Năm 2008, cây cao su được đưa vào trồng trên đất Nông Sơn. Thực tế cho thấy, điều kiện thổ nhưỡng ở đây rất phù hợp với loại cây trồng này.
Trồng cây cao su tại huyện Nông Sơn. Ảnh: H.S |
Bén rễ
Cách đây 4 năm, vùng đất Cẩm La (xã Quế Lâm, huyện Nông Sơn) là những dãy đồi núi hoang vu hoặc rừng nghèo đầy lau lách. Bây giờ, đã trở thành vườn cây cao su đại điền xanh tốt. Đi thực địa cùng với ông Trần Hùng - Giám đốc Nông trường Cao su Nông Sơn dạo quanh các vườn cây cao su, chúng tôi nhận thấy Cẩm La giờ không còn vắng vẻ nữa, tiếng gọi í ới nhau đi làm, rồi tất bật những bước chân công nhân vào vườn, tiếng tưới nước, cuốc cỏ, tiếng cười đùa giữa công nhân với nhau... làm nên một thanh âm khác lạ giữa vùng núi. Đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp nụ cười thân thiện của những công nhân dành cho ông Hùng, bởi chính ông là người có công rất lớn làm thay đổi diện mạo vùng đất này. Ông Hùng cho biết, Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam đã triển khai giai đoạn 1 với tổng diện tích đất quy hoạch trồng cao su 1.310ha ở hai xã Phước Ninh và Quế Lâm. Ngay năm đầu tiên 2009, nông trường đã đền bù cho dân 700ha với tổng kinh phí hơn 8 tỷ đồng và tổ chức khai hoang được 148ha, trong đó đưa vào trồng mới 120ha đại điền, tỷ lệ cây sống đạt 95% và đến nay nông trường đã trồng được gần 800ha.
Những công nhân lao động trên đại điền cao su hôm nay ở Nông Sơn không ai khác chính là những nông dân chân lấm tay bùn của địa phương. Từ ngày đầu tuyển dụng được 32 công nhân địa phương với mức lương bình quân 2 triệu đồng/người/tháng, đến nay Nông trường Cao su Nông Sơn đã có 80 công nhân với mức thu nhập 2,8 triệu đồng/người/tháng. Đội ngũ công nhân này ngày đêm cùng với nông trường bám lấy vườn cây, nhờ đó đời sống bắt đầu đổi thay và vườn cây cao su của nông trường được công ty đánh giá là một trong những vườn cây tốt nhất trên địa bàn tỉnh. Bắt đầu từ năm 2010, Nông trường Cao su Nông Sơn không những chủ động nguồn cây giống tại chỗ để đưa vào trồng đủ diện tích theo kế hoạch mà còn cung ứng cây giống cho các đơn vị khác trên địa bàn tỉnh.
Triển vọng thoát nghèo
Năm 2012, Nông trường Cao su Nông Sơn đã hoàn thành kế hoạch giai đoạn 1, trong đó trồng mới gần 800ha với tổng nguồn vốn hơn 50 tỷ đồng. Nông trường tiếp tục phối hợp với địa phương khảo sát quy hoạch giai đoạn 2 với tổng diện tích hơn 2.000ha. Thời gian qua, công ty đã đảm nhiệm việc bỏ vốn đầu tư khai hoang, trồng mới, hướng dẫn cho người trồng kỹ thuật chăm sóc và sắp tới là đào tạo kỹ thuật thu hoạch để người dân ở đây thật sự là người chủ của nông trường. “Cây cao su là cây đa mục đích, có giá trị kinh tế hơn nhiều loại cây trồng khác. Việc triển khai trồng cây cao su thành công sẽ tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế đồi rừng; trồng cao su phải gắn với chế biến, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa người lao động với nhà sản xuất, chế biến” - ông Hùng cho biết thêm.
Phát triển cây cao su đang là hướng đi của huyện Nông Sơn trong việc đa dạng hóa cây trồng, chuyển đổi ngành nghề lao động, tiến đến giảm tỉ lệ đói nghèo, làm cơ sở để xây dựng nông thôn mới. Từ trồng cao su, bà con đã chuyển bớt diện tích rẫy vốn canh tác èo uột, nghèo nàn lâu nay sang sản xuất lâu dài, có hiệu quả kinh tế cao. Cây cao su trên vùng đất Nông Sơn phát triển thuận lợi đang hứa hẹn một tương lai không xa với loại sản phẩm có giá trị xuất khẩu cao, tăng nguồn thu cho địa phương, tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động tại chỗ, thúc đẩy các ngành dịch vụ khác phát triển mở ra triển vọng về sự đổi thay của vùng đất bán sơn địa nghèo đầu nguồn Thu Bồn. Nguồn “vàng trắng” này đang được chính quyền và người dân địa phương quan tâm, triển khai đầu tư trên địa bàn, hy vọng sẽ đem lại nguồn kinh tế khả quan cho huyện Nông Sơn trong tương lai gần.
HUỲNH SƠN