Lại tái diễn việc người dân cản trở không cho xe chở rác thải sinh hoạt vào các khu xử lý tập trung của tỉnh, hay phản đối sự hoạt động trở lại của Nhà máy sản xuất cồn Đại Tân (Đại Lộc) từng gây ô nhiễm. Nhiều nơi đã khắc phục xong sự cố môi trường song vẫn vấp phải sự phản ứng gay gắt của người dân, khiến nảy sinh xung đột và khiếu nại vượt cấp. Để không tạo thành “điểm nóng” ô nhiễm, các cấp chính quyền, ngành chức năng, doanh nghiệp và người dân cần đồng thuận, có thái độ ứng xử trách nhiệm hơn với môi trường.
Ô NHIỄM NẶNG TỪ… CẤM ĐƯỜNG
Người dân cản trở xe chở rác thải sinh hoạt vào các khu xử lý tập trung, gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường càng tệ hại hơn.
Từ nhiều năm nay, khu xử lý rác thải Tam Nghĩa, Tam Xuân 2 (Núi Thành) và Đại Hiệp (Đại Lộc), vốn là bãi chứa, “giải cứu” rác thải sinh hoạt cho các huyện đồng bằng và trung du của tỉnh. Những bãi rác này, đã xây dựng từ rất lâu, có nâng cấp mở rộng, chủ yếu xử lý bằng hình thức chôn lấp.
Cuối tháng 7.2019, khi bãi chứa rác Tam Xuân 2 xảy ra sự cố môi trường do bốc mùi hôi thối ở hộc số 1, thì từ đó đến nay, người dân sống trong khu vực nhiều lần cản trở chặn xe chở rác chuyên dụng của Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam vào khu xử lý.
Sau các cuộc đối thoại, đã có một bản cam kết giữa các bên liên quan gồm Sở Tài nguyên – môi trường (TN&MT), UBND huyện Núi Thành, Công ty Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam và người dân các thôn Bích Ngô, Bích Nam (xã Tam Xuân 2).
Phó Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam - Nguyễn Thanh Dũng cho biết, tinh thần chung của doanh nghiệp là thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nội dung đã cam kết, nhất là phun hóa chất khử trùng, không để bốc mùi hôi thối từ khu vực xử lý ra bên ngoài.
“Nếu người dân cấm đường, rác từ các địa phương sẽ ùn ứ khắp nơi, chưa thu gom xử lý kịp thời, hậu quả là ô nhiễm nặng nề hơn và chính cộng đồng dân cư là đối tượng bị tổn thương nhiều nhất” – ông Dũng nói.
Do nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan, trước đây việc quy hoạch cũng như nguồn lực đầu tư các bãi xử lý rác thải còn bất cập, nên công nghệ xử lý lạc hậu, cũ kỹ, lại luôn trong tình trạng quá tải. Vì vậy việc tính toán xây mới, nâng cấp mở rộng dự án, công trình cũ là rất cần thiết, nhưng lúng túng là người dân chưa đồng thuận. Ngành chức năng nhận định, nếu một ngày không đưa rác thải sinh hoạt vào khu xử lý tập trung thì hệ lụy ô nhiễm càng thêm tệ hại.
Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam thông tin, sau khi tuyên truyền, vận động, đến nay người dân không còn cản trở phương tiện đưa rác vào xử lý tại Khu xử lý rác thải Tam Xuân 2.
Còn bãi rác xã Đại Hiệp vẫn chưa hoạt động trở lại do người dân tiếp tục “cấm đường”. Theo quan sát, nhiều khu phố ở thị trấn Ái Nghĩa, hay các khu dân cư, đường dẫn vào trung tâm xã Đại Cường, Đại Quang, Đại Nghĩa (Đại Lộc), rác thải ngổn ngang, ùn ứ trông rất nhếch nhác. Nhiều thùng đựng rác không còn chỗ chứa, một số điểm tập kết, trung chuyển rác do chậm đem đi xử lý đã bắt đầu xuất hiện hiện tượng ruồi muỗi, côn trùng bu bám dễ gây ra các bệnh truyền nhiễm.
Nhiều người dân cho biết, gần 10 ngày qua, xe chuyên dụng của công ty không thu gom rác khiến ô nhiễm thêm nghiêm trọng, dân lại lo lắng về môi trường. Từ giữa tháng 2.2020, người dân thôn Phú Quý (xã Đại Hiệp) đã lập rào chắn đường dẫn vào bãi rác Đại Hiệp để phản đối tình trạng quá tải, ô nhiễm.
Chính việc phản đối của người dân buộc xe chở rác của công ty phải ngừng hoạt động, dẫn đến việc thu gom, xử lý rác thải tại các huyện Duy Xuyên, Đại Lộc và thị xã Điện Bàn, Thăng Bình, Quế Sơn, Hiệp Đức, Phú Ninh, Tiên Phước gặp nhiều khó khăn hơn bao giờ hết.
Ông Lê Đình Thống, người dân thôn Phú Quý phân trần: “Bãi rác xã Đại Hiệp hoạt động suốt 17 năm liên tục. Năm 2017, UBND tỉnh đã chỉ đạo đóng cửa hoàn toàn bãi rác này. Nhưng không hiểu sao cứ lùi thời hạn đóng cửa cho đến năm 2020”.
Tổng Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam - Chung Thành Đông, lo lắng: “Trong tình thế hiện nay, nếu không xử lý rốt ráo, đưa rác vào các khu xử lý tập trung kịp thời, thì sẽ tiềm ẩn nhiều mối lo ngại cho sức khỏe người dân, bởi lượng rác thải phát sinh quá lớn, đặc biệt là trong tình cảnh đang phải đối phó với dịch Covid-19”.
ỨNG PHÓ KHẨN CẤP VỚI MÔI TRƯỜNG
Tại cuộc họp với các ngành liên quan, chủ đầu tư và 2 huyện Núi Thành và Đại Lộc cuối tuần qua, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu khắc phục nhanh những vướng mắc, đồng thời đầu tư khẩn cấp các hạng mục bảo vệ môi trường.
Thống nhất di dời dân
Năm 2012, UBND tỉnh phê duyệt dự án khả thi bãi rác Tam Xuân 2 rộng hơn 22ha (thay cho bãi rác Tam Đàn đã đóng cửa), dự án được đánh giá kỹ lưỡng báo cáo tác động môi trường, đảm bảo cự ly khoảng cách an toàn so với khu dân cư. Để đảm bảo vành đai khu xử lý an toàn, từ năm 2016 địa phương đã di dời 8 hộ dân ra ngoài phạm vi dự án. Khu xử lý này mỗi ngày tiếp nhận, xử lý bình quân 250 tấn rác thải sinh hoạt các loại ở TP.Tam Kỳ, Phú Ninh, Tiên Phước, Hiệp Đức, Quế Sơn và Thăng Bình. Tuy nhiên, thời gian qua, người dân liên tục cản trở không cho xe chở rác vào khu xử lý.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh: Lúng túng, thụ động xử lý ô nhiễm
“Việc bảo vệ môi trường đặt ra trong lúc này là tình huống khẩn cấp. Khi xảy ra sự cố ô nhiễm, các cơ quan không thể đổ lỗi cho nhau mà thống nhất chung nhận thức, cùng nhau hành động. Vấn đề đặt ra phải tôn trọng lịch sử, mỗi hoàn cảnh định hướng thu hút đầu tư khác nhau. Có chuyện là mỗi cơ quan, cán bộ né tránh việc xử lý rác thải. Thời gian qua, hệ thống chính trị cấp xã, huyện rất lúng túng, thụ động trong giải quyết vụ việc liên quan đến ô nhiễm môi trường, đụng cái gì dân cũng yêu cầu đối thoại với lãnh đạo tỉnh. Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, mà ở đây thuộc Sở TN&MT không báo cáo kịp thời những vấn đề phát sinh liên quan đến bãi rác và Nhà máy sản xuất cồn Đại Tân”.
Trước kiến nghị của địa phương, UBND tỉnh thống nhất chủ trương di dời 4 hộ dân vào phạm vi dự án mở rộng khu dân cư đã đầu tư năm 2016. Trong khi đó, tại xã Đại Tân, UBND tỉnh đồng ý di dời 44 hộ dân ra khu vực bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, trước hết huyện Đại Lộc phải chủ động triển khai theo thẩm quyền của mình là điều chỉnh quy hoạch, mở rộng quy mô cụm công nghiệp, tiến hành thu hồi đất bồi thường thỏa đáng, tái định cư cho dân.
“Xảy ra sự cố môi trường trong quá trình vận hành của Nhà máy sản xuất cồn Đại Tân vừa qua là ngoài ý muốn của doanh nghiệp. Công ty đã chấp hành dừng hoạt động 5 tháng để khắc phục các hạng mục bảo vệ môi trường. Khi công ty đã khắc phục xong, UBND tỉnh mới thống nhất cho hoạt động trở lại và họ đã cam kết nếu tiếp tục vi phạm thì nhà máy sẽ tự nguyện đóng cửa. Nếu người dân nghi ngờ kết quả quan trắc của cơ quan chức năng, thì tìm một đơn vị kiểm định độc lập, nhà nước sẵn sàng bỏ tiền ra quan trắc” – Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo tỉnh, việc để người dân phản đối, khiếu nại vượt cấp phải xem lại công tác vận động quần chúng của các hội đoàn thể, Mặt trận và vai trò trách nhiệm của lãnh đạo địa phương. Với khu xử lý rác Đại Hiệp (Đại Lộc), về mặt lý phải dừng hoạt động từ năm 2017, nhưng trong điều kiện đang chờ đầu tư khu xử lý rác xã Đại Nghĩa, việc tiếp tục kéo dài thời gian hoạt động là điều không ai mong muốn. Vì vậy, để hạn chế ô nhiễm, UBND tỉnh quyết định đầu tư khẩn cấp gần 15 tỷ đồng xây dựng kè chắn, hệ thống đê bao tại Khu xử lý rác thải Đại Hiệp.
Quy hoạch vị trí phù hợp
Chủ tịch UBND huyện Núi Thành Nguyễn Văn Mau cho biết, cần nhanh chóng quy hoạch bãi rác ở các địa phương, bởi hiện khu xử lý rác Tam Xuân 2 trong tình trạng quá tải. Đồng thời khảo sát, nghiên cứu địa điểm quy hoạch khu xử lý rác công nghệ cao trên địa bàn cho phù hợp. Vừa qua, Sở TN&MT và các chuyên gia đã về xã Tam Thạnh khảo sát, nhưng còn lấn cấn do nằm ở đầu nguồn sông.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh thừa nhận, việc xử lý rác thải đang là bài toán hóc búa đặt ra với chính quyền tỉnh và cần vào cuộc chủ động, đồng bộ hơn nữa. Trước mắt, các ngành khẩn trương khảo sát, chọn vị trí, đẩy nhanh tiến độ triển khai các khu xử lý rác thải công nghệ cao theo quy hoạch. Chính quyền tỉnh yêu cầu các địa phương xác định các vị trí, địa điểm quy hoạch bãi chứa rác ngay từ bây giờ mà không chờ đến khi HĐND tỉnh thông qua. Các ngành chức năng hướng dẫn lựa chọn công nghệ phù hợp với các hình thức xử lý khác nhau.
UBND tỉnh đã điều chỉnh quy hoạch xử lý chất thải rắn theo hướng loại bỏ trạm trung chuyển, chỉ quy hoạch các điểm tập kết chất thải sinh hoạt. Lý do, nhân dân và chính quyền địa phương các cấp bức xúc về trạm trung chuyển gây ô nhiễm môi trường, vị trí đặt không phù hợp.
Theo UBND tỉnh, điều chỉnh quy hoạch hiện nay với mục đích hình thành khu xử lý liên vùng. Theo đó, toàn tỉnh có tổng cộng 30 khu xử lý với tổng diện tích hơn 218ha (tăng 6 khu và loại bỏ 4 khu không còn phù hợp). Mỗi khu sẽ được xác định cụ thể địa điểm, quy mô diện tích, định hướng công nghệ, phạm vi phục vụ, xác định khoảng cách đến các khu dân cư và có xác nhận của địa phương, lấy ý kiến rộng rãi từ người dân.
Điều chỉnh quy hoạch chất thải rắn đến năm 2030 là hình thành 3 khu xử lý liên vùng. Cụm động lực số 1 là khu xử lý Đại Nghĩa, phục vụ các huyện Đại Lộc, Điện Bàn, Hội An. Cụm 2 là khu xử lý Quế Cường phục vụ các huyện Quế Sơn, Thăng Bình, Duy Xuyên. Cụm 3 là khu xử lý Tam Xuân 2, Tam Nghĩa phục vụ TP.Tam Kỳ, Phú Ninh, Núi Thành, Khu Kinh tế mở Chu Lai. Còn lại mỗi địa phương đề xuất 1 khu xử lý cấp huyện.
KHÔNG ĐỂ PHÁT SINH “ĐIỂM NÓNG”
Sự cố ô nhiễm ở các bãi rác hay Nhà máy cồn Đại Tân (Đại Lộc) đều được các cấp chính quyền tổ chức họp dân, đối thoại nhưng thực tế người dân vẫn chưa đồng tình ủng hộ với các biện pháp khắc phục.
Lo ngại về an ninh
Có một sự trùng hợp là cuối tháng 2.2020, một số người dân tụ tập cản trở phương tiện vận chuyển rác vào khu xử lý rác thải Tam Xuân 2 vì cho rằng tái diễn tình trạng bốc mùi hôi thối. Cùng thời điểm trên, người dân ở xã Đại Hiệp (Đại Lộc) cũng tập trung ngăn cản, không cho các phương tiện đưa rác vào xử lý tại bãi rác Đại Hiệp.
Đề cập trách nhiệm của địa phương về xử lý bãi rác Tam Xuân 2, Thượng tá Nguyễn Thành Long – Phó Giám đốc Công an tỉnh cho rằng, trong thời gian xảy ra vụ việc, Huyện ủy, UBND huyện Núi Thành chưa thực sự vào cuộc vận động, giải quyết các vướng mắc, bức xúc của người dân khiến tình hình thêm phức tạp, làm suy giảm lòng tin của nhân dân vào chính quyền các cấp.
“Hiện tại các hộ dân đang rất bức xúc về ô nhiễm tại khu xử lý rác, nhất là mùi hôi thối ảnh hưởng đến cuộc sống. Nếu các cơ quan chức năng không xử lý triệt để, người dân sẽ tiếp tục ngăn cản xe chở rác vào khu xử lý, gây phức tạp về an ninh trật tự địa phương, nhất là trong thời điểm diễn ra đại hội đảng các cấp” - Thượng tá Long nhận định.
Ở một diễn biến khác, người dân xã Đại Tân (Đại Lộc) phản đối Nhà máy sản xuất cồn Đại Tân thuộc Công ty CP Nhiên liệu sinh học Tùng Lâm hoạt động. Nguồn cơn sự việc là ngày 19.9.2019, trong quá trình hoạt động, do lỗi của công nhân vận hành quá trình chiết xuất dầu Fusel làm cho một lượng dầu tràn ra ảnh hưởng đến môi trường. Từ sự cố này, Công ty CP Nhiên liệu sinh học Tùng Lâm đã tạm ngưng hoạt động của Nhà máy cồn Đại Tân để thực hiện các biện pháp khắc phục như duy tu, bảo dưỡng thiết bị máy móc.
Theo công ty này, đến nay, đã cơ bản khắc phục xong sự cố và có bản cam kết với UBND tỉnh, UBND huyện Đại Lộc, UBND xã Đại Tân và toàn thể người dân địa phương. Trên cơ sở khắc phục sự cố và cam kết của công ty, ngày 17.2.2020, UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương cho phép nhà máy hoạt động trở lại. Tuy nhiên sau khi địa phương thông báo chủ trương, tiến hành họp thì hầu hết ý kiến của người dân đều không thống nhất và yêu cầu chỉ cho phép nhà máy hoạt động trở lại khi di dời xong các hộ dân bị ảnh hưởng.
Tránh xung đột
Khi người dân phản đối, chính quyền cấp huyện, xã vào cuộc can thiệp bằng nhiều cách thức khác nhau, trong đó có hình thức đối thoại. Tuy nhiên, không ít cuộc đối thoại bất thành, do người dân bất hợp tác và phương pháp tổ chức đối thoại chưa hợp lý.
Tại cuộc họp với nhân dân thôn Nam Phước (xã Đại Tân) và một số hộ dân sống gần Nhà máy cồn Đại Tân do UBND huyện Đại Lộc tổ chức ngày 20.2 vừa qua, một số ý kiến người dân cho rằng mùi hôi thối từ nguyên liệu của công ty vẫn còn, các hồ chứa nước thải và hầm chứa biogas vẫn chưa đảm bảo, gây ô nhiễm môi trường, đe dọa sức khỏe, sinh hoạt của người dân; các chất độc do nhà máy thải ra về lâu dài rất đáng lo ngại. Điều đáng nói, khi chủ tọa cuộc họp phát biểu kết luận đề nghị người dân giám sát và tạo điều kiện cho công ty hoạt động trở lại thì người dân dự họp đứng lên la hét, không ủng hộ.
Đại diện lãnh đạo UBND xã Đại Tân thừa nhận, nhân dân thì không tin vào chính quyền xã, kể cả huyện và chỉ mong muốn gặp lãnh đạo tỉnh để trao đổi, đối thoại thẳng thắn.
Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc Trần Văn Mai giãi bày, địa phương rất “khổ” về dự án Nhà máy sản xuất cồn Đại Tân, trước Tết Nguyên đán vừa qua lãnh đạo huyện tổ chức họp 4 lần để giải quyết các kiến nghị, bức xúc của người dân. Tuy công ty đã nỗ lực khắc phục sự cố nhưng vẫn còn xảy ra tình trạng rò rỉ ga, bốc mùi hôi. Người dân đề xuất, nếu nhà máy hoạt động thì phải tiến hành di dời dân ra khỏi khu vực ô nhiễm. Huyện Đại Lộc kiến nghị UBND tỉnh cho phép địa phương điều chỉnh diện tích quy hoạch sử dụng đất cụm công nghiệp ở gần Nhà máy cồn Đại Tân làm cơ sở để thu hồi đất, tái định cư lâu dài cho dân vùng bị ảnh hưởng.
Theo Công an tỉnh, tình trạng tụ tập đông người phản đối hoạt động của Nhà máy cồn Đại Tân thời gian tới nếu không được giải quyết sẽ dẫn đến phức tạp về an ninh trật tự tại địa phương, nhất là khi có trường hợp xảy ra va chạm, mâu thuẫn giữa người dân khiếu kiện với nhân viên của công ty, dễ phát sinh thành “điểm nóng”.
Để tránh xung đột, không tạo “điểm nóng” tụ tập đông người, Công an tỉnh cho rằng, phải hoàn thiện các hạng mục liên quan đến công tác bảo vệ môi trường ở Nhà máy sản xuất cồn Đại Tân; tiến hành kiểm định môi trường chung quanh nhà máy để dân biết.
“Lãnh đạo tỉnh cần đối thoại trực tiếp với người dân thôn Nam Phước, giải thích rõ chủ trương xử lý của UBND tỉnh với vụ việc nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân đối với hoạt động của nhà máy” - Thượng tá Nguyễn Thành Long đề xuất.