Những ngày vừa qua, niềm vui như vỡ òa đối với nông dân trẻ Nguyễn Viết Cường (thôn Linh Cang, xã Bình Phú, Thăng Bình) khi 500 gốc cao su đầu tiên được trồng từ năm 2007 đến nay đã cho mủ. Ngày “mở miệng” cao su, anh chị em trong gia đình, bà con và bạn bè trong thôn kéo đến vườn cao su của Cường để chia vui…
Với điều kiện đất đai thổ nhưỡng là rừng núi nên việc phát triển sản xuất nông nghiệp đối với người dân thôn Linh Cang rất khó khăn. Ba mẹ Cường cũng không tránh khỏi sự nghèo khó do chưa chọn được hướng đi đúng trong việc phát triển kinh tế gia đình. Nhà đông anh em nên Cường không được học đến nơi đến chốn như bạn bè mà ở nhà phụ giúp gia đình. Khi UBND tỉnh có chủ trương phát triển cao su tiểu điền, được Đoàn thanh niên và Hội Nông dân xã vận động trồng cao su, Cường thuyết phục ba mẹ đồng ý bán đàn bò và vay thêm 30 triệu đồng để đầu tư. Anh tâm sự: “Tôi nghĩ rằng ở vùng núi này chỉ có thể trồng được 2 loại cây là keo và cao su. Qua tìm tòi học hỏi tôi thấy chỉ có cây cao su là cho giá trị kinh tế cao. Thực tế cây keo gia đình tôi đã trồng nhưng thu nhập rất thấp, thời gian trồng đến khi khai thác là 5 năm nhưng chỉ khai thác có một lần”. Với quyết tâm chiến thắng cái nghèo, vươn lên làm giàu, ban đầu anh Cường đã quyết định trồng 1.300 cây cao su với hơn 2ha đất đồi núi mà gia đình anh vừa khai thác diện tích trồng keo. Năm 2008, Cường được Phòng NN&PTNT huyện hỗ trợ 1.000 cây giống nên anh mở rộng thêm diện tích lên 2ha nữa. Hiện nay, anh có khoảng 2.300 cây cao su với tổng diện tích hơn 4ha.
Niềm vui của Nguyễn Viết Cường khi lứa cao su đầu tiên cho khai thác mủ. Ảnh: Thúy Ưu |
Nam Giang mở rộng diện tích cây cao su Trước những hiệu quả bước đầu từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng rừng cao su, chính quyền huyện Nam Giang cùng Công ty Cao su Nam Giang đang đẩy mạnh để phát triển cây cao su trên địa bàn. Hiện nay, khu vực được phát triển cây cao su tập trung chủ yếu ở các địa phương Cà Dy, Thạnh Mỹ, Chà Vàl, La Dêê, Đăk Tôi, trong đó tại xã Chà Vàl chiếm gần 500ha. Trong năm 2012, Công ty Cao su Nam giang tiếp tục phát triển thêm tại các xã Đăk Pring, Tà Pơơ, Ta Bhing. Dự kiến trong năm 2014 tới sẽ cho tiến hành khai thác lấy mủ tại các rừng đã đủ tuổi ở Chà Vàl, Thạnh Mỹ… Tuy nhiên, việc mở rộng diện tích, đẩy mạnh phát triển cây cao su tại Nam Giang vẫn đang còn gặp một số vướng mắc. Theo ông Phan Tấn Hoa - Giám đốc Nông trường cao su Nam Giang, địa hình ở đây trắc trở, việc vận chuyển phân bón cũng như quản lý đang gặp nhiều khó khăn. “Có đến 97% công nhân và hộ nhận khoán là người dân tộc thiểu số nên còn chưa hiểu hết giá trị và lợi ích của cây cao su, thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc chăm sóc, quản lý vườn cây để đảm bảo đúng tiến độ và lịch thời vụ…” - ông Hoa nói. Về vấn đề này, bà Phạm Thị Như - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho biết, trong thời gian tới huyện sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền để bà con nhân dân hiểu được tầm quan trọng của cây cao su trong việc xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm cho người dân địa phương.(Nguyễn Dương) |
Cao su là cây công nghiệp dài ngày, đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc và đầu tư chi phí cao, nhất là 3 năm đầu tiên. Riêng với Cường có lúc đây là vấn đề hết sức nan giải. “Có lúc nản chí, tôi đã bỏ bê rừng cao su, đó là năm 2009, nhưng rồi suy nghĩ lại, với quyết tâm không được bỏ cuộc, tôi gượng đứng lên bằng cách lao vào công việc để kiếm tiền về đầu tư chăm sóc cao su” - Cường tâm sự. Công việc được anh chọn lúc này là đi cưa cây keo cho các hộ đang có nhu cầu khai thác keo trong và ngoài xã. Làm việc quần quật với nghề cưa cây mỗi tháng đã cho anh thu nhập trên vài chục triệu đồng, cộng với sự hỗ trợ tích cực từ nuôi bò của ba mẹ, anh đã có được nguồn vốn để đầu tư trồng cao su theo phương châm “lấy ngắn nuôi dài”. Trải qua bao thăng trầm, công sức, tiền của dồn vào trồng cao su, giờ đây cả khu rừng 4ha cao su của anh đang phát triển tốt, lứa cao su trồng đầu tiên đã bắt đầu khai thác mủ. Cuối tháng 6 năm nay anh khai thác 500 cây, các năm tiếp theo sẽ tiếp tục khai thác số cây còn lại. Ứớc tính khi khai thác hết hơn 4ha, mỗi năm cho thu nhập trên 200 triệu đồng, lãi khoảng 150 triệu đồng và giải quyết việc làm thường xuyên cho 2 lao động.
Theo ông Đoàn Ngọc Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Phú, hiện nay toàn xã có 21 hộ trồng 42ha cao su tiểu điền đang phát triển tốt. “Nghị quyết HĐND huyện Thăng Bình đề ra từ năm 2013 – 2020 về phát triển cây cao su với những giải pháp hữu hiệu như: vốn đầu tư được xác định là huy động các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, trong đó nguồn vốn chủ yếu của doanh nghiệp sẽ đầu tư phát triển cao su đại điền. Nhà nước hỗ trợ đào tạo lao động địa phương chuyển đổi ngành nghề sang sản xuất cây cao su. Ngoài cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển cây cao su tiểu điền của tỉnh, ngân sách huyện sẽ hỗ trợ 1 lần sau đầu tư 1ha cao su tiểu điền là 5 triệu đồng. Mức hỗ trợ cho mỗi hộ trồng cây cao su tối thiểu từ 0,5 – 2ha theo đúng quy hoạch. Cơ chế hỗ trợ áp dụng trong 3 năm (từ 2013-2015). Với cơ chế này, Bình Phú sẽ phát triển 440ha cao su đại điền và tiểu điền nhằm đưa kinh tế địa phương phát triển” - ông Hùng cho biết.
THÚY ƯU