Cao điểm phòng chống gian lận thương mại

VIỆT NGUYỄN 27/10/2023 08:52

Buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả “nở rộ” vào cuối năm, dịp tết bởi hàng hóa lưu thông dồn dập trên thị trường.

Cục Quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa tại các cơ sở kinh doanh. Ảnh: Q.VIỆT
Cục Quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa tại các cơ sở kinh doanh. Ảnh: Q.VIỆT

Gian lận thương mại tinh vi hơn

Giả các nhãn hiệu quần áo, giày dép có thương hiệu trên thị trường như Gucci, Nike, Adidas là chuyện diễn ra lâu nay. Ở hầu hết chợ truyền thống, tiểu thương bán các mặt hàng nói trên với giá chỉ vài chục nghìn đồng đến vài trăm nghìn đồng. Khi được hỏi, người bán đã không ngần ngại cho biết những sản phẩm này là hàng nhái của các thương hiệu nổi tiếng.

Chị T.T.M.H. (phường Phước Hòa, Tam Kỳ) sau khi mua đôi giày nhái nhãn hiệu Adidas, cho biết: “Tuy là hàng nhái, hàng giả nhưng mẫu mã không khác so với hàng thật. Mình không có thu nhập cao nên mua sản phẩm giá rẻ”.

Trong quý III/2023, Cục Quản lý thị trường Quảng Nam thực hiện 232 vụ thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thị trường, phát hiện, xử lý 78 vụ vi phạm, 1 vụ đang chờ xử lý, nộp ngân sách hơn 442 triệu đồng (phạt hành chính hơn 344 triệu đồng, bán hàng tịch thu nộp hơn 98 triệu đồng, có 3 vụ hàng lậu, 6 vụ hàng giả).

Riêng đối với các mặt hàng thực phẩm, kiểm tra 53 vụ, có 16 vụ sai phạm, xử phạt, nộp ngân sách 26 triệu đồng. Đối với kinh doanh xăng dầu, tiến hành 70 vụ kiểm tra, xử lý 6 vụ sai phạm, nộp ngân sách 140 triệu đồng.

Kinh doanh hàng giả trở thành nỗi nhức nhối với người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Có nhóm bạn ở phương xa lâu ngày về thăm, anh H. M. H. (phường Tân An, Hội An) mua 2 chai rượu Royal Brackla 18YO (giá mỗi chai 3,9 triệu đồng) để mời bạn dùng. Khi vào tiệc, mới chỉ nhấm nháp, mọi người đã hẫng hụt nhận ra rượu giả.

“Tôi xem kỹ càng các chi tiết trên hàng hóa như mã sản phẩm, xuất xứ, nồng độ, thể tích… nên tin tưởng. Vậy mà chưng hửng, tiền mất chưa nói, cuộc gặp mất vị” - anh H. nói.

Hàng mỹ phẩm, phụ tùng xe đạp, xe máy, thuốc lá, thậm chí hàng tiêu dùng thiết yếu như mì ăn liền, kem đánh răng, bánh kẹo cũng giả mạo.

Theo Cục Quản lý thị trường Quảng Nam, hàng giả có 2 nguồn, từ ngoài nước về Quảng Nam qua nhập lậu, hàng xách tay và được sản xuất trong nước. Các đối tượng làm hàng giả dùng những công nghệ tinh vi để trốn tránh sự kiểm tra và đánh lừa người tiêu dùng.

Hàng giả về bao bì, nhãn mác dễ nhận biết nhưng có những loại hàng giả tinh vi hơn như giả về công dụng, rất khó nhận biết, chỉ khi dùng mới phát hiện ra công dụng không như quảng cáo. Ngoài ra, còn giả về xuất xứ hàng hóa, giả về tiêu chuẩn chất lượng.

Ông Lê Cần - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Quảng Nam cho biết, có nhiều khó khăn trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Người tiêu dùng thay vì bài trừ thì lại tiếp tay, sử dụng hàng giả, hàng nhái trên thị trường.

Các thương hiệu bị giả nhãn hiệu chịu nhiều thiệt hại nhưng chậm thông báo, phối hợp đấu tranh ngăn chặn. Quảng Nam đường biển dài, vùng sâu, vùng xa hiểm trở khó phát hiện, kiểm soát hàng lậu, hàng giả tràn về.

“Đấu tranh, xử phạt hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả mới chỉ là ngọn của vấn đề. Làm sao để người tiêu dùng thông thái và thị trường trong sạch, cạnh tranh lành mạnh hàng hóa mới là căn cơ” - ông Cần nhấn mạnh.

Giải pháp đồng bộ

Ông Lê Cần cho rằng, doanh nghiệp khi bị làm giả sản phẩm thì nên nhanh chóng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan công an, quản lý thị trường để chống và có cách phòng hiệu quả hơn.

Ngành chức năng kiểm tra hàng hóa tại các cơ sở kinh doanh. Ảnh: Q.VIỆT
Ngành chức năng kiểm tra hàng hóa tại các cơ sở kinh doanh. Ảnh: Q.VIỆT

Các lực lượng chức năng như biên phòng, cảnh sát biển, hải quan, quản lý thị trường phối hợp chặt chẽ hơn để ngăn chặn kịp thời, giảm thiểu hàng lậu, hàng giả vượt biên giới vào đất liền. Đối với hàng hóa nội địa, công tác nắm bắt thị trường, địa bàn, tiếp nhận thông tin từ người dân, doanh nghiệp phản ánh là cực kỳ quan trọng.

“Nhà nước cần có chế tài xử phạt mạnh hơn nữa để tăng tính răn đe, hạn chế buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả” - ông Cần nói.

Theo lực lượng quản lý thị trường, có nhiều kinh nghiệm để người tiêu dùng có thể bảo vệ mình, tránh mua, sử dụng hàng lậu, hàng giả. Ví như khi mua rượu ngoại cao cấp, yêu cầu doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh trưng ngay ra tem thật, tem giả để đối chiếu.

Đối với nhiều loại hàng hóa mỹ phẩm, nhiều thương hiệu chỉ sản xuất một loại bao bì và công bố công khai, rõ ràng nên sản phẩm cùng tên, trùng thông tin nhưng bao bì khác chắn chắn sẽ là hàng giả.

Ông Lương Viết Tịnh - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Quảng Nam cho biết, bước vào cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa.

Cục Quản lý thị trường phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm soát chặt các hành vi lợi dụng sàn giao dịch thương mại điện tử, mua, bán online, mạng xã hội để kinh doanh trái quy định.

“Chúng tôi liên tục nâng cao năng lực, nghiệp vụ cho cán bộ thực hiện quản lý thị trường, đào tạo, tập huấn các kỹ năng về nhận diện hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, kỹ thuật chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả sử dụng công nghệ cao.

Thời gian tới, chúng tôi đẩy mạnh trao đổi thông tin với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng để công tác kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đạt hiệu quả tốt hơn” - ông Tịnh nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cao điểm phòng chống gian lận thương mại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO