Sau khi các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc công bố điểm chuẩn, nhiều người ngạc nhiên bởi điểm chuẩn các ngành đào tạo chất lượng cao (CLC) chỉ bằng hoặc thấp hơn điểm chuẩn các ngành đào tạo truyền thống.
Nhiều thí sinh quan tâm vấn đề học phí trong các buổi tư vấn tuyển sinh. Trong ảnh: Đại học Đà Nẵng tư vấn tuyển sinh cho thí sinh Quảng Nam. Ảnh: C.N |
Ngạc nhiên là bởi, điểm chuẩn đầu vào thấp, sao lại gọi là “CLC”. Ví dụ điểm trúng tuyển một số ngành của Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng (điểm thấp hơn là điểm ngành CLC): công nghệ thực phẩm: 19,75 - 16 điểm; công nghệ thông tin: 23 - 20; kỹ thuật cơ điện tử: 20,75 - 15,5; kinh tế xây dựng: 18,75 - 15,05... Lý giải điều này, ông Nguyễn Văn Phòng - Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng cho biết, hiện nay không có quy định các lớp CLC thì điểm chuẩn phải cao; mà điểm chuẩn phụ thuộc vào số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển. Học phí các lớp CLC cao hơn các ngành đào tạo truyền thống. Trong khi đó, nhiều thí sinh không có điều kiện theo học nên số lượng đăng ký xét tuyển ít, dẫn đến điểm chuẩn thấp. Tuy nhiên, cũng có ngành CLC có điểm chuẩn cao hơn ngành đào tạo truyền thống như điểm chuẩn ngành kỹ thuật xây dựng công trình giao thông CLC 23 điểm so với 16,5 điểm của ngành kỹ thuật xây dựng công trình giao thông.
Ngoài những khác biệt về điểm chuẩn, các lớp CLC còn có sự khác biệt về học phí so với chương trình đào tạo truyền thống (có trường gọi là lớp đại trà). Các ngành ngoài sư phạm của Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, học phí các lớp CLC là 24 triệu đồng so với 9,6 triệu đồng của lớp đại trà. Còn với Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, chương trình CLC tuyển và chương trình đào tạo đặc thù là 28 triệu đồng/năm; chương trình tiên tiến: 34 triệu đồng/năm; chương trình đào tạo kỹ sư CLC Việt - Pháp: 19 triệu đồng/năm; trong khi đó, chương trình đào tạo truyền thống của trường này có mức học phí bình quân 9,6 triệu đồng/năm. Đối với Đại học Duy Tân lớp đào tạo có liên kết với nước ngoài là 22 triệu đồng/ năm so với 16 triệu đồng/ năm của lớp truyền thống.
Theo các trường đại học, tuy mức học phí cao nhưng bù lại, sinh viên có nhiều lợi thế khi được học chương trình CLC. Chương trình CLC thường được các trường giới thiệu là phối hợp, tích hợp chương trình đào tạo của các trường tiên tiến trên thế giới; đội ngũ giảng viên được đào tạo ở nước ngoài; cơ sở vật chất tốt; sinh viên được tập trung học tiếng Anh nâng cao... Qua trao đổi, nhiều sinh viên cho biết, rất thích theo học chương trình đào tạo CLC của các trường đại học. Trong các buổi tư vấn tuyển sinh, khá nhiều thí sinh quan tâm vấn đề học phí và mức tăng học phí qua từng năm học. Thí sinh N.K.N., học sinh Trường THPT Hùng Vương (Thăng Bình) tâm sự, N. muốn theo học ngành báo chí CLC của Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng nhưng do học phí cao (gần 10 triệu đồng/học kỳ) hơn nhiều so với lớp đại trà (hơn 3,6 triệu đồng/học kỳ), nên chỉ đăng ký học lớp đại trà dù điểm chuẩn ngành báo chí đại trà cao hơn lớp CLC 2 điểm.
Các lớp CLC không đồng nghĩa với điểm chuẩn đầu vào cao mà ngược lại, mọi sinh viên đều có thể đăng ký xét tuyển với điều kiện phải nộp học phí cao hơn các lớp truyền thống; trừ một số trường quy định thêm là sinh viên phải đáp ứng được yêu cầu tiếng Anh đầu vào để có thể theo kịp chương trình. Như vậy, các lớp CLC có thể thu hút được những sinh viên có điều kiện, chưa chắc thu hút được những sinh viên giỏi nhưng có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không đủ điều kiện về học phí. Và liệu rằng, đa số lớp CLC có điểm đầu vào bằng hoặc thấp hơn các lớp truyền thống, lớp đại trà, thì có thực sự đạt “CLC”.
CHÂU NỮ