Từ vài tháng nay, kể từ khi phát hiện có hến tại khúc sông R’lang, đoạn giáp ranh thôn Brùa - Phú Mưa (xã Jơ Ngây, huyện Đông Giang), hằng ngày có hàng chục lượt người dân bản địa và vùng lân cận thuộc xã Sông Kôn tìm đến cào hến.
Mấy tháng nay, tại khúc sông R’lang (xã Jơ Ngây, huyện Đông Giang), hằng ngày có hàng chục người dân tìm đến để cào hến. |
Chị Alăng Thị Prơớ, ở thôn C’loò 2 (xã Jơ Ngây) dẫn chúng tôi đến khúc sông cách nhà chừng 3 cây số. Dưới sông đã thấy hàng chục phụ nữ ngâm mình dưới nước, ngụp lặn cào hến. Mùa đông, nước lạnh nên việc cào hến chỉ thực hiện vào lúc ban trưa, khi trời hửng nắng. “Những ngày nắng ráo, trên đoạn sông ni có rất nhiều người xuống cào hến. Đông vui lắm!” - chị Prơớ nói. Theo chị Prơớ, “đồ nghề” cho một buổi đi cào hến chỉ đơn giản bằng những vật dụng sẵn có trong nhà như: xẻng, gùi, thau, rổ,... Có chuyến, một người cào được 10 - 25kg hến, vừa có thêm món ăn “lạ” cho gia đình vừa bán được tiền. “Phải biết cào, đãi thì mới kiếm được nhiều hến” - chị Coor Thị Hằng, nhóm bạn đi cùng chị Prơớ, nói. Ở đoạn phía dưới, một nhóm bạn trẻ ở thôn Brùa cũng đang hì hục dùng xẻng xúc cát lên đãi. Họ mang theo cả gùi xuống sông để đựng hến.
Kể từ khi phát hiện có hến dưới khúc sông này, những cô cậu học trò người Cơ Tu bản địa cũng tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần theo người lớn đi cào hến. Alăng Thị Thoại (học sinh lớp 5, trường Tiểu học xã Jơ Ngây) cho biết, mỗi lần đi cào hến em cũng kiếm được 2 - 3kg, có khi bán được 10 nghìn đồng.
Những ngày nghỉ học, các em nhỏ theo người lớn ra sông cào hến. Ảnh: Lăng A Cúi |
Nói chuyện “hến ở vùng cao”, già làng Alăng Văng (ở thôn Bút Tưa, xã Sông Kôn) bảo rằng rất lạ. Lần đầu tiên, con hến được phát hiện tại khúc sông R’lang vào đầu năm 2013, khi trẻ con ra sông mò ốc. Một đồn mười, mười đồn trăm, ngày càng có nhiều người tìm đến khúc sông này để cào hến mang về chế biến các món ăn. Hỏi con hến đến từ đâu? Không ai biết. Có người cho rằng, rất có thể ai đó mang từ đồng bằng lên rồi thả xuống dòng sông. Sự thích nghi với môi trường nước ở vùng cao khiến con hến sinh trưởng, phát triển nhanh chóng.
Anh Bríu Hân (ở xã Sông Kôn) mời chúng tôi vào nhà thưởng thức vị món hến xào vừa được chế biến. Anh nói như khoe: “Ngoài vùng này, cả Đông Giang và Tây Giang không tìm ra món hến đâu. Mà có cũng là hến được mua về từ đồng bằng thôi”. Anh Hân cho hay, để có món hến này, vợ chồng anh phải bỏ cả buổi trưa đi cào. Công đoạn chế biến cũng khá công phu, từ các bước rửa sạch bùn đất, khử mùi cho đến ướp gia vị... “Công phu” cũng vì chế biến các món ăn từ hến với người dân vùng cao quả khá lạ lẫm. Cùng với vị cay của ớt, vị nồng của sả và vị ngọt của nước hấp tỏa mùi thơm phức, món hến ở vùng cao này thực sự khiến chúng tôi ấn tượng.
Với đồng bào vùng cao, ngoài các món ẩm thực truyền thống như thịt xông khói, z’rúa, apứa,… nay lại có thêm món ăn mới lạ làm từ hến. Giữa tiết trời se lạnh, một chuyến cùng đồng bào vùng cao cào hến về chế biến món ăn cũng cho nhiều cảm giác thú vị.
LĂNG A CÚI