Cao điểm Vú Em & những cuộc giằng co khốc liệt - Kỳ cuối: "Đồng đội về chỉ còn lại mình Hương..."

PHẠM LÂM 27/04/2022 07:48

Sáng ngày 6 tháng 10 năm 1973, sau khi củng cố lại đội hình, các chiến sĩ Trung đội 2 cùng với Chính trị viên trưởng Trần Trọng Thân tiếp tục dò đường, tiến lên chiếm lại cao điểm 228 và tìm kiếm đồng đội. 

Cùng đi còn có y tá Trịnh Thị Hương. Khi đến nơi, các anh phát hiện nhiều khí tài quân sự, như súng ống, đạn dược của địch bỏ lại vung vãi, còn chiến sỹ Trần Hòe thì bị thương nặng, nằm bất động giữa trận địa, lập tức được y tá Trịnh Thị Hương nhanh chóng chăm sóc y tế, rồi đưa về tuyến sau để chữa trị.

Dò xem, không nghe động tĩnh gì, các anh tiếp tục tỏa ra tìm kiếm Trung đội trưởng Lê Văn Hương. Lần theo dấu vết, các anh đã phát hiện, khi hôm Trung đội trưởng Lê Văn Hương bị thương nặng, ngã xuống, rồi lăn từ đỉnh đồi đến lưng chừng đồi thì hy sinh.

Ông Phạm Văn Ngẫn (áo trắng), nguyên Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Quế Tiên giới thiệu với tác giả Phạm Lâm về cao điểm 228. Nhìn từ phía Tiên Cẩm, bên trái là núi “Vú Em”, còn gọi là cao điểm 228; bên phải là núi “Vú Chị”. Cả dãy núi này nằm ở ranh giới giữa 2 xã Tiên Cẩm và Tiên Châu, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: HUỲNH TRƯỜNG PHÁT
Ông Phạm Văn Ngẫn (áo trắng), nguyên Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Quế Tiên giới thiệu với tác giả Phạm Lâm về cao điểm 228. Nhìn từ phía Tiên Cẩm, bên trái là núi “Vú Em”, còn gọi là cao điểm 228; bên phải là núi “Vú Chị”. Cả dãy núi này nằm ở ranh giới giữa 2 xã Tiên Cẩm và Tiên Châu, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: HUỲNH TRƯỜNG PHÁT

Trong niềm tiếc thương vộ hạn, các chiến sĩ đã đưa thi thể Trung đội trưởng Lê Văn Hương xuống núi và an táng anh dưới chân đồi của cao điểm 228 bằng một mảnh ny lon tơi tả, nhuộm màu chinh chiến.

Khi nấm mồ Liệt sĩ Lê Văn Hương được đắp tạm, các chiến sĩ đã đứng lên, kính cẩn nghiêng mình tưởng niệm, ai nấy đều không thể kìm được nước mắt, tiễn người đồng đội yêu quý của mình vĩnh viễn ra đi, về với đất mẹ.

Biến đau thường thành hành động cách mạng, các anh quay trở về trận địa, giữ vững lời thề với non sông đất nước, tiếp tục thay phiên nhau chốt giữ và bẻ gãy nhiều đợt tiến công của địch tại cao điểm 228 cho đến ngày toàn thắng 1975.

Đau thương gửi lại quê nhà

Liệt sĩ Lê Văn Hương sinh vào năm 1953, trong một gia đình nông dân tại làng Trà Ban (Già Ban), xã Quế Bình, nay là thôn Bình Hòa, thị trấn Tân Bình, Hiệp Đức. Anh là người con đầu lòng của hai cụ Lê Phụng và Nguyễn Thị Kiểu. Cụ Lê Phụng là một cán bộ Nông hội ở địa phương. Còn cụ Lê Ý (tức ông nội của Liệt sĩ Lê Văn Hương) lại là người hay chữ, nổi tiếng làm thơ đả kích chế độ phong kiến một thời ở trong làng.

Sống trong một gia đình có truyền thống yêu nước, lại trong cảnh nước mất nhà tan, xóm làng xơ xác, sớm giác ngộ cách mạng, mới 17 tuổi đầu, Lê Văn Hương đã phải tạm biệt cha mẹ và hai em nhỏ Lê Thị Hà và Lê Văn Dũng, khoác ba lô lên đường tham gia bộ đội, được biên chế vào Đại đội V11, thuộc Huyện đội Quế Tiên.

Công tác chưa tròn một năm thì người cha yêu quý của Lê Văn Hương đã đột ngột qua đời trong một khu rừng hoang vắng, rồi được một người trong làng cùng lánh địch, an táng. Đơn vị bố trí cho anh về phép thọ tang cha trong nỗi niềm buồn đau vô hạn. Chít chiếc khăn tang trên đầu, quỳ lạy trước linh sàng người cha quá cố mà hai dòng lệ trên đôi gò má anh không ngừng tuôn chảy.

Người mẹ Nguyễn Thị Kiểu trước án thờ chồng khói hương nghi ngút, nhìn đứa con xa nhà quỳ lạy trước linh sàn của cha mà lòng đau như cắt. Thọ tang cha được 3 ngày thì anh lại phải lên đường trở về đơn vị, ở nơi ấy đang chờ anh vì nghĩa lớn chưa thành.

Về lại đơn vị, với tinh thần chiến đấu ngoan cường, chỉ sau một thời gian ngắn anh vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng, rồi lần lượt được phong từ chức vụ Khẩu đội trưởng Khẩu đội cối 60 li lên chức vụ Trung đội trưởng Trung đội 2, Đại đội V11 cho đến lúc hy sinh.

Cầm trên tay tờ giấy báo tử, người mẹ hiền hậu của anh như ngã quỵ dưới chân giường. Mẹ đã khóc thương cho người chồng của mình ra đi chưa tròn 2 năm, nay lại phải đành đoạn mất đi người con hiếu thảo đang độ tuổi xuân thì.

Hành trình tìm kiếm hài cốt liệt sĩ Lê Văn Hương

Chiến tranh kéo dài thêm gần hai năm nữa, rồi hòa bình lập lại, lòng mẹ cứ đau đáu nhớ về đứa con yêu quý của mình còn nằm nơi đầu non hóc núi… cứ miên man về nỗi đau ấy mà lòng mẹ không một chút nguôi ngoai, mẹ chỉ mong sao con mẹ được về nằm bên cạnh người cha thân yêu của mình thì mẹ mới mãn nguyện.

Nhưng biết làm gì hơn được, khi đôi vai mềm yếu của mẹ phải gánh nặng bổn phận của một người mẹ đơn thân nuôi hai con nhỏ trong một mái tranh nghèo ở vùng quê khốn khó sau bao năm chiến tranh tàn phá.

Năm 1991, anh Lê Văn Dũng, người con út của mẹ, được mẹ nuôi nấng, địa phương giúp đỡ ăn học trưởng thành, mang theo nỗi niềm của mẹ, và cũng là lúc điều kiện cho phép, anh đã tìm đến nguyên Khẩu đội trưởng, Khẩu đội cối 80 li Phan Tấn Điện, tại thị trấn Tân An, huyện Hiệp Đức, nhờ anh dẫn đường tìm kiếm hài cốt người anh quá cố của mình.

Nguyên Khẩu đội trưởng Phan Tấn Điện vui vẻ nhận lời, rồi sau đó cùng khăn gói lên đường. Nhưng đến nơi, các anh chỉ còn thấy một cái hố sâu khoảng gần 1m và cỏ cây đã mọc um tùm. Nguyên Khẩu đội trưởng Phan Tấn Điện khẳng định, ở nơi đây chỉ có mộ phần của Liệt sĩ Lê Văn Hương mà thôi, và có lẽ ai đó đã di dời đi mất rồi.

Sau cuộc tìm kiếm không thành ấy, anh Lê Văn Dũng còn biết thêm Chính trị viên Đại đội V11 Trần Trọng Thân, Chính trị viên Huyện đội Quế Tiên Lê Văn Trường, Trung đội trưởng Lê Văn Xuân … là những người đồng đội, đồng chí của Liệt sĩ Lê Văn Hương.

Được sự cộng tác nhiệt tình của các anh, cuộc tìm kiếm lần thứ hai, rồi lần thứ ba diễn ra với một quyết tâm cao, nhưng vẫn không thành. Các anh phải nhờ đến nhiều nhà ngoại cảm trong tỉnh và cả ở Đà Nẵng nhưng rồi kết cục cũng không đi đến đâu.

Quyết không nản chí, qua thông tin của người dân địa phương, anh Lê Văn Dũng cùng các anh tìm đến một người đàn ông tên là Khanh, ở ngay tại địa phương Tiên Cẩm, và chính người đàn ông này cho biết đã trực tiếp di dời hài cốt Liệt sĩ Lê Văn Hương vào tạm ở Gò Dạn, rồi sau một thời gian địa phương đã chuyển tiếp về Nghĩa trang liệt sĩ xã Tiên Cẩm.

Các anh lại tiếp tục tìm đến Nghĩa trang liệt sĩ xã Tiên Cẩm, rồi đến Nghĩa trang liệt sĩ xã Tiên Hà, Nghĩa trang liệt sĩ xã Tiên Sơn nhưng phần lớn các mộ chí đều ghi ở văn bia là “Vô danh”. Vậy là, cuộc tìm kiếm đến đây kể như kết thúc.

Tiếc thương người đồng đội, đồng chí của mình, trong bài thơ “NHỚ ĐỒNG ĐỘI”, nguyên Trung đội trưởng Lê Văn Xuân đã viết:

“Tôi viết bài thơ khóc người đồng đội/ Ba lăm năm rồi vẫn nhớ, vẫn thương/ Vẫn thấm gian nan ở chốn chiến trường/ Vẫn thương dào dạt khi vào trận chiến/ Vẫn nhớ vui, buồn trên chốt Vú Em/ Vẫn mong nhau hoài lúc đi công tác/ Chiến đấu hy sinh ai mất, ai còn/ Bao nhiêu năm ta ra đi đánh giặc/ Đồng đội về chỉ còn lại mình Hương/ Anh ngã xuống giữa chiến trường khốc liệt/ Để lại mẹ già, hai đứa em thơ/ Nơi mảnh đất quê nhà xa xa vắng/ Nhưng dòng máu anh tô thắm ngọn cờ hồng/ Cho Tổ quốc tự do, cho nền độc lập/ Cho đất nước này nở rộ những bông hoa/ Anh mất đi nhưng tên anh còn sáng mãi/ Tấm bằng rạng ngời Tổ quốc ghi công!”.

* * *

Hiện giờ anh Lê Văn Dũng đã là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam. Người mẹ thân yêu của anh cũng đã qua đời, nhưng nỗi niềm của người mẹ vẫn theo anh, và có lẽ cho đến mãi về sau.

Thương nhớ về người anh của mình, cứ vào ngày Tết Nguyên đán và Ngày thương binh, liệt sĩ 27 tháng 7 hằng năm, anh Lê Văn Dũng lặng lẽ về với Nghĩa trang liệt sĩ xã Tiên Cẩm, huyện Tiên Phước, thắp từng nén tâm nhang cho các anh hùng, liệt sĩ, cho người anh yêu quý của mình đã vĩnh viễn ra đi cho sự trường tồn của Tổ quốc.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cao điểm Vú Em & những cuộc giằng co khốc liệt - Kỳ cuối: "Đồng đội về chỉ còn lại mình Hương..."
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO