Các địa phương miền núi khó hoàn thành tiến độ đo đạc, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) đối với diện tích trồng cây cao su vào cuối năm 2022 theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Điều này sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc thuê đất trồng rừng, hay người dân tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước.
Tại vùng cao Nam Giang, nhu cầu đo đạc, cấp sổ đỏ đất lâm nghiệp của người dân rất lớn. Qua rà soát, giai đoạn 2021 - 2026, 6 xã, thị trấn của huyện đăng ký đo đạc, cấp bìa đỏ đất lâm nghiệp với diện tích hơn 10.000ha. Tuy nhiên, địa phương này chọn xã Tà Bhing làm thí điểm trước khi mở rộng.
Theo UBND huyện Nam Giang, thời điểm này, ngành chức năng đã đo đạc, lập hồ sơ cấp sổ đỏ cho 1.020 hộ dân có đất trồng cây cao su với 1.197ha/1.764 thửa đất. Đây là diện tích UBND tỉnh giao cho các hộ dân trồng cây cao su trước đây. Do người dân chưa được cấp sổ đỏ nên Công ty Cao su Nam Giang thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam vẫn lúng túng trong ký hợp đồng thuê đất trồng cao su tại địa phương.
Về kinh phí đo đạc, cấp sổ đỏ đất trồng cây cao su cho dân, UBND tỉnh đề nghị UBND huyện Nam Giang phối hợp với các công ty cao su lập các dự án về đo đạc, cấp sổ đỏ cho các hộ dân trong khu vực trồng cao su trên địa bàn gửi Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam theo Thông báo số 225 ngày 16/6/2021 của UBND tỉnh để đề nghị tạm ứng. Giao Sở NN&PTNT theo dõi và có ý kiến với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.
Thông báo số 225 ngày 16/6/2021 của UBND tỉnh nêu rõ: Việc đo đạc lập hồ sơ cấp sổ đỏ cho các hộ trồng cây cao su phấn đấu hoàn thành trong năm 2022.
Tuy nhiên, theo đề án đo đạc đất lâm nghiệp, tại Nam Giang hiện còn 6 xã biên giới chưa triển khai hoàn thành việc đo đạc để cấp sổ đỏ cho dân. Còn tại huyện Tây Giang, theo thống kê, từ năm 2019 đến nay triển khai đo đạc 1.354ha đất cao su tại 6 xã vùng thấp.
Sau khi được Sở TN-MT phê duyệt và hoàn tất các thủ tục hồ sơ pháp luật về đất đai, Tây Giang đã cấp 499 sổ đỏ đất trồng cây cao su cho 499 hộ dân tại 2 xã A Vương, Bha Lêê, với tổng diện tích hơn 311ha.
Trước các kiến nghị của cử tri miền núi về tháo gỡ vướng mắc trong cấp sổ đỏ đất trồng cây cao su, ngày 11/11/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh ký văn bản trả lời ý kiến cử tri trong tỉnh, trước Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Theo đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện có trồng cao su căn cứ Đề án đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp sổ đỏ đất lâm nghiệp cho 9 huyện miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2026 đã được UBND tỉnh phê duyệt khẩn trương hoàn thành việc xây dựng và phê duyệt thiết kế kỹ thuật - dự toán chi tiết đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp sổ đỏ đất lâm nghiệp tổng thể trên địa bàn huyện sau khi có ý kiến thẩm định của Sở TN-MT.
Quảng Nam đã đề nghị Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cho UBND các huyện ứng kinh phí để thực hiện dự án nói trên. Sau này, khi thực hiện xong việc đo đạc, cấp sổ đỏ cho người dân trên địa bàn từng xã và được cấp kinh phí thực hiện theo Nghị quyết số 07 ngày 13/1/2021 của HĐND tỉnh, UBND các huyện sẽ thanh toán phần kinh phí tạm ứng cho tập đoàn nhằm đẩy nhanh tiến độ.
Trong khi đó, qua rà soát của các địa phương và Công ty TNHH MTV Nam Giang, tổng diện tích trồng cao su của người dân hơn 3.257ha. Đến nay một số địa phương tạm ứng ngân sách để đo đạc, như Tây Giang đo đạc xong 1.524ha, đã cấp sổ đỏ tại xã Bhalee, xã A Vương với diện tích hơn 397ha, còn lại 4 xã sẽ cấp sổ đỏ vào cuối năm nay.
Tại huyện Bắc Trà My đã đo đạc thôn 1, 2 xã Trà Giác với diện tích 106ha (diện tích cần đo đạc cấp sổ đỏ trên toàn huyện 454,7ha), diện tích còn lại hoàn thành trong quý III/2023. Còn huyện Phước Sơn diện tích cần đo đạc cấp sổ đỏ 81ha.