Cạnh tranh nhãn hiệu độc quyền Mộc Kim Bồng

QUỐC HẢI 09/11/2017 08:22

Sau khi được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam chứng nhận đến nay, nhãn hiệu tập thể Mộc Kim Bồng - Hội An vẫn chưa được quản lý và phát huy hiệu quả, trong khi đó, tình trạng vi phạm nhãn hiệu độc quyền liên tục xảy ra.

Tổ chức càng nhiều Hội thi tay nghề, góp phần nâng cao thương hiệu. Ảnh: Q.HẢI
Tổ chức càng nhiều Hội thi tay nghề, góp phần nâng cao thương hiệu. Ảnh: Q.HẢI

Cạnh tranh thương hiệu

Năm 2013, khi còn là Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ và du lịch (HTX DV&DL) Làng nghề truyền thống Kim Bồng - Hội An, nghệ nhân Huỳnh Sướng phát hiện trên địa bàn thành phố có thành lập một công ty trùng tên với nhãn hiệu đã được bảo hộ độc quyền của HTX, đó là Công ty CP Làng Mộc Kim Bồng, đăng ký lần đầu ngày 7.1.2011. HTX đã khiếu nại vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, kiến nghị quý cấp xem xét, giải quyết để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, góp phần chống sản xuất, buôn bán hàng giả và nhầm lẫn thương mại. Sau khi tiếp nhận đơn kiến nghị, Phòng Kinh tế Hội An đã tiến hành xác minh và gửi công văn đến Sở KH&ĐTvà Sở KH&CN. Nội dung ghi rõ: “Ngày 20 tháng 12 năm 2007, HTX DV-DL Làng nghề truyền thống Kim Bồng được chọn làm đại diện chủ đơn, thay mặt các hộ sản xuất mộc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “Mộc Kim Bồng - Hội An và Hình” và đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu ngày 18.12.2008. Căn cứ khoản 1, điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, việc cấp phép thành lập Công ty CP Làng Mộc Kim Bồng sẽ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng và là hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hàng hóa”.

Phòng Kinh tế Hội An đề nghị Sở KH&ĐTvà Sở KH&CN xem xét, làm việc với Công ty CP Làng Mộc Kim Bồng, yêu cầu đơn vị có tên xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp phải thay đổi tên gọi cho phù hợp. Đây chỉ là một trong những vụ việc sử dụng nhãn hiệu liên quan đến “Mộc Kim Bồng - Hội An”. “Thương hiệu Mộc Kim Bồng đã có từ lâu rồi, sau khi đăng ký nhãn hiệu tập thể, một lần nữa khẳng định về chất lượng và nghệ thuật của Mộc Kim Bồng. Tuy nhiên, khi hội nhập thì thương hiệu là rất cần thiết, chính sự cần thiết đó mà đã có nhiều công ty, nhiều tổ chức cá nhân muốn cắp thương hiệu của Mộc Kim Bồng. Chúng tôi đã kiện và nhờ Cục Sở hữu trí tuệ can thiệp. Như vậy, chứng tỏ cạnh tranh càng khốc liệt thì thương hiệu càng phải được bảo hộ” - Nghệ nhân Huỳnh Sướng chia sẻ.

Hướng tới sản phẩm hàng hóa

Hiện nay, làng Mộc Kim Bồng có 32 cơ sở sản xuất với 91 lao động, trong đó có 1 Nghệ nhân nhân dân cấp Nhà nước, 1 Nghệ nhân ưu tú cấp Nhà nước và 1 thợ giỏi. Sản phẩm của làng nghề chủ yếu là mộc gia dụng, mộc chạm trổ trang trí nội, ngoại thất, mộc lưu niệm... doanh thu 7 - 8 tỷ đồng/năm. Làng Mộc còn là điểm tham quan du lịch với 100.000 lượt khách/năm. Ông Phan Trọng Nhân - Chủ tịch UBND xã Cẩm Kim cho biết: “Sau khi xác lập nhãn hiệu tập thể Mộc Kim Bồng,  đây là điều kiện để phát triển bền vững. Song, thực tế cho thấy việc phát triển gần đây gặp nhiều khó khăn. Nhãn hiệu cần tiếp tục các bước để khẳng định và quan trọng hơn là phân biệt được sản phẩm Mộc truyền thống Kim Bồng với các sản phẩm khác. Bởi hiện có một số sản phẩm không sản xuất tại Kim Bồng nhưng lại lấy nhãn hiệu Kim Bồng”. Ông Nhân cũng thừa nhận, năng lực quản lý nhà nước về làng nghề tại địa phương, công tác quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể còn hạn chế. Nhãn hiệu tập thể Mộc Kim Bồng chưa khai thác được giá trị thực sự  đối với việc phát triển thương hiệu và nâng tầm sản phẩm, hiện mới chỉ dừng lại ở việc sử dụng nhãn hiệu cho mục đích bảo hộ là chủ yếu. Mặt khác, môi trường sản xuất kinh doanh tại đây chưa đảm bảo, tình trạng kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ không phải của địa phương tràn lan, thiếu kiểm soát ảnh hưởng đến thương hiệu làng nghề.

Muốn phát triển sản phẩm Mộc Kim Bồng gắn với du lịch, công tác quản lý, đầu tư của mỗi cơ sở sản xuất phải được xác định là giải pháp quyết định. Mỗi cơ sở cần đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ để sản xuất, chuyển các dòng sản phẩm theo nhu cầu của thị trường, phục vụ thị hiếu du lịch nhưng vẫn mang tính văn hóa của sản phẩm. Các cơ sở phải hỗ trợ, liên kết với nhau trong sản xuất và cả tiêu thụ, gắn thương hiệu chung của làng nghề trong mỗi sản phẩm làm ra. Về phía chính quyền TP.Hội An và xã Cẩm Kim, cần tiếp tục định hướng về sản xuất, kinh doanh gắn với phát triển sản phẩm, các dịch vụ du lịch; tăng cường hỗ trợ thực hiện các chính sách đào tạo nghề, nâng cao tay nghề; quảng bá, xúc tiến thương mại đồng thời tiếp tục hướng dẫn, tổ chức cho các cơ sở phát triển nhãn hiệu tập thể Mộc Kim Bồng. Trước mắt, cần thực hiện dán nhãn trên sản phẩm, quản lý và sử dụng nhãn hiệu theo đúng quy chế. “Các hộ trong làng Mộc hoạt động sản xuất kinh doanh thuận lợi thì cơ hội duy trì, giữ làng nghề sẽ hiệu quả. Để phát huy nhãn hiệu tập thể, trước hết phải chú trọng chất lượng, mẫu mã và tính cạnh tranh của sản phẩm, phải làm làm thế nào để một số sản phẩm của làng nghề trở thành hàng hóa, tức là phải trở thành hàng lưu niệm chứ không chỉ là những sản phẩm có giá thành quá cao hoặc kích cỡ quá lớn, không tiện dụng cho du khách” - ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An nói.

QUỐC HẢI

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cạnh tranh nhãn hiệu độc quyền Mộc Kim Bồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO