Theo quy định của Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực năm 2019, chủ thể nuôi thủy sản lồng bè bắt buộc phải đăng ký và cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh tiếp nhận, thẩm định và cấp giấy xác nhận. Tuy nhiên, đến nay Quảng Nam vẫn chưa triển khai, “điểm nghẽn” ở đâu?
Chưa cấp giấy xác nhận
Đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 25 lồng bè HDPE nuôi hải sản trên biển theo hướng công nghiệp. Ngoài ra, ở khắp các vùng cửa biển Cửa Đại (Hội An) hay Cửa Lở, cửa An Hòa (Núi Thành) nuôi hải sản bằng lồng bè diễn ra rầm rộ. Thế nhưng đến nay Chi cục Thủy sản Quảng Nam vẫn chưa cấp giấy xác nhận đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè cho người dân, doanh nghiệp.
Ông Trần Quảng Nam - Trưởng phòng Nghiệp vụ thủy sản (Chi cục Thủy sản) cho biết, quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 38 Luật Thủy sản 2017 ghi rất rõ: “Phải đăng ký đối với hình thức nuôi trồng thủy sản lồng bè”. Việc cấp giấy xác nhận cơ sở nuôi thủy lồng bè gặp khó do các cơ sở nuôi thủy sản lồng bè chưa đáp ứng đủ hồ sơ theo quy định.
Ngoài nuôi hải sản lồng bè trên biển, trên địa bàn tỉnh có đến 2.600 lồng bè nuôi thủy sản ở các sông, hồ thủy lợi, thủy điện. Chưa được cấp giấy xác nhận nuôi thủy sản lồng bè, chưa được cấp mã vùng nuôi thủy sản nên sản phẩm thủy sản nuôi hầu như chỉ được tiêu thụ ở thị trường nội địa.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hồ sơ đăng ký nuôi thủy sản lồng bè được ghi cụ thể tại điểm b Khoản 2 Điều 36 Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản.
Ngoài đơn đăng ký và sơ đồ mặt bằng vị trí lồng nuôi, chủ thể nuôi thủy sản lồng bè bắt buộc phải có giấy quyết định giao khu vực biển hoặc hợp đồng thuê khu vực biển để nuôi thủy sản. Do chưa được giao, cho thuê khu vực biển để nuôi hải sản nên các chủ thể nuôi biển chưa đáp ứng được hồ sơ theo quy định.
Chưa được cấp giấy xác nhận cơ sở nuôi thủy lồng bè nên các chủ thể nuôi thủy sản lồng bè ở Quảng Nam không được cấp mã vùng nuôi thủy sản. Mà đây là quy định bắt buộc của nhiều thị trường nhập khẩu hải sản nuôi trong lồng bè của Việt Nam.
Mới đây, xuất khẩu tôm hùm bông của nước ta sang Trung Quốc lao đao dữ dội khi tôm hùm bông chưa được cấp mã vùng nuôi thủy sản. Dĩ nhiên, xuất khẩu hải sản nuôi bằng hình thức lồng bè trên biển của Quảng Nam cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn do không chỉ Trung Quốc mà nhiều thị trường trên thế giới cũng yêu cầu về mã vùng nuôi thủy sản.
Giải pháp… chờ
Ông Võ Văn Long - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, theo quy định tại Điều 43 Luật Thủy sản thì việc giao, cho thuê mặt biển để nuôi hải sản lồng bè thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.
Điều 44 Luật Thủy sản cũng ghi việc giao khu vực biển để nuôi hải sản lồng bè phải căn cứ quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch tỉnh và quy định của pháp luật về biển, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Do quy hoạch tỉnh chưa được thông qua nên chưa thể tham mưu Sở NN&PTNT cho thuê, giao khu vực biển để người dân, doanh nghiệp nuôi hải sản trong lồng bè.
“Khi quy hoạch tỉnh được thông qua, chúng tôi sẽ căn cứ vào đó và các quy định khác về bảo đảm quốc phòng, an ninh… để tham mưu cấp trên cho thuê, giao mặt nước cho các chủ thể nuôi hải sản trong lồng bè. Và đó là cơ sơ để cấp giấy xác nhận đăng ký nuôi thủy sản lồng bè” - ông Long nói.
Được biết, Bộ NN&PTNT đang tham mưu Chính phủ bỏ điểm b Khoản 2 Điều 36 Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản.
Nghĩa là khi được Chính phủ thông qua, cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh sẽ thẩm định, cấp giấy xác nhận đăng ký nuôi thủy sản lồng bè mà không cần phải có điều kiện cho thuê, giao mặt nước cho cá nhân, tổ chức nuôi hải sản trong lồng bè.
Ông Võ Văn Long nói, nếu Bộ NN&PTNT có hướng dẫn cụ thể sẽ thực hiện cấp giấy xác nhận đăng ký nuôi thủy sản lồng bè mà không cần phải có quyết định cho thuê, giao mặt biển nuôi hải sản.
Sắp tới đơn vị sẽ rà soát tất cả khu vực nuôi biển để tham mưu Sở NN&PTNT đề xuất UBND tỉnh ra hạn mức tối đa nuôi hải sản ở mỗi khu vực, qua đó hạn chế nuôi biển tự phát quá dày đặc phát sinh rủi ro dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.