Cấp xã sẽ có nhân viên thú y

HÀN GIANG 15/07/2022 09:06

Tại Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khóa X sắp tới (dự kiến khai mạc ngày 18.7), UBND tỉnh có tờ trình đề nghị bãi bỏ chức danh “Phó Trưởng Công an” và bổ sung chức danh “Nhân viên thú y” vào khung chức danh người hoạt động không chuyên trách cấp xã.

Công an tỉnh Quảng Nam đã thực hiện xong đề án đưa công an chính quy về công tác tại xã, thị trấn. Trong ảnh: Lực lượng Công an xã Tam Dân (Phú Ninh) hướng dẫn và thực hiện thủ tục cấp đăng ký xe máy cho người dân. Ảnh: N.Đ
Công an tỉnh Quảng Nam đã thực hiện xong đề án đưa công an chính quy về công tác tại xã, thị trấn. Trong ảnh: Lực lượng Công an xã Tam Dân (Phú Ninh) hướng dẫn và thực hiện thủ tục cấp đăng ký xe máy cho người dân. Ảnh: N.Đ

Bãi bỏ vì không còn phù hợp

Chức danh “Phó Trưởng Công an” nằm trong khung 14 chức danh người hoạt động không chuyên trách (NHĐKCT) cấp xã được quy định tại khoản 2, Điều 2 Nghị quyết số 12 ngày 3.10.2019 của HĐND tỉnh quy định số lượng, chức danh, mức phụ cấp, phụ cấp kiêm nhiệm đối với NHĐKCT ở cấp xã; chế độ hỗ trợ thôi việc đối với NHĐKCT cấp xã dôi dư trên địa bàn tỉnh Quảng Nam (gọi chung Nghị quyết 12).

Về cơ sở để bãi bỏ ra khỏi khung chức danh NHĐKCT cấp xã đối với chức danh “Phó Trưởng Công an” và bổ sung chức danh “Nhân viên thú y”, theo UBND tỉnh, thực hiện Nghị định số 42 ngày 31.3.2021 của Chính phủ và trên thực tế Công an tỉnh đã thực hiện xong việc xây dựng tổ chức chính quy đối với 216/216 công an xã, thị trấn.

Do vậy, việc quy định chức danh “Phó Trưởng Công an” vào khung chức danh NHĐKCT cấp xã không còn phù hợp. Bên cạnh đó, theo khoản 2, Điều 6 Luật Thú y năm 2015 và khoản 1, Điều 5 Nghị định số 35 ngày 15.5.2016 của Chính phủ, nhân viên thú y được hưởng chế độ phụ cấp, bảo hiểm y tế như NHĐKCT cấp xã theo quy định hiện hành.

Báo cáo của các địa phương cho biết, đến tháng 5.2022, tại 238/241 xã, phường, thị trấn có bố trí người làm việc ở vị trí nhân viên thú y. Nhiệm vụ của nhân viên thú y tiềm ẩn nhiều rủi ro cũng như nguy cơ cao bị tai nạn nghề nghiệp do tiếp xúc các loại động vật, mầm bệnh thường có sẵn trong môi trường chăn nuôi, vật nuôi, có khả năng lây truyền từ động vật sang người (cúm gia cầm, dại, liên cầu khuẩn lợn, xoắn khuẩn...).

Đồng thời nhân viên thú y được giao tham mưu UBND cấp xã thực hiện quản lý nhà nước về chăn nuôi, vì nội dung công tác chăn nuôi - thú y có liên quan mật thiết với nhau. Tuy nhiên, chế độ đối với nhân viên thú y thấp, nhiều địa phương vẫn còn hợp đồng với hệ số 1,0 mức lương cơ sở (không có bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế)…

Đảm bảo chế độ cho đối tượng

Thời gian qua, để hoàn thành nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh động vật, phát triển chăn nuôi trên địa bàn quản lý theo quy định của Luật Thú y, Luật Chăn nuôi, UBND cấp huyện và các cơ quan chức năng liên quan cùng cấp đã chủ động chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp xã vận dụng các nguồn kinh phí để hợp đồng với nhân viên thú y - với mức phụ cấp hằng tháng bằng mức phụ cấp đối với NHĐKCT cấp xã là 1,85/người/tháng.

Song trên thực tế chính quyền và cơ quan chức năng cấp huyện cũng đang gặp nhiều lúng túng trong việc chi trả kinh phí hợp đồng nhân viên thú y, vì chưa có văn bản của tỉnh quy định về bố trí nhân viên thú y xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Từ thực tế nêu trên, UBND tỉnh đề nghị HĐND tỉnh xem xét sửa đổi Điều 2 Nghị quyết số 12 của HĐND tỉnh theo hướng bãi bỏ chức danh “Phó Trưởng Công an” và bổ sung chức danh “Nhân viên thú y” vào khung chức danh NHĐKCT cấp xã cho phù hợp, cũng như đảm bảo chế độ cho đối tượng làm công tác thú y trên địa bàn tỉnh.

Bà Trần Thị Kim Hoa - Giám đốc Sở Nội vụ nói, việc bố trí chức danh “Nhân viên thú y” không làm thay đổi số lượng NHĐKCT hiện có quy định tại Điều 2 Nghị quyết số 12 của HĐND tỉnh. Do đó, không làm tăng khoản chi từ ngân sách tỉnh. Trong trường hợp bố trí nhân viên thú y dẫn đến NHĐKCT cấp xã dôi dư phải thôi việc thì thực hiện chế độ hỗ trợ quy định Điều 3 của nghị quyết này.

Báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế HĐND tỉnh nhận định, việc thay đổi chức danh như đề nghị của UBND tỉnh là cần thiết, phù hợp với tình hình thực tế, chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy và đúng thẩm quyền HĐND tỉnh theo quy định pháp luật. Đồng thời lưu ý, chế độ hỗ trợ dôi dư quy định tại Điều 3 Nghị quyết số 12 của HĐND tỉnh chỉ áp dụng đối với 3 trường hợp đã được quy định cụ thể.

Và qua khảo sát thực tế, tại một số địa phương vẫn còn bố trí các chức danh khác ngoài khung chức danh NHĐKCT cấp xã quy định tại Nghị quyết số 12 (như chức danh “Phó ban Nông nghiệp”…).

Do đó, ông Hà Đức Tiến - Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương thực hiện đúng quy định về NHĐKCT cấp xã; đồng thời tổ chức đánh giá các nghị quyết của HĐND tỉnh có liên quan đến chức danh khác ở xã ngoài chức danh được quy định tại Nghị quyết số 12. Trên cơ sở đó, tổng hợp đề xuất chế độ dôi dư (nếu có) phù hợp, trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cấp xã sẽ có nhân viên thú y
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO