Nghề cá của Quảng Nam đang gặp nhiều vướng mắc về khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không đúng quy định (IUU). Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh giao Sở NN&PTNT phối hợp với các địa phương có nghề cá, các ngành liên quan triển khai nhiều giải pháp để cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” thủy sản trong thời gian đến.
Nhiều vướng mắc
Quảng Nam có đến 3.039 tàu cá, trong khi đó chỉ có cảng cá An Hòa (xã Tam Giang, Núi Thành) được Bộ NN&PTNT chỉ định xác nhận nguồn gốc hải sản. Cảng cá An Hòa nằm sâu trong đất liền, điều kiện giao thông, vận chuyển hải sản không thuận lợi nên chỉ có các tàu câu mực và lưới chụp về cập cảng. Lượng hải sản qua cảng ít, chỉ là mực khô. Ngư dân có thói quen bán hải sản tại các nậu, vựa vùng gần cửa biển, bãi ngang, bến cá do vậy, bất cập trong thực hiện khuyến cáo của Ủy ban châu Âu (EC) về gỡ “thẻ vàng” thủy sản là chưa thể kiểm tra, giám sát sản lượng hải sản cập cảng. Đến thời điểm này, việc kiểm soát, thu sổ nhật ký khai thác hải sản, bán hải sản của ngư dân trên địa bàn tỉnh chưa thực hiện được. Do ngư dân chưa có thói quen ghi, nộp nhật ký khai thác cũng như báo cáo về quá trình bán hải sản.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Thủy sản Quảng Nam thường xuyên nâng cấp, bảo dưỡng tốt trạm bờ để đảm bảo các thông tin, tin nhắn với tàu cá đang đánh bắt hải sản ngoài biển được thông suốt. Ngành chức năng cần tăng cường bố trí lực lượng, theo dõi, giám sát thường xuyên hoạt động, hành trình của các tàu cá trên biển, nhất là các tàu cá hoạt động tại vùng biển giáp ranh với nước ngoài, cảnh báo kịp thời đến chủ tàu cá, tránh vào vùng biển nước bạn khai thác hải sản.
Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, ngay tại Văn phòng Kiểm soát nghề cá của tỉnh, việc ghi chép, cập nhật tình hình khai thác hải sản còn sai sót, tẩy xóa nhiều. Nguyên nhân là chưa có cán bộ chuyên trách, cán bộ kiêm nhiệm thiếu tập trung, không duy trì quân số trực 24/24 giờ. Theo khuyến cáo của EC, quá trình khai thác hải sản xa bờ của tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên phải đảm bảo các điều kiện về an toàn thực phẩm (ATTP). Nhiệm vụ này đang gặp nhiều khó khăn. Thứ nhất, do nhận thức của ngư dân về điều kiện ATTP còn hạn chế. Thứ hai là các tàu cá thường xuyên sản xuất dài ngày trên biển nên việc tổ chức tập huấn kiến thức về ATTP chưa thực hiện được. Đến nay, Quảng Nam chưa thể cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP đối với tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên.
Theo Chi cục Thủy sản Quảng Nam, trong thời gian qua, có một số tàu cá vi phạm ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình trong quá trình sản xuất trên các vùng biển xa nhưng ngành chức năng mới chỉ tập trung tuyên truyền, nhắc nhở, vận động chủ tàu cá chứ chưa xử phạt vi phạm hành chính. Vì căn cứ vào Nghị định 42/2019/NĐ-CP ngày 16.5.2019 của Chính phủ (Nghị định 42) thì khung xử phạt quá cao với mức từ 300 triệu đồng đến 1 tỷ đồng. “Nếu xử phạt, ngư dân không đủ nguồn lực để nộp tiền, mà không xử phạt thì tính răn đe chưa cao, quy định chưa được thực hiện rõ ràng” - ông Ngô Văn Định, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam nói.
Nỗ lực thực hiện
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, thực hiện các khuyến cáo của EC về gỡ “thẻ vàng” thủy sản là rất cấp bách. Vì theo kế hoạch, trong tháng 5 sắp tới đây, đoàn công tác của EC sẽ lại kiểm tra thực tế nghề cá ở nước ta, nếu không đáp ứng các yêu cầu, có thể sẽ nâng “thẻ vàng” thành “thẻ đỏ”. Lúc đó, thị trường xuất khẩu thủy sản lớn là châu Âu sẽ bị tắc nghẽn, rất khó cho doanh nghiệp Quảng Nam nói riêng, cả nước nói chung. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh giao Sở NN&PTNT phối hợp cùng các địa phương có nghề cá, các ngành chức năng liên quan khắc phục các tồn tại của nghề cá Quảng Nam, không chỉ cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” mà còn phát triển bền vững nghề cá, nâng cao trách nhiệm của ngư dân và công tác quản lý nghề cá trong thời gian đến.
Ông Ngô Tấn cho biết, Sở NN&PTNT đang tham mưu UBND tỉnh công bố cảng cá An Hòa để thực hiện nhiệm vụ kiểm soát sản lượng hải sản, truy xuất nguồn gốc hải sản. Theo khoản 1, Điều 61, Nghị định 26/2019/NĐ-CP, khi công bố mở cảng cá, phải có thông báo hàng hải về luồng của cảng và vùng nước trước cảng. Trong khi đó, thủ tục về vùng nước trước cảng và luồng của cảng cá An Hòa hiện không có hồ sơ lưu. Giải pháp sẽ là đề xuất Bộ NN&PTNT rút gọn thủ tục, bỏ qua khâu thông báo hàng hải về luồng của cảng và vùng nước trước cảng để công bố mở cảng cá An Hòa.
Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, đơn vị đang nỗ lực kiện toàn hoạt động của Văn phòng Kiểm soát nghề cá. Dự kiến trong tháng 5, văn phòng sẽ hoàn thiện rà soát, lập lại các loại sổ sách, ghi chép đầy đủ hồ sơ, giấy tờ theo đúng quy định của Luật Thủy sản. Cán bộ của Văn phòng Kiểm soát nghề cá sẽ thực hiện chặt chẽ hoạt động thanh tra, kiểm tra tàu cá trước khi ra khơi khai thác hải sản cũng như kiểm soát tàu cá khi cập cảng, lên cá tại cảng An Hòa. Về xử phạt tàu cá vi phạm theo Nghị định số 42, sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương có nghề cá, tăng cường tuyên truyền cho ngư dân về các quy định để nắm rõ và thực hiện. Đồng thời, sẽ tham mưu UBND tỉnh xử lý nghiêm các trường hợp chủ tàu hay thuyền trưởng cố tình ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình.