Mặc dù có nhiều nỗ lực phối hợp giữa chủ đầu tư, chính quyền huyện Bắc Trà My và ngành chức năng của tỉnh, nhưng đến nay, người dân bị ảnh hưởng bởi dự án thủy điện Sông Tranh 2 vẫn chưa được cấp đất sản xuất.
Xã Trà Bui có 321 hộ dân phải di dời, tái định cư (TĐC) thuộc dự án thủy điện Sông Tranh 2. Trong năm 2012, UBND tỉnh đã cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng 1.319ha đất thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh và đất rừng nghèo tự nhiên xung quanh các khu TĐC để cấp cho 321 hộ dân TĐC làm đất sản xuất. Chủ đầu tư thủy điện (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) cũng đã hỗ trợ 1,3 tỷ đồng để đo đạc, giải thửa và tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để cấp đất cho dân TĐC. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Xuân, Trưởng phòng Tài nguyên - môi trường huyện Bắc Trà My, kết quả khảo sát, đo đạc cho thấy, trong số diện tích trên chỉ có 929ha là có thể giải thửa, còn lại trên 390ha là đất sông suối và đất đã được sử dụng vào các mục đích khác. Hơn nữa, trong số đó lại có đến hơn 638ha là đất của 227 hộ dân sở tại, còn số người dân TĐC vào phát hoặc mua bán thỏa thuận với dân sở tại và đang sản xuất chỉ có 131 hộ, 290ha. Như vậy, vẫn còn có đến 190 hộ dân TĐC chưa có quỹ đất để cấp. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Lân – Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Sông Tranh, đến nay đã có gần 500ha được đo đạc, hoàn chỉnh hồ sơ cấp “sổ đỏ” cho 226/321 hộ dân TĐC ở xã Trà Bui theo kế hoạch. Số dân TĐC thiếu đất sản xuất chỉ còn là 95 hộ. Như vậy, số liệu trên chưa thống nhất và có sự trùng lặp đối tượng hộ dân TĐC được khảo sát đo đạc khi cấp đất. Song, tại cuộc họp giữa chính quyền huyện Bắc Trà My, Sở NN&PTNT, Sở TN-MT và Công ty Thủy điện Sông Tranh vào ngày 22.5, các bên liên quan lại băn khoăn quỹ đất để cấp cho dân theo phương án của Công ty Thủy điện Sông Tranh có xâm phạm đến rừng phòng hộ và rừng tự nhiên hay không?
Theo ông Nguyễn Hồng - Chi cục phó Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Nam, việc xác định rõ ranh giới, loại đất nào để cấp là rất quan trọng. Nếu cấp theo ý dân, dân đã phát rừng sản xuất ở đâu, đo cấp tại nơi đó, nếu trúng vào các khu rừng già, rừng tự nhiên thì sẽ dễ dẫn đến hậu quả phá rừng. Còn theo ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, nhu cầu về quỹ đất để cấp cho dân TĐC làm đất sản xuất tại Trà Bui là rất lớn. Số diện tích 1.319ha đất rừng nghèo UBND tỉnh thống nhất cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng trong năm 2012 vẫn chưa thể giải quyết đủ. Bởi, diện tích này phần lớn người dân sở tại đang sử dụng sản xuất nên đương nhiên sắp tới phải giải quyết cấp cho dân sở tại, thu hồi để cấp cho dân TĐC là không thể được. Nếu thu hồi thì phải đền bù, kinh phí sẽ rất lớn và khó khăn. Hơn nữa, nếu thu hồi thì dân sở tại lại thiếu đất, tiếp tục phá rừng để lấy đất sản xuất nên dễ nảy sinh tình trạng phá rừng. Do vậy, UBND huyện buộc phải kiến nghị tỉnh cho chủ trương tiếp tục chuyển đổi mục đích sử dụng một số diện tích rừng phòng hộ hiện nay không còn đúng nghĩa là rừng phòng hộ. Tức là rừng đã bị phát xâm phạm, rừng nghèo, rừng dây leo, rừng trọc. Mới đây, các bên liên quan cũng đã khảo sát phân loại ba loại rừng, trên cơ sở đó tiếp tục chuyển đổi để cấp cho người dân TĐC làm đất sản xuất.
Việc cấp đất sản xuất cho dân TĐC ở thủy điện Sông Tranh 2 hiện vẫn còn khá nan giải, nhập nhằng.
Nguyễn Văn