(QNO) - Ông Ng.N. (74 tuổi, quê huyện Hoà Vang,TP.Đà Nẵng) được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa Gia Đình (Đà Nẵng) trong tình trạng đau tức ngực dữ đội, qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhân bị hội chứng động mạch vành cấp (tắc nghẽn cấp tính hệ động mạch vành).
Trước đó, bệnh nhân bị tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, thỉnh thoảng đau nhói ngực nhưng ngại đi khám.
Ngay trong đêm, ê kíp bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Gia Đình đã thực hiện các cận lâm sàng cần thiết và chụp động mạch vành. Kết quả cho thấy, bệnh nhân bị tổn thương phức tạp hệ động mạch vành; tắc mạn tính một động mạch nuôi tim, hẹp nặng 2 nhánh động mạch còn lại nuôi tim.
Tắc mạn tính động mạch vành (hay còn gọi CTO - Chronic Total Occlusion) là tình trạng tổn thương tắc hoàn toàn động mạch vành, kéo dài trên 3 tháng.
Nhận định đây là ca bệnh mạch vành phức tạp, các bác sĩ thuộc Đơn vị Hồi sức cấp cứu đột quỵ can thiệp mạch của Bệnh viện Đa khoa Gia Đình đã tổ chức hội chẩn và quyết định phác đồ điều trị với 2 lần can thiệp.
Cụ thể, bệnh nhân sẽ được tái thông mạch vành bằng đặt stent nong tổn thương động mạch gây cơn nhồi máu cơ tim cấp tính trước. Sau khi sức khoẻ bệnh nhân ổn định, sẽ tiếp tục can thiệp trì hoãn 2 nhánh động mạch vành còn lại.
Hai tuần kể từ khi can thiệp lần một trên nhánh động mạch gây nhồi máu cơ tim, ông N. đã được các bác sĩ Khoa Hồi sức, cấp cứu đột quỵ can thiệp mạch (Bệnh viện Đa khoa Gia Đình) phối hợp cùng chuyên gia đầu ngành Viện Tim mạch Việt Nam khơi thông nhánh động mạch vành bị tắc mạn tính còn lại. Sau 2 lần can thiệp đặt stent sức khỏe ông N. đều ổn định, có thể ăn uống và đi lại bình thường, không ảnh hưởng hoạt động hàng ngày. Ông N. được xuất viện sau 4 ngày theo dõi và tiếp tục dùng thuốc điều trị ngoại trú.
Theo BS.CKII Đặng Công Hoàng - Khoa Hồi sức cấp cứu, đột quỵ (Bệnh viện Đa khoa Gia Đình), tái thông động mạch vành là một trong những phương pháp điều trị chính bên cạnh dùng thuốc đặc trị trong bệnh động mạch vành, ngừa suy tim đột tử lâu dài, cải thiện chất lượng cuộc sống người bệnh với giảm đau thắt ngực.
Có 2 phương pháp tái thông được sử dụng nhiều hiện nay gồm can thiệp đặt stent dưới màn huỳnh quang tăng sáng hoặc phẫu thuật bắc cầu nối chủ – vành. Việc lựa chọn phương pháp tái thông mạch vành nào sẽ tùy thuộc đặc điểm của mỗi bệnh nhân. Với bệnh nhân N. thuộc trường hợp bệnh mạch vành có tổn thương phức tạp, trong đó có tổn thương tắc hoàn toàn mạn tính 1 nhánh động mạch vành. Việc tái thông được động mạch vành đã tắc mạn tính giúp giảm nguy cơ đột tử do tim, cải thiện chức năng tim, số lần đau thắt ngực ít hơn.
Với phương pháp can thiệp mở thông mạch vành bằng đặt stent qua da được thực hiện phụ thuộc đặc điểm tổn thương bệnh nhân, trang thiết bị của cơ sở y tế và đội ngũ chuyên gia thực hiện tại cơ sở y tế đó. Việc tái thông mạch vành bằng đặt stent chỉ để lại vết chọc kim nhỏ nơi cổ tay hoặc bẹn, mọi thao tác đều thực hiện qua đường ống thông bằng nhựa đặc chủng.
Ưu điểm của phương pháp này là giúp bệnh nhân hồi phục nhanh chóng, thông thường sẽ được xuất viện sớm 1 - 2 ngày sau can thiệp. Điều này sẽ giúp bệnh nhân tránh được phẫu thuật bắc cầu nối chủ - vành, với phương pháp phẫu thuật bắc cầu nối mở xương ức khâu chỉ thép có nhiều hạn chế là sẽ gây đau xương ức lâu dài cho bệnh nhân.
“Người dân từ độ tuổi trung niên trở đi, có bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng mỡ máu hoặc hút thuốc lá thường xuyên tuyệt đối không chủ quan khi nghe cơ thể lên tiếng dù thường xuyên hay không thường xuyên. Trong đó, bao gồm đau ngực sau xương ức khi gắng sức, khó thở, cảm giác choáng ngất, thậm chí chỉ mệt hay nặng ngực cũng nên kiểm tra sớm sức khỏe tim mạch. Trong trường hợp không may tổn thương động mạch vành phức tạp, bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế uy tiến và có trang thiết bị hiện đại để được điều trị cũng như tái thông mạch vành kịp thời nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống và có sức khỏe lâu dài” - BS.CKII Đặng Công Hoàng khuyến cáo.