối đa vai trò, uy tín của mình trong cộng đồng dân cư.

VINH ANH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cánh tay nối dài từ thôn, bản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO