Từ những bất cập trong cách giải quyết chính sách đất lâm nghiệp, đất trồng cao su trên địa bàn huyện, bên cạnh chia sẻ với khó khăn chung của doanh nghiệp, lãnh đạo huyện Nam Giang bày tỏ quan điểm bảo vệ quyền lợi người dân trong định hướng giảm nghèo từ “vàng trắng”. Vì thế, cần tìm tiếng nói chung để hài hòa lợi ích đôi bên.
Còn bất cập
Ông Tơ Ngôl Với - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho biết, mặc dù kéo dài rất nhiều năm nhưng việc giải quyết vướng mắc trong đo đạc lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cũng như thỏa thuận trả tiền thuê đất hằng năm cho người dân trồng cao su vẫn chưa dứt điểm.
Một số hộ dân có đất trồng cao su nhưng không có lao động trực tiếp chăm sóc, khai thác mủ cây thì không được hưởng chính sách theo quy định của chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Cao su Nam Giang (gọi tắt là Công ty Cao su Nam Giang). Vì thế, quyền lợi người dân đang bị ảnh hưởng, thậm chí họ không thể chuyển đổi mô hình sản xuất mới do trước đây đã thỏa thuận bàn giao đất cho phía công ty.
Tại Báo cáo số 397/BC-SCNG-QN ngày 10.8.2021, Công ty Cao su Nam Giang đề xuất, thời điểm tính tiền thuê đất được tính từ năm Nhà nước cấp sổ đỏ cho người dân. Công ty này lý giải, khi người dân chưa được cấp sổ đỏ nghĩa là chưa đầy đủ hồ sơ pháp lý, vì thế công ty không thể chi trả tiền cho người dân.
Tuy nhiên, theo ông Tơ Ngôl Với, nội dung đề xuất của Công ty Cao su Nam Giang như trên là chưa đúng theo Thông báo kết luận số 225/TB-UBND của UBND tỉnh, ghi rõ thời gian thuê được tính từ thời điểm xác lập thỏa thuận sử dụng đất giữa công ty với người dân.
“Trước đây, các hộ dân đã bàn giao đất cho công ty để trồng cây cao su. Vì thế, tiền thuê cũng phải được tính từ thời điểm bàn giao đất thì mới hợp lý và đảm bảo quyền lợi cho các hộ dân. Đơn giá 1 triệu đồng/năm/ha là phù hợp với đơn giá thuê đất của Nhà nước, nhưng trong trường hợp này phía công ty cũng nên thỏa thuận thống nhất với các hộ dân có đất cho thuê” - ông Với nói.
Thông báo số 225/TB-UBND ngày 16.6.2021 của UBND tỉnh nêu rõ, việc đo đạc lập hồ sơ cấp sổ đỏ cho các hộ trồng cây cao su phấn đấu hoàn thành trong năm 2022. Tuy nhiên, theo đề án đo đạc đất lâm nghiệp, tại Nam Giang vẫn còn 6 xã biên giới chưa triển khai, do đang vướng thực hiện một đề án khác của Bộ TN-MT. Vì thế, Nam Giang kiến nghị tỉnh thống nhất chủ trương cho phép lập thiết kế kỹ thuật - dự toán riêng để tiến hành đo đạc lập hồ sơ cấp sổ đỏ cho các hộ trồng cao su tại các xã biên giới Đắc Pre, Đắc Pring và La Dêê.
Gấp rút thủ tục cấp sổ đỏ
Ông A Viết Sơn - Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho hay, từ nhu cầu của người dân, giai đoạn 2021 - 2026, địa phương sẽ tiến hành đo đạc diện tích 10.686ha/5.243 sổ đỏ đất lâm nghiệp tại 6 xã, thị trấn với tổng kinh phí gần 11 tỷ đồng.
Nam Giang chọn xã Tà Bhing làm thí điểm, trước khi mở rộng quy mô triển khai tổng hợp số liệu diện tích đất để lập thiết kế - dự toán đo đạc lập hồ sơ cấp sổ đỏ cho các hộ dân. “Đến nay, chúng tôi đã lập hồ sơ sổ đỏ cho 1.020 hộ dân có đất trồng cây cao su với 1.197ha/1.764 thửa đất tại 9 xã, thị trấn. Sau thời gian triển khai, tổng diện tích đã đo đạc hơn 1.229ha” - ông Sơn cho biết.
Cho rằng vướng mắc trong giải quyết cơ chế chính sách rừng trồng cao su là “câu chuyện muôn thuở”, theo ông Nguyễn Bá Hùng - Tổng Giám đốc Công ty Cao su Nam Giang cần sự chia sẻ từ phía chính quyền địa phương và cộng đồng. Bởi thực tế, Công ty Cao su Nam Giang được hình thành và hoạt động tại Quảng Nam đã nhiều năm, theo chủ trương của tỉnh.
Quá trình hoạt động, phía công ty đã tổ chức họp dân để thống nhất thỏa thuận việc thuê đất, hỗ trợ kinh phí thuê đất với sự chứng kiến của chính quyền địa phương. Từ thời điểm đó đến nay, người dân tham gia chăm sóc, trồng cao su vẫn được hưởng lợi trực tiếp, đảm bảo quyền lợi theo quy định.
Vì thế, ông Hùng nói, vấn đề giá thuê đất, thời điểm thuê đất, thời gian thuê đất phải có cuộc họp thỏa thuận giữa doanh nghiệp với người dân, có sự chứng kiến của chính quyền huyện và xã. Trong đó, chính sách thực hiện thuê đất cần đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân, trên cơ sở đầy đủ thủ tục pháp lý, nhất là sổ đỏ của các hộ dân.
Tại buổi làm việc với huyện Nam Giang giải quyết các thủ tục về cấp sổ đỏ đất lâm nghiệp, đất trồng cây cao su mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu lưu ý Nam Giang cần phối hợp với các sở, ban ngành liên quan của tỉnh gấp rút hoàn thiện hồ sơ, lập các thủ tục cần thiết, sớm triển khai cấp sổ đỏ đất trồng cao su cho người dân. Bởi đây là cơ sở để người dân hưởng lợi từ việc cho doanh nghiệp thuê đất theo quy định của pháp luật.
Riêng giá thuê đất, thời điểm thuê đất cần phải thỏa thuận để có sự thống nhất, vừa đảm bảo quyền lợi cho người dân, vừa tạo điều kiện để doanh nghiệp duy trì phát triển, thu hút lao động, tạo việc làm cho chính người dân tại chỗ. Nam Giang cũng cần nghiên cứu tham mưu, chủ động trong việc chuyển đổi đất lâm nghiệp, phân loại cây trồng nông nghiệp phù hợp, nhất là giống cây bản địa chủ lực để mở rộng phát triển kinh tế…