Cánh tay truy vết từ... nhà thuốc

XUÂN HIỀN 18/08/2020 03:53

Ngành y tế Quảng Nam bước đầu phát huy vai trò của hệ thống bán lẻ thuốc trong phòng chống dịch bệnh Covid -19 bằng việc kiểm soát nghiêm ngặt các nhà thuốc trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, yêu cầu các nhà thuốc khi bán thuốc cho những người có dấu hiệu cảm cúm, có triệu chứng ho, sốt phải ghi lại tên, địa chỉ, số điện thoại của người bệnh. 

Các cơ sở y tế tư nhân yêu cầu người dân khai báo y tế khi đến khám chữa bệnh. Ảnh: X.H
Các cơ sở y tế tư nhân yêu cầu người dân khai báo y tế khi đến khám chữa bệnh. Ảnh: X.H

Truy vết từ triệu chứng

Ông Nguyễn Văn Văn - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, khi dịch Covid-19 xuất hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng, Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn các tỉnh, thành phố khi bán thuốc cho những người có dấu hiệu cảm cúm, có triệu chứng ho, sốt phải ghi lại tên, địa chỉ, số điện thoại của người bệnh. Đây chính là biện pháp để phát hiện sớm các ca bệnh, kịp thời khoanh vùng cách ly và điều trị, bên cạnh việc truy vết theo thông tin dịch tễ.

Để sớm đẩy lùi dịch bệnh, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân, cần tăng tốc điều tra, truy vết, xác minh F1, F2. Ngoài ra, thực hiện xét nghiệm diện rộng các trường hợp F1, những người trong khu vực phong tỏa, khu cách ly tập trung, F2, và cả các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp trong số các bệnh nhân tại các cơ sở y tế và cả trong cộng đồng.

Ông Văn cho biết, Sở Y tế đã cung cấp đường dây nóng của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 cấp tỉnh cũng như người quản lý tại các địa phương đến các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn để tiếp nhận thông tin từ các cơ sở. Ngoài ra, các nhà thuốc bán lẻ hiện nay được hỗ trợ để vận hành hướng dẫn các ứng dụng khai báo y tế điện tử.

“Hiện nay về truy vết, có những ca công bố tại Đà Nẵng nhưng lại liên quan đến Quảng Nam, do đó bắt buộc bất cứ ai có triệu chứng ho sốt khó thở thì phải đưa đến các cơ sở y tế. Như vậy mới là cách tốt nhất để sớm chặn được dịch bệnh. Do đó, ngoài vai trò của ban chỉ đạo địa phương và tổ giám sát cộng đồng cực kỳ lớn, thì giai đoạn này, quan trọng nhất là phát hiện được những người giấu bệnh. Chính các nhà thuốc là đầu mối để phát hiện, nếu họ thật sự tuân thủ theo yêu cầu” - ông Văn nói. 

Theo quan sát của chúng tôi, các nhà thuốc, quầy thuốc trên địa bàn tỉnh hiện nay đều tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế trong quá trình hành nghề. Từ đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, giữ khoảng cách với người mua thuốc... đến việc tuyên truyền cho người dân đến mua thuốc thực hiện nghiêm túc khuyến cáo của cơ quan y tế về phòng chống dịch Covid-19.

Chủ nhà thuốc M.A (đường Nguyễn Du, TP.Tam Kỳ) cho biết, cơ sở đã ứng dụng phần mềm quản lý kê đơn bán thuốc. Trong trường hợp bán thuốc không kê đơn, nhân viên thực hiện tư vấn hướng dẫn sử dụng thuốc không kê đơn, và đề nghị người mua thuốc khai báo các thông tin tiền sử bệnh.

Đẩy mạnh tầm soát

Sở Y tế đang đẩy mạnh việc liên thông kết nối nhà thuốc, quầy thuốc trên địa bàn theo lộ trình. Tuy nhiên, theo thông tin từ Cục Quản lý dược, tính đến tháng 4.2020, Quảng Nam chỉ đạt 13,97%, trong đó nhà thuốc đạt 11,81% về tỷ lệ liên thông giữa cơ sở cung ứng thuốc và đơn vị quản lý. Việc kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn tại hệ thống bán lẻ thuốc trên địa bàn tỉnh hiện nay còn gặp nhiều khó khăn do không có sự đồng bộ về phần mềm quản lý, cũng như ứng dụng công nghệ thông tin còn khá chênh lệch giữa nhiều địa bàn.  

Ông Nguyễn Văn Hai - Giám đốc Sở Y tế cho biết, sở đã quán triệt đến hệ thống bán lẻ thuốc trên địa bàn tỉnh, đối với trường hợp có các triệu chứng như sốt, ho, khó thở..., nhà thuốc cần hướng dẫn người bệnh khai báo y tế điện tử hoặc liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, hướng dẫn. Đồng thời, cơ sở bán lẻ thuốc thực hiện việc báo cáo cho cơ quan y tế trên địa bàn hoặc qua đường dây nóng tiếp nhận thông tin về dịch bệnh Covid-19 để tiến hành theo dõi, giám sát.

“Riêng bệnh viện chúng tôi yêu cầu cần tầm soát người bệnh ngay từ đầu. Cần tầm soát để phối hợp với địa phương. Nguy hiểm nhất là bệnh nhân nghe nhân viên y tế mắc bệnh bỏ qua bệnh viện khác. Đây là kinh nghiệm cần rút ra ở tất cả đơn vị y tế” - ông Hai nói.

Hiện nay Sở Y tế yêu cầu tất cả bệnh nhân sốt ho ở các bệnh viện, kể cả không có yếu tố dịch tễ về nguồn bệnh cần phải thực hiện xét nghiệm. Các cơ sở y tế tổ chức thực hiện nghiêm các hướng dẫn của Bộ Y tế về việc sàng lọc, phân loại, phân luồng, kiểm soát triệt để người bệnh tới khám chữa bệnh. Các phòng khám tư nhân tăng cường sàng lọc người bệnh có dấu hiệu cảm cúm, có triệu chứng ho, sốt bố trí khám ở khu vực riêng và có sổ theo dõi họ tên, địa chỉ, số điện thoại của người bệnh để theo dõi, quản lý ca bệnh...

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cánh tay truy vết từ... nhà thuốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO