Cấp thiết bảo tồn giá trị lịch sử Hải Vân Quan

NGUYỄN THANH BÌNH 29/08/2018 06:51

Dự án Bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan sẽ góp phần bảo tồn giá trị lịch sử và một phần nghệ thuật quân sự của tiền nhân trong quá trình dựng nước và giữ nước, chứng tích những chiến công oanh liệt  trong 2 cuộc kháng chiến thần kỳ.

Lô cốt Mỹ, cổng Thiên hạ Đệ nhất hùng quan và cổng Hải Vân Quan (bên phải). Ảnh: N.T.B
Lô cốt Mỹ, cổng Thiên hạ Đệ nhất hùng quan và cổng Hải Vân Quan (bên phải). Ảnh: N.T.B

Thiên hạ Đệ nhất hùng quan

Trên độ cao 490m so mặt nước biển, đèo Hải Vân không chỉ là ranh giới giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và TP.Đà Nẵng, mà còn là một chứng tích hùng hồn cho thời kỳ “mang gươm mở cõi” của người Việt. Trước năm 1306, đèo Hải Vân thuộc Vương quốc Chămpa. Sau khi được vua Chế Mân cắt hai châu Ô, Lý làm sính lễ cầu hôn công chúa Huyền Trân, đèo Hải Vân trở thành biên giới giữa 2 nước Đại Việt và Chămpa. Từ năm 1471, vua Lê Thánh Tông thân chinh mở rộng bờ cõi về phía nam, đèo Hải Vân là ranh giới giữa 2 xứ Thuận Hóa - Quảng Nam. Từ đây, đèo Hải Vân trở thành một vị trí hiểm yếu, có tầm chiến lược hết sức quan trọng trên con đường thiên lý bắc - nam.

Nhận thức rõ điều này, năm 1826, vua Minh Mạng cho xây dựng một cửa quan ở đỉnh núi Hải Vân “ngạch trước viết 3 chữ Hải Vân Quan, ngạch sau viết 6 chữ Thiên hạ Đệ nhất hùng quan… Hai bên tả hữu cửa quan xếp đá làm tường, trước sau liền nhau”. Phái biền binh 4 đội Hữu sai và 2 đội Ứng sai chở 5 cỗ súng quá sơn bằng đồng, 200 ống súng phun lửa, 100 cây pháo thăng thiên và thuốc đạn theo viên tấn thủ đóng giữ. Năm 1836, đặt 2 viên phòng thủ úy mỗi tháng thay đổi một lần, 15 ngày thay đổi biền binh; lại cấp cho ống nhòm để xem, thuyền nước ngoài vào cửa biển Đà Nẵng thì phải báo trước. Hải Vân Quan do chính viên Đề đốc Kinh thành quản lý, đồng thời khuyến khích dân cư đến sinh sống từ chân núi đến đỉnh đèo.

Tuyến phòng ngự này ngày càng được tăng cường củng cố khi Đà Nẵng bị phương Tây nhòm ngó. Tháng 8.1848, vua Tự Đức cho đắp thêm pháo đài ở cửa ải. Sau đó, đặt thêm 7 cỗ thần công để phòng thủ. Năm 1858, liên quân Pháp - Tây Ban Nha tấn công đồn Chân Sảng ở phía nam chân đèo Hải Vân nhằm tiến quân ra Kinh đô Huế nhưng đã thất bại. Sau khi chiếm được Việt Nam, bên cạnh việc xây dựng tuyến đường bộ và đường sắt qua đèo Hải Vân, Pháp còn cho xây dựng trên nóc Hải Vân Quan một lô cốt để dễ bề kiểm soát mọi hoạt động. Năm 1947 nơi đây đã ghi dấu chiến công của Trung đoàn 108 Vệ quốc quân khi tiêu diệt Trung đoàn cơ giới Pháp tại chân cầu Roger ở phía bắc đèo Hải Vân. Ngày 6.7.1954, trên đèo Hải Vân, dưới sự chỉ huy của người anh hùng Bùi Chát, các chiến sĩ công binh đã đặt mìn lật nhào đoàn tàu 6 toa, trong đó có 600 lính Pháp mới được đưa sang. Sự kiện này đã khiến thực dân Pháp ở Đà Nẵng treo cờ rủ. Đêm 30 rạng sáng mồng Một Tết Mậu Thân 1968, Tiểu đoàn Đặc công 487 Quảng Đà đã tập kích Đồn Nhất, đồng thời đánh sập dàn tên lửa Tomahawk của Mỹ án ngữ tại đèo Hải Vân khiến chúng kinh hoàng…

Bảo tồn giá trị lịch sử

Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở VH-TT TP.Đà Nẵng cho hay, dự án Bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích quốc gia Hải Vân Quan do Sở VH-TT TP.Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế đồng chủ trì đang khẩn trương xây dựng hoàn chỉnh. Giải pháp là phục hồi toàn bộ di tích Hải Vân Quan theo mặt bằng kiến trúc thời nhà Nguyễn với chức năng như một pháo đài quân sự đặc biệt. Theo đó, sẽ tháo dỡ những kiến trúc xây mới trên nóc 2 cổng cũng như các công trình bên trong khu di tích. Phục dựng hệ thống trường thành, các ụ súng thần công, bậc cấp, đường đi qua 2 cổng. Nghiên cứu phục hồi kiến trúc nhà Trú Sở và Vũ Khố làm nơi đón tiếp khách tham quan và thiết kế trưng bày bảo tàng giới thiệu lịch sử hình thành và biến đổi của di tích. Cũng cần nghiên cứu, bảo tồn và tôn tạo các lô cốt, hầm ngầm thời Pháp, Mỹ xem như chiến tích lên án chiến tranh và phản ánh sinh động những giai đoạn biến đổi qua các thời kỳ lịch sử của di tích.  Theo đó, khái toán tổng mức đầu tư tôn tạo di tích Hải Vân Quan hơn 39 tỷ đồng.

Ngày 25.8 vừa qua, Bảo tàng Lịch sử quốc gia  phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế và Sở Văn hóa - thể thao TP.Đà Nẵng đã báo cáo sơ bộ kết quả khai quật di tích Hải Vân Quan từ tháng 4.2018 đến nay. Với diện tích gần 900m2 thám sát và khai quật, kết quả đã làm xuất lộ hoàn toàn các dấu tích nền móng cấu trúc còn lại của di tích Hải Vân Quan thời nhà Nguyễn. Cụ thể, cổng Thiên hạ Đệ nhất hùng quan bị vùi lấp mất phần chân móng nên không xác định rõ quy mô, kết cấu bậc cấp và lối đi vào cổng. Tuy nhiên, với kết quả khai quật, ở độ sâu 1,4m, mọi dấu tích đã được xuất lộ. Qua đó, xác định phần chân móng cũng được bó đá Thanh hình khối hộp chữ nhật (giống với cổng Hải Vân Quan phía nam). Kích thước cổng rộng 7,9m, cao 6,52m, dày 4,79m; vòm cổng rộng 3,47m, cao 4,55m. Nền cổng lát đá sa thạch. Trước cổng có khoảng sân rộng 7,9m, dài 7,1m  đầm chặt bằng đất cát và đá núi nhỏ, mặt sân bằng vữa hàu truyền thống.

Phía trước nền sân là đường thiên lý từ Kinh đô Huế vào cổng Thiên hạ Đệ nhất hùng quan, chạy men theo hướng đông bắc lên sườn núi phía tây ngọn Hải Vân Sơn. Cách cổng này 300m về phía đông bắc, còn phát hiện dấu tích đường thiên lý từ Kinh đô Huế về Hải Vân Quan qua cổng Thiên hạ Đệ nhất hùng quan rộng từ 2,6 - 2,8m, men theo sườn núi. Phía trong, cổng Thiên hạ Đệ nhất hùng quan dấu tích bậc cấp đi từ cổng Hải Vân Quan, khởi thủy bằng đá núi, dài 7,4m, rộng 5,5m, gồm 10 bậc, mỗi bậc rộng 0,7m. Đáng mừng, cổng Hải Vân Quan vẫn còn giữ nguyên kết cấu, với kích thước cao 6,45m rộng 7,9m và lòng rộng 3,48m, được xây cuốn vòm bằng gạch vồ, chân bó đá Thanh, nền lát đá sa thạch. Trong giai đoạn quân đội Pháp, Mỹ đồn trú nơi đây, ngoài việc xây thêm kiến trúc trên phần nóc cổng, hệ thống bậc cấp trước cổng cũng đã bị xẻ đôi và đào phá tạo lối đi mới lên ngọn Hải Vân Sơn. Từ những dấu tích xuất lộ có thể xác định bậc cấp rộng 8,6m bằng đá núi, nối với đường thiên lý từ Hải Vân Quan đi về phía nam men theo hướng đông nam, chạy theo sườn núi phía nam ngọn Hải Vân Sơn xuống vịnh Đà Nẵng (khu vực làng Vân hiện nay).

Từ kết quả khảo cổ cho thấy, với vai trò là một lũy thành phòng thủ, kiểm soát an ninh qua lại đường thiên lý bắc - nam cũng như các tàu thuyền trên biển, từ cổng Hải Vân Quan đến Thiên hạ Đệ nhất hùng quan được xây dựng một hệ thống tường thành khép kín, bao bọc toàn bộ khu di tích rộng lớn hơn hiện trạng. Tường thành được xây theo kết cấu “thượng thu  hạ thách”, chân móng rộng 2,2m, thân tường rộng 1,9m, cao 2,3 - 2,4m được xếp bằng đá núi, khít mạch, gồm 5 đoạn; trong đó đoạn phía bắc từ Hải Vân Quan đến Thiên hạ Đệ nhất hùng quan được xây gấp nếp gấp khúc tạo thành góc tù chứ không phải hình vòng như hiện trạng, dài nhất 44m.

Thời gian từ 1946 - 1975, quân đội Pháp, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đồn trú tại di tích đã xây dựng mới tại đây hệ thống nhà ở, đồn bốt, lô cốt, công sự… làm thay đổi hoàn toàn bố cục mặt bằng nguyên gốc của di tích Hải Vân Quan. Trong đó, rõ nhất tại cổng Hải Vân Quan và Thiên hạ Đệ nhất hùng quan đã bị xây mới thêm phần kiến trúc trần bê tông phía trên. Các đoạn tường thành 2 bên cổng Hải Vân Quan bị triệt giải, hạ thấp độ cao hoặc xây mới. Các ụ súng thần công bị phá bỏ để xây dựng các công trình mới, chồng đè lên trên. Khu vực nhà Trú Sở, Vũ Khố và nhiều đoạn tường thành, đường đi, bậc cấp… bị triệt giải. Ngoài ra, xung quanh Hải Vân Quan, quân đội Mỹ đã xây thêm 5 chiếc lô cốt tại các vị trí xung yếu để bảo vệ cứ điểm này.

NGUYỄN THANH BÌNH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cấp thiết bảo tồn giá trị lịch sử Hải Vân Quan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO