(QNO) - Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam vừa cấp cứu kịp thời một người nhà bệnh nhân bị đột quỵ.
Tối 18.10, khi đang chăm sóc người nhà, là trẻ sơ sinh điều trị vàng da ở khu Đơn nguyên sơ sinh (Khoa Phụ sản, Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam), bà L.T.Đ. (39 tuổi, xã Tam Dân, Phú Ninh) cảm thấy mệt và nhờ nữ hộ sinh Trần Thị Thanh - nhân viên chăm sóc trẻ sinh non kiểm tra sức khỏe.
Huyết áp và mạch của bà Đ. bình thường, nhưng qua trò chuyện, nữ hộ sinh Trần Thị Thanh phát hiện bà Đ. trả lời khó khăn. Với phản xạ nghề nghiệp, chị Trần Thị Thanh liên tưởng đến dấu hiệu FAST - dấu hiệu nhận biết sớm về đột quỵ nên nhanh chóng báo bác sĩ trực để đưa bệnh nhân đến Khoa Cấp cứu.
Bà Đ. được các bác sĩ Khoa Cấp cứu và Khoa Tim mạch xác định bị nhồi máu não giờ thứ 1 do tắc động mạch não giữa bên trái và được áp dụng phác đồ điều trị theo quy chuẩn. Được biết, bà Đ. đã tiêm vắc xin phòng Covid ngày thứ 3, chưa có tiền sử bệnh lý đặc biệt nhưng đột ngột giảm tri giác, nói đớ, yếu nhẹ nửa người.
Bệnh nhân được dùng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch và lấy huyết khối cơ học. Sau điều trị, mạch máu não được tái thông hoàn toàn, bệnh nhân tỉnh táo và hết yếu liệt.
Bệnh nhân được điều trị thành công, không để lại di chứng nhờ tận dụng "thời gian vàng" trong cấp cứu và điều trị. "Thời gian vàng" trong điều trị nhồi máu não bằng tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch là 3 - 4 giờ từ khi phát hiện triệu chứng.
Bác sĩ khuyến cáo cách nhận biết đột quỵ qua dấu hiệu FAST:
Face (khuôn mặt): méo miệng, biểu hiện rõ nhất khi bệnh nhân cười, nhe răng.
Arm (tay): yếu liệt tay chân, để biết bệnh nhân có bị yếu hoặc liệt một bên hay không, cần yêu cầu bệnh nhân đưa hai tay lên cao.
Speech (lời nói): ngôn ngữ bất thường, cần đề nghị bệnh nhân lặp lại một cụm từ đơn giản để xem họ có lặp lại được không, và xem giọng nói có bị “đơ” hay không.
Time (thời gian): khi xuất hiện các triệu chứng nêu trên một cách đột ngột, cần gọi cấp cứu 115 hoặc nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện có điều trị đột quỵ gần nhất.