Cao điểm chống gian lận thương mại

VIỆT QUANG 29/01/2018 18:28

(QNO) - Ngày 29.1, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2017. Cả nước nói chung, Quảng Nam nói riêng đã có quá nhiều sai phạm trên lĩnh vực này.

Lực lượng quản lý thị trường tỉnh xử lý hàng hóa không có giấy tờ hợp lệ.
Lực lượng quản lý thị trường tỉnh xử lý hàng hóa không có giấy tờ hợp lệ. Ảnh: V.Q

Phức tạp, gian nan

Năm qua, lực lượng cảnh sát biển đã phát hiện, xử lý 210 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, thu nộp ngân sách gần 167 tỷ đồng, khởi tố 79 vụ với 135 đối tượng. Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn - Phó Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho rằng, buôn bán dầu lậu trên biển diễn biến rất phức tạp, đấu tranh rất gian nan, đặc biệt là vi phạm liên quan đến yếu tố nước ngoài. Các đầu nậu của Việt Nam đã liên kết, móc nối với đầu nậu người nước ngoài, trao đổi giá cả, thỏa thuận địa điểm tập kết rồi giao hàng trực tiếp trên biển. Những vụ việc được các trinh sát phát giác, đấu tranh, xử lý trong năm qua đều diễn ra rất xa khu vực bờ, cách đất liền 200-300km. Quy mô các vụ buôn lậu dầu rất lớn, lên đến hàng trăm tỷ đồng. Khi tiếp cận, các đối tượng đã mạnh động chống trả với các thủ đoạn tinh vi, độc ác. “Xử lý tận gốc vấn đề này rất khó vì biển quá rộng lớn. Tàu nước ngoài trang bị ra đa, bao quát tầm nhìn hàng chục kilomet nên khi lực lượng đến gần thì chúng trốn nhanh ra xa khỏi vùng biển nước ta. Nhiều đối tượng trong nước đã dùng tàu cá ngụy trang để mua dầu lậu với quy mô lớn rồi bán ngay trên biển hoặc chuyển về bờ bán cho các đại lý thu lợi bất chính” - Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn nói.

Lực lượng hải quan thông qua chống buôn lậu, thanh tra, kiểm tra sau thông quan đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 18.382 vụ việc, thu nộp ngân sách hơn 2.700 tỷ đồng, khởi tố hình sự 51 vụ, 42 đối tượng. Theo ông Nguyễn Văn Cẩn - Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, hàng hóa trung chuyển, hàng quá cảnh được vận chuyển qua Thái Lan, Campuchia, Lào rồi về Việt Nam được tuồn bán ra thị trường với nhiều thủ đoạn tinh vi thông qua thành lập doanh nghiệp, trong đó có cá nhân thành lập 56 doanh nghiệp để buôn bán hàng lậu. “Thời gian gần đây, lực lượng hải quan đã liên tiếp phát hiện nhiều vụ buôn lậu hàng cấm nhập khẩu, hàng nhập khẩu có điều kiện, hàng đã qua sử dụng như phụ tùng ô tô, xe máy, điện từ, điện lạnh. Thủ đoạn của các đối tượng quá tinh vi như rút ruột, tráo hàng, hàng hóa không vận chuyển đến cửa khẩu, tự ý phá niêm phong hải quan để tẩu tán hàng” - ông Nguyễn Văn Cẩn nói.

Tại Quảng Nam, tháng 1.2018, các lực lượng chức năng của tỉnh thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, đấu tranh chông buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã phát hiện, xử lý 492 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách hơn 3,3 tỷ đồng. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn nêu ý kiến: “Kết quả đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã góp phần ổn định kinh tế - xã hội nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Các quy định từ Trung ương còn kẽ hở được các đối tượng lợi dụng và gây khó khăn cho lực lượng chức năng”.

Đồng bộ giải pháp

Góp ý xây dựng giải pháp để ngăn chặn buôn lậu dầu trên biển, Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn cho rằng, các cơ quan điều tra cần chủ động vào cuộc, đấu tranh, xử lý hình sự các vụ việc. Các cơ quan, địa phương cần nắm chắt tình hình, tước giấy phép hành nghề đối với các tàu cá cải hoán để mua bán, tàng trữ và buôn bán dầu lậu trên biển. Các khu vực chế xuất dầu thô cần được theo dõi, nếu phát hiện sử dụng dầu lậu thì ngăn chặn bằng biện pháp mạnh. “Nước ta cần phối hợp chặt chẽ với các nước khác để xây dựng cơ chế hợp tác điều tra chung, xử lý các vụ buôn lậu dầu trên biển của các tàu nước ngoài. Một hành lang pháp lý chặt chẽ hơn cần được thông qua, qua đó nâng cao năng lực đấu tranh của các lực lượng cảnh sát biển, biên phòng, hải quan, công an” - Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn nói. Ông Nguyễn Văn Cẩn đề xuất, ngành công an cần chỉ đạo các lực lượng xác định đầu nậu, đường dây, ổ nhóm, tụ điểm phức tạp, lập chuyên án đấu tranh, không để tình trạng rút lõi, đánh tráo, tẩu tán hàng lậu xảy ra. Cùng với đó, phối hợp với các lực lượng, ngăn chặn hàng hóa lậu về nội địa từ biên giới. Bộ đội biên phòng, cảnh sát biển cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát đường mòn, lối mở, khu vực sông, biển để ngăn chặn mang hàng hóa từ bên kia biên giới vào tiêu thụ tại nước ta.

Xử lý, nộp ngân sách hơn 23 nghìn tỷ đồng

Năm 2017, các cơ quan cả nước đã phát hiện 225.837 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (tăng gần 2% so với năm 2016), nộp ngân sách nhà nước từ xử phạt, bán hàng tịch thu, truy thu thuế hơn 23 nghìn tỷ đồng (tăng hơn 7% so với năm 2016), khởi tố 1.637 vụ với 2.118 đối tượng (tăng gần 5% so với năm trước).

Tại Quảng Nam, riêng trong tháng 1.2018, Chi cục Quản lý thị trường đã triển khai kiểm tra, kiểm soát 477 vụ, phát hiện xử lý 460 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách hơn 2,1 tỷ đồng. Công an tỉnh phát hiện 43 vụ, 40 đối tượng vi phạm, trong đó, 14 vụ/12 đối tượng vi phạm về gian lận thương mại, 1 vụ/2 đối tượng vi phạm về hàng giả, 28 vụ/26 đối tượng buôn bán lâm sản, khoáng sản trái phép; qua đó xử phạt 598 triệu đồng...

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phân tích nhiều nguyên nhân dẫn đến công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn hạn chế. Đó là sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương còn chưa đồng bộ. Các đối tượng phạm tội hoạt động theo đường dây, ổ nhóm, có yếu tố người nước ngoài nên xác minh, truy tìm gặp khó khăn. Đầu mối thông tin còn thiếu. Phối hợp, hiệp đồng đấu tranh giữa các lực lượng, địa phương còn lỏng lẻo. “Chính phủ sẽ rà soát lại, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật trên lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tạo động lực mới trong đấu tranh. Đang lúc cao điểm nên các bộ, ngành, địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ, giải pháp sát thực với thực tiễn để năng động xử lý vi phạm. Phong trào quần chúng đấu tranh, tố giác tội phạm về gian lận thương mại cần được khơi thông, khích lệ thêm. Đường dây nóng của các ban chỉ đạo ngành, địa phương cũng cần được kiện toàn lại” - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chỉ đạo.

Về phía Quảng Nam, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn cho biết, các lực lượng chức năng, dựa trên nhiệm vụ được giao, tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa lưu thông trên thị trường phục vụ tết. Các ngành tập trung triệt phá các đường dây, đầu nậu, chủ hàng lớn, đối tượng buôn lậu chuyên nghiệp, khống chế hàng hóa không chất lượng, bảo vệ quyền lợi ích của người tiêu dùng. Đồng thời, tiếp tục thông tin tuyên truyền về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên các phương tiện thông tin đại chúng. 

VIỆT QUANG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cao điểm chống gian lận thương mại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO