Cao su "lấn" đất rừng

HỮU PHÚC 18/04/2013 08:22

Nhiều diện tích đất rừng ở xã Trà Nú (Bắc Trà My) được san ủi, mở đường trái phép để trồng cây cao su đã bị phát hiện, đình chỉ hoạt động. Điều đáng nói là không ít diện tích quy hoạch trồng cây cao su ở đây đã chồng lấn lên dự án trồng rừng WB3.

Công ty TNHH một thành viên Cao su Quảng Nam mở đường xâm hại rừng tại xã Trà Nú. Ảnh: H.PHÚC
Công ty TNHH một thành viên Cao su Quảng Nam mở đường xâm hại rừng tại xã Trà Nú. Ảnh: H.PHÚC

Mở đường trái phép

Từ ngã ba Trà Dương đi vào trung tâm cụm xã Trà Nú mất gần 20km. Đến nóc 6 (thôn 1 – xã Trà Nú), phóng tầm mắt lên cao là nhìn rõ những quả đồi sừng sững bị san bằng, nhuốm màu đất đỏ. Một con đường mới mở vừa đủ rộng cho xe cơ giới lên xuống cày ủi, băm nát núi đồi để lấy đất chuẩn bị trồng cao su. Anh Nguyễn Thanh Đà (một người dân địa phương) đưa tôi lên tận ngọn núi cao để chứng kiến hiện trường đồi núi bị ủi lấp bằng phẳng, máy múc, máy ủi ngoạm sâu vào những cánh rừng. Trưa nắng hừng hực nhưng vẫn có 3 chiếc xe ủi nổ máy. Anh Đà bảo, toàn bộ diện tích đất rừng thuộc nóc 6 là của người dân. Phần lớn là cây chồi dại, rừng trồng keo, bắp và cả lúa. Bao bọc phía sau là dãy rừng già. Thế nhưng, bây giờ diện tích ấy thuộc quyền sử dụng của Công ty TNHH một thành viên Cao su Quảng Nam.

Theo anh Đà, trước đây cán bộ xã, thôn và công ty có tổ chức họp dân và đồng bào thống nhất giao đất cho công ty trồng cao su. Đất trên núi dù dân canh tác nhưng do không có “bìa đỏ” nên bà con chỉ nghĩ cái lợi trước mắt là được nhận tiền hỗ trợ. Trước đây, phía công ty có hứa sẽ cho bà con khai thác keo, gỗ trong rừng bán lấy tiền rồi mới tổ chức san ủi. Thế nhưng đùng một cái, họ đem phương tiện máy móc đến chặt cây, rồi lấp gỗ xuống lòng đất. “Nhà tôi có hơn 7,8ha nhưng công ty chỉ hỗ trợ hơn 30 triệu đồng. Số tiền ấy giờ đã mua sắm, ăn uống hết rồi. Đồng bào bao năm sống dựa vào khu rừng trên đó. Công ty có hứa sẽ nhận thanh niên đồng bào vào chăm sóc cây cao su nhưng không biết chừng nào thì mới có việc làm ổn định” - anh Đà lo lắng.

Biên bản kiểm tra hiện trường ngày 2.3.2012 của đoàn kiểm tra (gồm đại diện Chi cục Lâm nghiệp, Chi cục Kiểm lâm, Hạt Kiểm lâm Bắc Trà My, Phòng NN&PTNT, Phòng Tài nguyên-môi trường huyện, Phân viện Điều tra quy hoạch rừng Bắc Trung Bộ, Công ty TNHH một thành viên Cao su Quảng Nam) kết luận: không chấp nhận kết quả điều tra đánh giá hiện trạng rừng (đất trống đồi trọc) của Công ty TNHH một thành viên Cao su Quảng Nam tại xã Trà Nú và Trà Đốc. Cụ thể, đối với vùng quy hoạch xã Trà Nú, trạng thái rừng tại các lô 11, 13 khoảnh 7; lô 8, 13, 17 khoảnh 10 thuộc tiểu khu 775 - xã Trà Nú có sự sai khác về trạng thái giữa thực tế hiện trường với kết quả điều tra đánh giá của công ty. Tương tự, tại tiểu khu 733 - xã Trà Đốc cũng có sự sai khác giữa kiểm tra thực tế hiện trường với kết quả đánh giá của công ty. Kết luận là như vậy nhưng thời gian qua công ty vẫn san ủi mở đường trái phép dài hơn 455m (rộng 4m), xâm hại rừng bất hợp pháp tại tiểu khu 775 – xã Trà Nú.

Một người dân khác, ông Hoàng Xuân Lý (thuộc nóc 6, thôn 1) bức xúc: “Diện tích trên khu vực nóc 6 đan xen giữa cây trồng do đồng bào canh tác với rừng già. Thời gian qua, công ty đã chặt và lấp xuống đất nhiều loại cây rừng to lắm. Nguy hiểm hơn, việc đưa đất đỏ xuống con suối Krết gây ra nguồn nước đục ngầu, khi có mưa trút xuống thì dân không thể nào uống được”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn diện tích tại khu vực nóc 6 mà Công ty  TNHH một thành viên Cao su Quảng Nam thỏa thuận bồi thường, hỗ trợ cho người dân đã được san ủi, giải phóng sạch mặt bằng. Tuy nhiên, bằng trực quan vẫn có thể nhận ra diện tích mà công ty đang san ủi còn hiện hữu vô số cây to có đường kính ít nhất 30cm trở lên, không thể nói là rừng nghèo.

Trả lời câu hỏi có hay không việc công ty trồng cao su phá rừng, bà Trần Thị Hồng Thúy - Chủ tịch UBND xã Trà Nú cho biết, chính quyền có nhận thông tin phản ảnh của người dân về tình trạng công ty cao su xâm hại rừng. Ngày 16.4, UBND xã Trà Nú phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Trà My, Công ty TNHH một thành viên Cao su Quảng Nam đến kiểm tra hiện trường tại tiểu khu 775 (khu vực đầu nguồn Nước Thác, thuộc thôn 1, xã Trà Nú), phát hiện công ty đã mở đường rộng 4m, dài 455m, xâm hại vào rừng tự nhiên thuộc tiểu khu 775. “Do vậy, chúng tôi đã lập biên bản đình chỉ, yêu cầu công ty không tác động vào rừng” – bà Thúy nói. Cũng theo bà Thúy, do thời gian kiểm tra hiện trường có hạn nên không thể cung cấp đầy đủ thông tin.

Chồng lấn lên rừng trồng WB3

Ngày 20.6.2012, UBND tỉnh đã có Văn bản số 2215/UBND-KTN về việc chuyển đổi đất lâm nghiệp sang trồng cao su tại các xã Trà Tân, Trà Đốc và Trà Nú (Bắc Trà My). Theo đó, thống nhất cho phép chuyển đổi đất lâm nghiệp sang trồng cây cao su đối với diện tích 2.931ha tại xã Trà Đốc, Trà Nú và Trà Tân được quy hoạch là đất sản xuất và đất khác. Nội dung văn bản cũng yêu cầu Công ty TNHH một thành viên Cao su Quảng Nam thực hiện đầy đủ hồ sơ, thủ tục có liên quan đến việc trồng cây cao su trên đất lâm nghiệp đúng quy định. Sau đó, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam cũng đồng ý thỏa thuận dự án đầu tư trồng 2.000ha cây cao su giai đoạn 2012-2019 tại các địa phương nêu trên của Công ty TNHH một thành viên Cao su Quảng Nam.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, không ít diện tích quy hoạch cho cây cao su đã chồng lấn lên diện tích trồng rừng theo dự án WB3 của người dân trước đây. Tại hiện trường, theo quan sát, chung quanh các quả đồi tại xã Trà Nú bị san ủi xen lẫn với rừng tự nhiên và rừng sản xuất ngút ngàn của người dân. Tuy nhiên, phía doanh nghiệp đã tự thỏa thuận đền bù cây trồng với người dân để lấy đất trồng cao su. Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My – ông Huỳnh Ngọc Thiệu thông tin: có 17 hộ trên địa bàn Trà Nú trồng hơn 61ha rừng dự án WB3 đã nằm trong diện tích quy hoạch trồng cao su. Đến thời điểm này, phía công ty đã thỏa thuận đền bù xong với các hộ trên. Trong khi đó, ông Lê Văn Tuấn - Chánh Văn phòng UBND huyện Bắc Trà My cho hay, doanh nghiệp lập quy hoạch trồng cao su, tuy nhiên địa phương cũng buộc họ cam kết trong thời gian thực hiện dự án không được chuyển mục đích sử dụng, không được chuyển nhượng dự án hoặc theo hình thức cổ phần…

Câu hỏi đặt ra ở đây là dự án trồng rừng WB3 trên địa bàn huyện Bắc Trà My đang triển khai, chưa kết thúc nhưng đã có dự án trồng cao su “lấn sân”, liệu có đồng bộ, phù hợp trong quy hoạch cây trồng tại địa phương?

HỮU PHÚC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cao su "lấn" đất rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO