Câu ví von này của một người mẫu áo tắm từng lan truyền như “thành ngữ” thú vị của cộng đồng mạng. Nhưng “thành ngữ” ấy không chỉ mang nghĩa bóng và dành riêng cho giới chân dài. Mà chuyện “cạp đất” đang diễn ra thực tế ở nhiều nơi, theo đúng nghĩa đen.
Hãy nhắc câu chuyện lạ ở Đồng bằng Sông Cửu Long trước.
Từ cuối tháng 2, báo chí không ngừng đưa tin về tình trạng hạn mặn khốc liệt khiến nông dân ở Bến Tre mang cả xe ủi ra... cào mặt ruộng, lấy lớp phù sa màu mỡ bán kiếm tiền, hoặc đổi lấy phân, thuốc. Đơn giản do biến đổi thời tiết, họ không thể trồng lúa vụ 3. Một cách kiếm tiền quá “đơn giản”. Nhưng đó là bài toán không dễ tìm lời giải. Nông dân xúc bán lớp phù sa bề mặt, sâu chừng 10 - 15cm thì có ngay tiền “tươi” (dù chỉ thu vài chục nghìn đồng cho mỗi khối đất), lại có thể hạ thấp mặt bằng do mực nước ngọt đang xuống thấp. Ngược lại, lượng phù sa do thượng nguồn Mê Kông bồi đắp kia đã bị phung phí, để đến vụ mùa sau phải tốn kém gấp 2 - 3 lần cho khoản phân bón mới bù đắp nổi; còn mặt ruộng thấp xuống thì... nước biển càng dễ xâm nhập. Đúng là lợi bất cập hại!
Ở Quảng Nam, dòng chảy sông suối biến đổi do sạt lở cũng là chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi”. Nhưng không thể không nói, khi nạn trộm cát ven bờ sông Thu Bồn chưa có dấu hiệu vãn hồi. UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành công văn (số 610/UBND-KTN, ngày 11.2) yêu cầu thực hiện nghiêm chế độ báo cáo và tập trung kiểm tra, đóng cửa các bến, bãi không đủ điều kiện cấp mới hoặc gia hạn. Sở TN-MT cũng đề xuất hình phạt bổ sung: Khai thác dưới 50m3 cát, sỏi lòng sông là đã có thể tịch thu phương tiện của “sa tặc”.
Nhu cầu sử dụng cát trong xây dựng là có thật. Hiện Quảng Nam có 33 giấy phép khai thác, tập trung ở sông Vu Gia - Thu Bồn (tổng diện tích gần 230ha). Nhưng đó là khai thác công khai. Còn đội hình lén lút thì chỉ “thống kê” được qua các vụ truy bắt. Bờ sông sạt lở, nhiều bờ bãi màu mỡ mất tích, thậm chí nhiều làng mạc cũng trôi tuột theo dòng chảy... Không phải ngẫu nhiên mà đang có đến 4 bãi khai thác cát sỏi đang phải tạm dừng, vì vấp phải sự phản đối quyết liệt của người dân. Biết nói sao cho hết những hệ lụy?
“Sa tặc” hám lợi và bất chấp, đã đành. Nhưng để trộm được cát, họ cần những phương tiện lớn như ghe thuyền, máy hút, xe ben… chứ không phải những thứ bé tí, dễ ngụy trang như cây kim, sợi chỉ. Dù rằng có chiêu trò trộm cát ban đêm, cố ý neo thuyền ở vùng giáp ranh 2 địa phương để nếu bị cơ quan chức năng bên này phát hiện thì… dạt sang bên kia; nhưng nếu phối hợp chặt chẽ, “sa tặc” cũng không dễ có cơ hội.
“Phá sơn lâm, đâm hà bá”, người xưa từng cảnh giới về lối mưu sinh bất chấp. Giờ thì cách diễn đạt có thể dân dã hơn - “cạp đất mà ăn”, nhưng hậu quả thì vẫn vậy, vẫn đáng sợ.