Gấp rút hoàn thiện, triển khai một số nhiệm vụ cấp thiết, từng bước xây dựng, kiện toàn hệ thống chính quyền điện tử (CQĐT) Quảng Nam trong giai đoạn 2016 - 2020 là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh tại buổi làm việc với Sở TT&TT mới đây.
Chưa đáp ứng yêu cầu
Những năm qua, nền công nghệ thông tin (CNTT) Quảng Nam đã từng bước vượt khó, gặt hái được những kết quả bước đầu. Cụ thể, Quảng Nam đứng vị trí 25 trong bảng xếp hạng ICT index (chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT); đứng thứ 35 trong bảng xếp hạng PAR (chỉ số cải cách hành chính) và đứng thứ 14 bảng xếp hạng PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) của cả nước. Tuy nhiên, trong lộ trình xây dựng CQĐT theo Nghị quyết 36a của Chính phủ về xây dựng Chính phủ điện tử, nền CNTT Quảng Nam đứng trước nhiều khó khăn lớn như: nền CNTT đi lên từ xuất phát điểm thấp, nguồn lực đầu tư hạn chế; mạng lưới hạ tầng CNTT phần lớn được đầu tư từ Đề án 112 đến nay đã xuống cấp, lạc hậu; sự thiếu hụt đội ngũ cán bộ chuyên trách và chuyên gia CNTT. Bên cạnh đó, sự hạn chế về năng lực, trình độ ứng dụng CNTT của đội ngũ cán bộ, doanh nghiệp và người dân là rào cản không nhỏ trong thực hiện cải cách hành chính, triển khai dịch vụ công trực tuyến…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh làm việc với Sở TT&TT về dự án xây dựng chính quyền điện tử. Ảnh: HOÀNG LIÊN |
Theo ông Phạm Hồng Quảng - Giám đốc Sở TT&TT, toàn bộ ứng dụng của tỉnh (Portal tỉnh, website các đơn vị, Q-Office, một cửa điện tử, dịch vụ công trực tuyến, cơ sở dữ liệu chuyên ngành) hiện hosting tại Trung tâm CNTT Quảng Nam. Song hệ thống server của trung tâm do đầu tư đã lâu, cũ và quá tải, đường truyền tốc độ chậm, chưa có thiết bị dự phòng, tính bảo mật thấp nên hệ thống không thể đáp ứng được nhu cầu phát triển CNTT, cũng như kế hoạch triển khai CQĐT của tỉnh. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến toàn tỉnh do trang bị đã lâu, thiết bị cũ, MCU bị hỏng, cần thiết phải nâng cấp… Đề cập những hạn chế, yếu kém về hạ tầng, mạng lưới, thiết bị CNTT, ông Phạm Hồng Quảng lý giải: cùng với sự phát triển, do một bên là nhu cầu và mức độ ứng dụng CNTT ngày càng cao, trong khi phần lớn hệ thống, thiết bị đã cũ, quá tải, cơi nới nhiều lần. Kinh phí đầu tư cho ứng dụng CNTT chưa tương xứng với lợi ích mang lại. Năm 2014 - 2015, mức đầu tư cho ứng dụng CNTT của tỉnh là 2 tỷ đồng/năm, trong khi những năm trước hầu như không có. Trung tâm dữ liệu (Data center) chủ yếu mang tính kế thừa, tận dụng, chưa có đầu tư. “Nguồn lực đầu tư dịch vụ công trực tuyến của tỉnh là 500 triệu đồng/lõi, trong khi các địa phương khác rất cao. Mỗi năm, kinh phí đào tạo nhân lực của tỉnh là 20 triệu đồng/2 lớp/năm, trong khi các địa phương khác là con số hàng tỷ đồng” - ông Quảng nói.
Xây dựng chính quyền điện tử
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh, cần thiết phải đào tạo, xây dựng đội ngũ CNTT chuyên sâu, lực lượng này đóng vai trò nòng cốt tìm tòi, nghiên cứu, phát triển để đưa nền CNTT Quảng Nam thoát khỏi tình trạng lạc hậu hiện nay. Đặc biệt, trong bối cảnh an ninh mạng cực kỳ phức tạp, ẩn chứa nhiều rủi ro, cần xây dựng hệ thống và nguồn nhân lực làm tốt công tác bảo mật, ứng phó sự cố mạng. |
Hiện dự án “Chính CQĐT tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2016 - 2020” đã được Bộ Kế hoạch & đầu tư thẩm định với tổng nguồn vốn dự kiến là 45 tỷ đồng. Dự án được HĐND tỉnh thống nhất chủ trương, đang hoàn thiện trình UBND tỉnh phê duyệt. Theo ông Trương Thái Sơn - Trưởng phòng CNTT (Sở TT&TT), bám sát tinh thần Nghị quyết 36a của Chính phủ, dự án xây dựng CQĐT Quảng Nam được xây dựng với 3 hạng mục chính về hạ tầng thông tin, ứng dụng CNTT trong quản lý, đào tạo cán bộ và chuyên gia CNTT. Trọng điểm là 8 nhóm công việc cần được triển khai trong giai đoạn 2016 - 2020 như xây dựng trung tâm dữ liệu và hệ thống bảo mật; nâng cấp hệ thống hội nghị truyền hình; nâng cấp hệ thống mạng WAN; xây dựng ISO điện tử, email công vụ, nâng cấp cổng thông tin điện tử tỉnh. Hai hạng mục xây dựng khung kiến trúc nền tảng và trục tích hợp hệ thống ứng dụng chính phủ điện tử theo hướng chuẩn mở của tỉnh và đào tạo chuyên gia CNTT sẽ được tập trung đầu tư xuyên suốt giai đoạn 2016 - 2020. Cũng theo ông Sơn, dự án này đặt ra mục tiêu là toàn tỉnh có 100% cán bộ công chức cấp tỉnh, huyện sử dụng email công vụ đến năm 2020. Hệ thống CQĐT tỉnh (Qnam eGov Framework) được hoàn thiện làm nền tảng cho việc phát triển ứng dụng CNTT tại các ngành, địa phương, đảm bảo tính liên thông, tích hợp, kế thừa. Việc liên thông phần mềm quản lý văn bản từ tỉnh đến xã, tỉnh lên trung ương được kiện toàn, cho phép gửi nhận văn bản điện tử giữa các đơn vị, tích hợp chữ ký số. Toàn tỉnh cung cấp tối thiểu 300 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 theo Quyết định số 3605/QĐ-UBND giai đoạn 2016 -2020. Giai đoạn này, khoảng 150 cán bộ CNTT, 50 chuyên gia CNTT sẽ được đào tạo.
Về dự án xây dựng CQĐT, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh yêu cầu Sở TT&TT và các ban ngành sớm hoàn thiện dự án, trình UBND tỉnh trong quý I.2016. Việc xây dựng dự toán chi tiết về dự án phải sát thực tế, phải phù hợp với nguồn lực của tỉnh. Cần có kế hoạch chuẩn bị đấu thầu, phải có hàng rào kỹ thuật để lựa chọn những nhà thầu đủ tiêu chuẩn, có uy tín. Nhấn mạnh tầm quan trọng của xây dựng CQĐT, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh chỉ đạo: xây dựng CQĐT là cấp thiết, đặc biệt trong xu hướng hội nhập. Muốn đẩy mạnh cải cách hành chính, phải làm tốt CQĐT, đẩy mạnh “1 cửa điện tử”, dịch vụ công trực tuyến. Để làm được điều đó, phải đầu tư hạ tầng CNTT, từ nâng cấp serve cho tới đường truyền, đặc biệt chú trọng an ninh mạng. Tuy nhiên, việc nâng cấp hay thay mới cần phải có lộ trình, tránh tình trạng sửa lại, vừa tốn kém, vừa thiếu hiệu quả. Việc đầu tư phần mềm phải chuyên sâu, tương thích từ tỉnh, huyện, xã tới trung ương. Để tiết kiệm chi phí, tránh khỏi sự lạc hậu về hạ tầng, thiết bị CNTT, cần nghiên cứu hướng thuê dịch vụ hạ tầng kỹ thuật, đây cũng là xu hướng nhiều quốc gia đang hướng tới.
HOÀNG LIÊN