Vốn đam mê phương pháp khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền, lương y Nguyễn Viết Vinh ở thôn Lý Trường, xã Bình Phú (Thăng Bình) đã nghiên cứu, tìm tòi chế biến cây chè vằng thành cao chè vằng miền Trung không những sử dụng tốt cho sức khỏe mà còn mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực.
Sản phẩm cao chè vằng miền Trung được cấp giấy phép sản xuất và chính thức có mặt trên thị trường từ tháng 6.2015. |
Tốt nghiệp ngành y học cổ truyền Trường Cao đẳng Y tế Huế năm 1996, anh Nguyễn Viết Vinh trở về quê hương, mở phòng khám và chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền. Bao năm cần mẫn theo nghề, anh vẫn giữ cho mình niềm đam mê với các loại dược liệu. Rồi một lần tình cờ gặp những người thu mua cây chè vằng từ Quảng Trị vào, anh chợt nảy ra ý tưởng tại sao không sản xuất cao chè vằng trên chính quê hương, trong khi nguồn nguyên liệu có sẵn. Nghĩ là làm, anh bắt tay vào tìm tòi và nghiên cứu cách thức chế biến. Những lá chè vằng tươi sau khi loại bỏ tạp chất, được rửa sạch cho vào nồi đun 8 - 10 giờ rồi rút nước, tiếp tục cho vào nồi khác để nấu. Sau đó, cô đặc lại và lọc qua vải. Cuối cùng là đóng gói. Các công đoạn thực hiện tưởng chừng đơn giản nhưng anh Vinh đã phải mất 2 năm nghiên cứu và thử nghiệm mới thành công. Sau nhiều lần chế biến thất bại vì sản phẩm làm ra bị chua và khét, anh Vinh vẫn không nản chí, kiên trì thử nghiệm. Và cuối cùng anh đã thành công. Tháng 6.2015, cao chè vằng miền Trung được cấp giấy phép sản xuất và chính thức có mặt trên thị trường.
“Sau khi tham quan và học hỏi cách làm từ các cơ sở chế biến cao chè vằng ở Quảng Trị, tôi tự mày mò và tìm hiểu thêm. Lúc đầu gặp không ít khó khăn về công nghệ, đặc biệt là công đoạn chiết rót nên bị thất bại hoài. Nhưng rồi qua nghiên cứu, tôi đã sản xuất được cao chè vằng với chất lượng cao” - anh Vinh chia sẻ. Cơ sở sản xuất cao chè vằng của anh Vinh với 30 lao động tham gia hái lá và chế biến cao tại cơ sở. Tham gia làm ở cơ sở chế biến cao chè vằng của anh Vinh từ những ngày đầu, bà Nguyễn Thị Quỳnh Như ở thôn Ngũ Xã, xã Bình Chánh, ngày càng thấy rất yêu thích công việc này. “Công việc tương đối dễ, làm khỏe, nhẹ nhàng, không độc hại, tôi làm quen rồi thấy làm ở đây sướng hơn làm ở các nơi khác. Đặc biệt là góp phần cải thiện thu nhập, trang trải chi tiêu của gia đình” - bà Như cho biết. Hiện mỗi tháng cơ sở của anh Vinh sản xuất ra được 2 - 3 nghìn lọ cao, giá bán 40 nghìn đồng/lọ có khối lượng 100g, cung cấp cho thị trường các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, TP.Đà Nẵng và một số tỉnh, thành khác ở phía Nam. Và không đâu xa, nhiều người dân trên địa bàn xã Bình Phú đã dùng cao chè vằng làm thức uống hàng ngày. Ông Lê Văn Triều ở tổ 19, thôn Lý Trường, xã Bình Phú, từ lâu đã biết công dụng của chè vằng nhưng chỉ hái lá phơi khô nấu nước uống. Khi biết cao chè vằng làm bằng lá tươi, công dụng tốt hơn, ông càng thêm tin dùng sản phẩm này. Ông Triều cho hay: “Tôi bị huyết áp cao từ nhiều năm nay, uống cao chè vằng thấy huyết áp ổn định, sức khỏe tốt hơn”.
Sản phẩm cao chè vằng đến tay người tiêu dùng và nhận được những phản hồi tích cực, đó chính là động lực để anh Vinh càng thêm cố gắng. Dịp Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI - 2017, sản phẩm cao chè vằng miền Trung do cơ sở của gia đình anh sản xuất đã được tham gia trưng bày tại Hội chợ công thương Quảng Nam diễn ra từ ngày 9 đến 14.6 tại Hội An. Đó chính là cơ hội để quảng bá sản phẩm còn khá mới mẻ với người tiêu dùng miền Trung. Anh Vinh chia sẻ thêm: “Về lâu dài, tôi vẫn mong muốn mở rộng và phát triển cơ sở sản xuất cao chè vằng “made in Bình Phú” của mình. Để làm được điều đó, cần phải có nguồn vốn để đầu tư công nghệ hiện đại, thêm nữa, phải mở rộng thị trường, tiếp cận được các đại lý lớn…”.
THU SƯƠNG - TRUNG THỰC