Cao lầu trên đất Tây Nguyên

NGUYỄN QUỲNH ANH 28/07/2014 14:17

(QNO) - Cách trung tâm TP.Buôn Ma Thuột khoảng 60km, quán cao lầu của chị Nguyễn Thị Tuyết Mai (xã Ea Trul, huyện Krông Bông, tỉnh Đắc Lắc) thu hút nhiều người dân trong vùng và khách du lịch bởi nét dân dã, đậm chất cao lầu phố Hội.

Món cao lầu ở quán Mai được nhiều khách yêu thích.
Món cao lầu ở quán Mai được nhiều khách yêu thích.

Ngày còn bé, chị Mai phải theo ba mẹ rời Cẩm Phô (TP.Hội An, Quảng Nam) định cư ở vùng kinh tế mới. Hành trang cả nhà mang theo là món ăn truyền thống quê nhà để mưu sinh nơi đất khách. Chị kể, nồi cao lầu của gia đình chị đỏ lửa nơi phố núi hơn mấy chục năm, từ đời mẹ chị truyền lại. Thấm thoắt, chị Mai nay đã ngoài tuổi 50, bao nhiêu bí quyết nấu ăn, chị đã được ba mẹ hướng dẫn thực hành thuộc lòng. Chị tâm sự: “Ngày xưa, ba mẹ bán cao lầu nuôi anh em chúng tôi khôn lớn. Bây giờ, tôi cũng nối nghiệp gia đình, chỉ bán món ăn quê nhà để nuôi 5 người con, mong cho chúng được ăn học, thành đạt”. Và cho đến bây giờ, 5 người con của chị cũng đã thuộc lòng từng công đoạn tạo món cao lầu. Trải qua 3 thế hệ nhưng mọi người vẫn giữ chất giọng Quảng vẫn “đặc sệt”. Có lẽ, đó cũng là một trong những điều khiến họ nhận thêm nhiều cảm tình của thực khách.

Gọi là quán nhưng một nửa gian nhà trước chị dùng để bày bán, còn phần sau là không gian sinh hoạt của đại gia đình. Quán ăn bày biện không màu mè, chỉ một tấm biển nhỏ góc tường, kê thêm vài chiếc bàn ở gian nhà nhưng rất thu hút thực khách. Cao lầu trên đất Tây Nguyên cũng có những sợi mì vàng được dùng với tôm, thịt heo, một ít tóp mỡ và rau sống. Tuy vậy, để phù hợp với khẩu vị người dân nơi đây, cao lầu vẫn giữ nguyên dáng vẻ quê nhà nhưng thành phần rau sống chủ yếu dùng giá đỗ. Nhờ sự phục vụ tận tình, hợp lý nên mỗi ngày, quán chị đón khoảng 50 - 100 thực khách.

Để được nhiều khách chào đón món cao lầu, chị Mai phân loại tô lớn, nhỏ với mức giá từ 10.000 - 20.000 đồng. Chị vui vẻ: “Không phải thực khách nào cũng có điều kiện để thưởng thức một tô cao lầu đúng điệu, vì vậy tôi chia mức giá hợp lý để ai cũng có thể thưởng thức hương vị món ngon nổi danh xứ Quảng. Tuy vậy, sự khác cũng không quá nhiều. Ai xin thêm mì, thêm rau mình cũng rất sẵn lòng”.  

Không phải là con em xứ Quảng nhưng anh Đinh Hồ Sĩ An (TP.Quy Nhơn, Bình Định) vẫn rất “kết” món cao lầu ở quán chị Mai. Ngày còn theo học ở Trường Đại học Tây Nguyên, anh Sĩ An luôn cùng nhóm bạn tranh thủ ngày cuối tuần để xuống huyện thưởng thức món ăn này. Giờ tuy đã về tại Quy Nhơn làm việc nhưng có dịp thăm Tây Nguyên, anh vẫn không quên ghé lại đây thưởng thức món ngon này. Anh An cho biết: “Mình thích quán vì giá rẻ, cách phục vụ  chân chất, chủ quán cũng vui tính, đặc biệt cao lầu rất ngon”.

Cũng như anh Sĩ An, anh Hồ Quang Đạo, ở xã Ea Hu (huyện Cư Kuin, Đăk Lăk) cũng sẵn sàng chạy xe gần 20 km để được thưởng thức món cao lầu. Nghe khách rôm rả về món cao lầu, chị Mai ở trong bếp cũng thấy nức lòng với hương vị quê nhà. Một điều khá đặc biệt là ở huyện Krông Bông có rất nhiều quán cao lầu, mì Quảng. Điều này khiến mọi người dễ nhận ra, người Quảng xa xứ nhưng vẫn luôn giữ hồn cốt xứ sở qua nét ẩm thực, để con cháu không bị mất gốc, dẫu có bao nhiêu năm đi nữa…

NGUYỄN QUỲNH ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cao lầu trên đất Tây Nguyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO