Cảo thơm lần giở

PHÚ BÌNH 03/07/2016 10:28

Các câu đối còn lưu tại nơi được gọi là Văn Thánh - Khổng Miếu ở Tam Kỳ hiện nay, qua các lần tu bổ, việc khảm lại sành sứ các chữ bị sứt mẻ đã làm biến dạng nguyên văn nên một số chữ khó nhận rõ. Việc nhận dạng chính xác các câu đối ấy sẽ giúp cho du khách rất nhiều khi đến thăm di tích này.

Các nhà Nho đất Việt ta xưa đã cố gắng thể hiện thật nhiều nội hàm kinh điển Nho gia vào các câu đối ở Văn miếu, Văn Thánh sao vừa nói lên được các yếu tố cốt lõi của nền học thời xưa lại vừa thể hiện bản sắc của văn hóa ở địa phương mình. Các câu đối ở Văn Thánh - Khổng Miếu Tam Kỳ cũng không ngoài thông lệ ấy.

Sau đây là phần phiên âm từng câu đối (theo thứ tự từ ngoài cổng vào đến hậu tẩm), chú thích và tạm dịch (theo nghĩa bóng).

Mặt ngoài hai trụ biểu giữa:  

Quảng nhi cầu chi: Cối trạch - Hạnh đàn Sư biểu vạn thế;

Tín bất vu hỷ: Kỳ sơn - Lễ thủy Văn hiến thiên niên

 (Đến nơi thờ tự Bậc thánh sư của muôn đời phải biết mở rộng lòng ra mà cầu/ Người ở đất Hà Đông - Tam Kỳ thừa hưởng nền văn hiến nghìn đời của dân tộc phải biết thể hiện lòng tin nơi đạo Thánh hiền một cách sáng suốt).

Văn Thánh - Khổng Miếu Tam Kỳ, nhìn từ sau trụ biểu. Ảnh: P.BÌNH
Văn Thánh - Khổng Miếu Tam Kỳ, nhìn từ sau trụ biểu. Ảnh: P.BÌNH

Chú thích: “Quảng nhi cầu chi” và “Tín bất vu hỷ”: Hai từ đầu của hai cụm từ này ghép lại thành “Quảng Tín” chỉ tên đơn vị hành chính  xây dựng Khổng Miếu Tam Kỳ vào năm 1963. “Cối trạch - Hạnh đàn”: chỉ nơi dạy học của Khổng Tử; nghĩa bóng: nơi tu dưỡng của nhà Nho. “Kỳ sơn, Lễ thủy”: núi Kỳ (chỉ núi Trà Cai ở Tam Kỳ) sông Lễ (một phần nhánh sông ở phía bắc thuộc huyện Lễ Dương xưa; sau thuộc huyện Hà Đông - Tam Kỳ: tên sông xưa gọi là Quảng Phú - nay gọi là sông Bàn Thạch).

Mặt ngoài hai trụ biểu bên:

Trực đạo nhi hành: thăng tư đường, nhập tư thất;

Khiết kỷ dĩ tiến: tôn sở văn, hành sở tri.

 (Thẳng đường vào mà tiến: Bước lên phía trước là nhà hội họp, vào sâu bên trong là nơi thờ tự/ Dọn mình để chân thành bước vào nơi tôn nghiêm, hãy tôn xưng và thực hành các điều mình nghe, mình biết về đạo Thánh hiền).

Chú thích: “Trực đạo nhi hành” “Khiết kỷ dĩ tiến” là hai cụm từ lấy từ sách Luận Ngữ, trích lời của Khổng Tử nói với môn đệ về việc học hành và tu dưỡng. “Đường” và “Thất”:  Kiến trúc Khổng Miếu Tam Kỳ gồm hai tòa: phía trước là nhà nội đường phía sau là hậu thất (hậu tẩm). “Tôn sở văn, hành sở tri”: câu châm ngôn thường dùng để khuyên người học thời xưa.

Do cách khảm sứ khi tu sửa không được rõ nét nên có bài viết trên mạng về Văn Thánh - Khổng miếu Tam Kỳ  đã nhận dạng nhầm chữ “trực” 直 thành chữ “chân”真; chữ “thăng” 升 thành chữ “trấp” 廿; chữ “tư” 斯 thành chữ “cận” 近; chữ “nhập”入 thành chữ “nhân” 人; chữ “thất” 室 thành chữ “ốc” 屋 và đã đọc thành “Chân đạo nhi hành, trấp cận đường, nhân cận ốc” vì thế đã dịch (nhầm) thành “Đạo chân chính cứ thế mà làm, bước lên sảnh đấy, là người nhà đấy”.

Mặt trong hai trụ biểu giữa:

Đạo đức lễ nghĩa chi môn: quân tử sở lý, tiểu nhân sở thị;

Văn vật thanh danh chi địa: đại du thị kinh, tiên dân thị trình.

 (Trước cửa thánh hiền dạy điều đạo đức lễ nghĩa: người quân tử thì cố gắng trau dồi, học hỏi; kẻ tiểu nhân chỉ biết ghé mắt xem qua mà không thu nhận được điều gì/ Sống ở đất nổi tiếng có nền văn hóa cao: phải biết lấy kinh sách Thánh hiền làm nội dung rèn luyện, lấy khuôn phép nền nếp của người dân đạo đức thuở trước làm phương châm cư xử ở đời).

Chú thích: “Quân tử sở lý, tiểu nhân sở thị” (Người quân tử cố dấn thân mà đi còn kẻ tiểu nhân chỉ biết đứng nhìn) trích từ bài thơ “Đại đông” trong Kinh Thi. “Đại du”: Đạo lớn, trích từ Kinh Thi “Trật trật đại du, Thánh nhân mạc chi” (Trật tự đạo lớn, thánh nhân định ra) trong bài Xảo ngôn, thiên Tiểu nhã.

Mặt trong hai trụ biểu bên:

Chính giáo thông hành: Tiêu nhưỡng thường tồn Vũ thế đạc;

Thi thư tất huấn: Cổ kim trường tác Chú nhân lô.

 (Chính trị giáo dục cùng thực hiện: Trong cõi trời đất luôn vang vọng lời giáo huấn của Thánh hiền/ Các Kinh sách Thánh hiền thảy đều đem ra dạy dỗ: Xưa nay Đạo học của nhà Nho là cái lò rèn luyện học vấn, đạo đức cho con người).

Chú thích: Tiêu nhưỡng: (tiêu: bầu trời, nhưỡng: trái đất) = cõi trời đất/ Đạc: cái chuông lắc. Vũ thế đạc:  Đời vua Vũ khi tuyên mệnh lệnh thì lắc chuông- > nghĩa bóng: Lời giáo huấn của Thánh hiền trong thời thịnh trị / Thi, Thư: Kinh Thi và Kinh Thư - > nghĩa bóng: kinh sách Thánh hiền/ Chú: rèn, đúc; Lô: cái lò -> Chú nhân lô: cái lò rèn người -> nghĩa bóng: rèn luyện học vấn, nhân cách cho người học.

Bài viết về Văn thánh - Khổng miếu Tam Kỳ trên mạng (nêu trên) đã nhận dạng nhầm chữ “giáo” 教 thành chữ “mẫn” 敏; chữ “nhưỡng” 壤 thành chữ “cổn” 滾; chữ “vũ” 禹 thành chữ “vạn” 萬; chữ “thư” 書 thành chữ “ngôn” 言; chữ “tất” 悉 thành chữ “chưng” 烝; chữ “chú” 铸 thành chữ “du” 鈾 và chữ “lô” 爐 thành chữ “chúc” 爥 nên đã đọc nhầm câu này thành  “Chánh mẫn đạo hành tiêu cổn thường tồn vạn thế trạch; Thi ngôn chưng huấn cổ kim trường tác du nhân chúc” và đã dịch (nhầm) thành “Chánh trực cần mẫn theo phép mà làm, nước trời lồng lộng trường tồn, muôn đời thấm ơn. Lời thơ hướng đến răn dạy, xưa nay tác phẩm lưu lại dài lâu, nhiều người sáng đuốc”.

Ngoại đường: (Câu đối nằm ở hai trụ hiên ngay trước cửa chính vào gian Nội đường)

Nhập thất thăng đường: tuần tự nhi tiến

Bác văn ước lễ: thệ môn khinh ngôn.

 (Bước lên nội đường, kính cẩn vào Chính tẩm - là nơi thờ tự tôn nghiêm, phải theo cách thức kẻ trước người sau nối bước/ Kẻ học rộng biết giữ lễ khi bước qua cửa vào nơi thờ tự này phải biết nói năng từ tốn, nhẹ nhàng).

Chú thích: “Bác văn ước lễ” lấy từ câu “Quân tử bác học ư văn, ước chi dĩ lễ, diệc khả dĩ ước bạn hỹ phù!” (Người quân tử học tập nghiên cứu sâu rộng kinh điển và tuân theo lễ mà tự quản thúc những hành vi của mình, như vậy mới có thể không trái với đạo lý) trong thiên “Ung dã” của sách Luận Ngữ/ Thệ môn: bước qua cửa; Khinh ngôn: nói nhẹ nhàng. Cả câu đối này đặt ở ngay trụ hiên bước vào nội đường mang nghĩa đen là lời nhắc nhở phải chỉnh sửa tư thế trước khi vào hành lễ.

Cũng do bị khảm sứ khi trùng tu không đúng với nguyên dạng nên vế sau bị đọc sai: chữ “bác” 博 (bộ Thập 十) thành chữ “truyền” 傳 (bộ Nhân đứng 亻), chữ “khinh” 轻 (bộ Xa 車 viết giản thể là 车) bị nhận dạng thành chữ “tạp” 雜; cả vế bị nhận dạng thành “Truyền văn ước lễ, thệ môn tạp ngôn” và dịch (nhầm) thành “Truyền nền văn, giữ điều lễ, rời bỏ nơi nói lời tạp ngôn”.

Chánh tẩm:

Bàn thờ Khổng Phu tử:

Sinh nhi tri chi: xuất hồ loại bạt hồ tụy;

Thánh đa năng dã: ngưỡng di cao, toản di kiên.

 (Đức thánh Khổng sinh ra đã thông thái, vượt trội hơn mọi người/ Ngài là bậc kỳ tài: càng ngước trông càng thấy cao vời, càng nghiền ngẫm Đạo học của ngài càng thấy thâm sâu, đồ sộ).

Chú thích: Toàn bộ câu đối này đều trích lời của Nho gia xưa xưng tụng tài năng và đạo đức của Vị thánh sư Nho giáo. Có thể gặp rất nhiều câu đối mang từ ngữ và nội dung này ở nhiều di tích Văn miếu, Văn thánh khác.

Bàn thờ tiên triết (bên trái - nhìn từ ngoài vào):

Kế vãng khai lai: Tư văn vạn cổ;

Thủ tiên đãi hậu: Ngô đạo trung thiên

(Nối thành tựu rực rỡ của thuở trước, mở tương lai xán lạn cho mai sau: nền Nho học ấy vững bền đến muôn đời/ Nắm vững giềng mối của Đạo các bậc Thánh vương đời trước để đợi truyền lại cho kẻ học đời sau: cái Đạo học mà chúng ta theo đây như ánh dương sáng vằng vặc giữa trời.)

Bàn thờ tiên triết (bên phải - nhìn từ ngoài vào)

Thánh thánh tương thừa: tiên hậu quỹ nhất;

Đầu đầu thị đạo: tả hữu phùng nguyên.

(Hết bậc Thánh này đến bậc Thánh khác đời đời trao truyền Đạo Thánh hiền: trước sau đều cùng một nội dung thống nhất/ Bất kỳ bậc Tiên nho nào cũng rao giảng chung một nội dung của Đạo Thánh hiền; bất kỳ trước tác nào của Nho gia cũng đều chung một nguồn gốc).

Bàn thờ Tiên chính (Bên hông - phía tay phải)

Thù Tứ văn phong: trung thiên nhật nguyệt/ Hồng Lạc tổ quốc: vạn cổ giang sơn.

 (Sự học của người Việt có mục đích yêu nước thương dân vằng vặc như ánh dương, ánh nguyệt giữa trời/ Sẽ làm cho Tổ quốc Lạc Hồng bền vững muôn đời).

Chú thích: “Thù Tứ”: sông Thù và sông Tứ là hai con sông ở quê Khổng Tử. Vì thế “Thù Tứ” được dùng theo nghĩa hoán dụ để chỉ những điều có liên quan đến Khổng Tử, Nho giáo và Nho học. Trong câu đối này, cụm từ “Thù Tứ văn phong” tuy có nghĩa đen là “văn phong Nho học” nhưng ở đây trực chỉ nền Nho học của người Việt ta xưa. Khi gắn với cụm từ “Hồng Lạc tổ quốc”  nó mang hàm ý “người Việt sử dụng thành tựu Nho học của Á Đông làm thành nền Văn của dân tộc mình”; điều đó cũng giống cách vận dụng thành tựu Nho học của người Nhật. Trong ngữ cảnh đó, chúng tôi đã phỏng dịch thành như trên.

Bàn thờ Tiên đạt (bên hông - phía tay tả)

Thịnh truyền mỹ chương huân danh sự nghiệp/ Địa linh nhân kiệt đức vọng văn chương.

 (Đất địa linh nhân kiệt sản sinh ra kết quả học vấn tốt đẹp rạng rỡ/ Con em đất này phải biết đem học vấn, tài năng để làm vẻ vang sự nghiệp vốn có từ cha ông).

PHÚ BÌNH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cảo thơm lần giở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO