Cao su rớt giá, giãn tiến độ đầu tư

TRẦN HỮU 03/07/2015 09:13

Giá cao su tiếp tục giảm, không thấy dấu hiệu hồi phục từ năm 2014 đến nay. Vì vậy, ngành cao su và nhiều địa phương trong tỉnh đã giãn tiến độ đầu tư.

Chưa phê duyệt mở rộng vùng trồng

Giá cao cu trong nước hiện chỉ còn dưới 30 triệu đồng/tấn, thấp hơn mức giá sàn mà Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam đề ra. Tại khu vực khai thác mủ ở Nông trường Cao su Hiệp Đức, Núi Thành những ngày cuối tháng 6, thưa thớt bóng công nhân ra hiện trường cạo mủ. Một số nông trường buộc phải cho công nhân nghỉ việc, cắt giảm nhiều khoản chi phí, hạng mục đầu tư. Dù đã khuyến khích hỗ trợ nông dân phát triển mạnh cao su tiểu điền, nhưng hai năm gần đây, diện tích mở rộng ít ỏi; thậm chí không ít người bắt đầu chán nản, chặt bỏ số cây bị hư hại, gãy ngã để trồng cỏ nuôi bò.

Cách đây chừng 4 năm, chính quyền các huyện trung du Tiên Phước, Phú Ninh chủ động tìm đến doanh nghiệp thỏa thuận trồng cao su; khảo sát, rà soát lập quy hoạch hàng nghìn héc ta đất trồng. Tuy nhiên, thị trường cao su như “tuột dốc không phanh”, buộc UBND tỉnh phải thận trọng xem xét nên đến thời điểm này quy hoạch vùng trồng tại 2 huyện Tiên Phước và Phú Ninh vẫn chưa được phê duyệt. Ông Nguyễn Phi Thạnh – Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh khẳng định, quy hoạch cao su tại địa bàn vẫn chưa được duyệt, nông dân cũng chẳng thiết tha gì trồng vì giá liên tục giảm.

Cả cao su đại điền và tiểu điền đều được cân nhắc giãn tiến độ đầu tư. Ảnh: T.H
Cả cao su đại điền và tiểu điền đều được cân nhắc giãn tiến độ đầu tư. Ảnh: T.H

Tại huyện Thăng Bình, hơn 1.000ha đất nằm trong quy hoạch rừng sản xuất có hiện trạng rừng trồng và đất chưa có rừng tính toán phủ xanh cao su, nhưng đến nay chỉ mới thực hiện 143,5ha (cao su tiểu điền 123ha, đại điền 20,5ha). Theo ông Nguyễn Văn Ngữ - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, năm nay hầu như chính quyền không thể vận động người dân trồng cao su do giá thấp; việc trồng cao su đại điền, Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam vẫn triển khai, nhưng đầu tư rất hạn chế. Khác với tâm lý thận trọng của các địa phương, doanh nghiệp đầu tư cao su vẫn không từ bỏ mục tiêu mở rộng diện tích và nâng cao năng suất mủ. Đại hội Đảng bộ Công ty TNHH MTV Cao su Nam Giang lần thứ II nhiệm kỳ 2015 - 2020 vừa diễn ra, đã đặt mục tiêu 5 năm tới, công ty trồng mới 2.000ha cao su, đưa diện tích đến năm 2020 đạt mức hơn 6.553ha cao su; đưa vào khai thác 2.550ha; sản lượng khai thác đạt 4.300 tấn; xây dựng 3 nhà máy chế biến mủ công suất 8.000 tấn/năm…

Giãn thời gian đầu tư

Theo Bộ NN&PTNT, từ năm 2014 đến nay giá xuất khẩu cao su liên tục sụt giảm. Cụ thể, giá cao su xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm chỉ đạt 1.428USD/tấn (giảm gần 28% so với cùng kỳ năm 2014). Trung Quốc, Malaysia và Ấn Độ là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm (chiếm hơn 69% thị phần). Trong khi đó, giá cao su trong nước cũng đang diễn biến theo chiều giảm xuống. Cụ thể, giá cao su SVR3L giảm từ 29.800 đồng/kg đầu tháng 5 xuống còn 28.800 đồng/kg thời điểm hiện nay; cao su SVR10 giảm từ 24.600 đồng/kg xuống còn 23.700 đồng/kg. Sở NN&PTNT nhìn nhận, với giá bán quá thấp như hiện nay, người trồng cao su đang đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là mô hình trồng cao su tiểu điền nhỏ lẻ, hay vườn cây đại điền đã đến thời kỳ cuối. Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, giá bán cao su liên tục sụt giảm, có nguy cơ bằng hoặc dưới giá thành, nguyên nhân mấu chốt là bởi trên thị trường cao su thế giới cung đã vượt cầu. Dự kiến, hết năm nay và thậm chí sang năm 2016, tình hình vẫn chưa thể cải thiện. Vì vậy, ngành sản xuất, chế biến cao su khuyến cáo doanh nghiệp và người dân phải có nhiều phương án đầu tư, khai thác theo lộ trình phù hợp. Một số nơi đang tập trung khai thác, chế biến gỗ cao su như một giải pháp tình thế. Gỗ cao su hiện nay cũng rất ưa chuộng trên thị trường.

Ông Nguyễn Duy Phúc - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam cho biết, giá cao su dù thấp nhất trong lịch sử, nhưng doanh nghiệp vẫn có thể hòa vốn hoặc lãi nhẹ. Việc có tiếp tục mở rộng diện tích trồng cao su nữa hay không phụ thuộc rất lớn vào ý chí của các địa phương, còn quan điểm của đơn vị là tiếp tục đầu tư nhưng giãn tiến độ thời gian thực hiện, cân nhắc nguồn vốn và cắt giảm các khoản chi phí không cần thiết. Thời gian gần đây, ngành cao su cũng tập trung chống nhiễm bệnh trên cây cao su tiểu điền. Ở huyện Hiệp Đức, có hơn 100ha cây cao su tiểu điền nhiễm bệnh, có dấu hiệu khô đọt, rồi chết. Mới đây, Cục Trồng trọt thuộc Bộ NN&PTNT khuyến cáo các địa phương không tiếp tục mở rộng diện tích trồng cao su, tập trung nâng cao hiệu quả, giảm chi phí đầu tư và đẩy nhanh chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng cho sản xuất cao su, giảm lệ thuộc xuất khẩu nguyên liệu thô, mở rộng đối tác làm ăn mới.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cao su rớt giá, giãn tiến độ đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO