"Cất" biên chế giáo viên

XUÂN PHÚ 31/08/2018 01:47

Chưa sử dụng hết chỉ tiêu biên chế giáo dục được tỉnh giao, nhưng một số địa phương lại “cất” chỉ tiêu, không đưa vào kế hoạch thi tuyển mà hợp đồng giáo viên (GV). Vì sao có tình trạng này?

Giáo viên bậc THPT trúng tuyển năm 2017 tự chọn trường.
Giáo viên bậc THPT trúng tuyển năm 2017 tự chọn trường.

Thi xong vẫn thiếu

Năm 2017, UBND tỉnh tổ chức 2 đợt thi tuyển viên chức giáo dục. Qua đó, đã bổ sung cho các địa phương hơn 1.300 GV các bậc học mầm non, tiểu học và THCS. Ngày 20.3.2018, UBND tỉnh mới có quyết định phê duyệt kết quả đợt 2 năm 2017. Những tưởng việc bổ sung một số lượng lớn GV như vậy đã giúp cho đội ngũ của ngành GD-ĐT ổn định thì gần như ngay sau đó, khi vừa kết thúc năm học 2017 - 2018, hầu hết địa phương đều than thiếu GV và đề nghị tỉnh bổ sung với số lượng lên đến 1.200 người. Tuy nhiên, thực tế thì đây không phải là thiếu GV mà là chưa sử dụng hết chỉ tiêu biên chế được giao và tại các địa phương đều đang hợp đồng GV trong chỉ tiêu biên chế còn lại.

Câu hỏi đặt ra là tại sao các địa phương chưa sử dụng hết chỉ tiêu biên chế được giao cho dù tỉnh đã tổ chức 2 đợt thi tuyển viên chức giáo dục? Điều lạ hơn nữa, dù vẫn còn chỉ tiêu biên chế, song tại các đợt thi tuyển viên chức giáo dục năm 2017, một số địa phương lại đề nghị chỉ tiêu tuyển dụng khá ít. Đơn cử như TP.Hội An - địa phương hiện có số biên chế chưa sử dụng nhiều nhất với 239 chỉ tiêu nhưng chỉ tiêu tuyển dụng trước đó chỉ 17 người và nay tiếp tục đề nghị 105 chỉ tiêu. Tiếp đến là các huyện Thăng Bình, Đại Lộc cũng còn thừa 150 - 200 chỉ tiêu biên chế nhưng chỉ tiêu đề nghị tuyển dụng sắp tới cũng khá ít.

Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An - Nguyễn  Văn Sơn cho biết, năm học qua địa phương hợp đồng 233 GV mầm non, tiểu học, THCS và tất cả đều được đóng bảo hiểm xã hội. Giải thích vì sao chỉ tiêu biên chế chưa sử dụng hết còn khá nhiều nhưng chỉ tiêu tuyển dụng của địa phương năm 2017 lại khá ít, ông Sơn cho rằng “nguyên nhân là nhiều GV hợp đồng ngại không đăng ký đi thi vì sợ nếu không trúng tuyển sẽ mất chỗ dạy”! Cũng có những nguyên nhân khác như số lượng học sinh tăng, GV nghỉ hưu nhiều song kế hoạch thi tuyển lại không thể tính số này. Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn - Nguyễn Xuân Hà cho hay, năm học mới 2018 - 2019 địa phương thiếu 109 GV bậc tiểu học vì qua 2 lần thi trước đây đều tuyển không đủ chỉ tiêu và số học sinh tăng nhanh. Còn theo ông Trần Ngọc Sơn - Trưởng phòng GD-ĐT TP.Tam Kỳ, những năm trước, số lượng lớp, học sinh tăng và thành phố đã đề nghị tỉnh bổ sung chỉ tiêu biên chế nhưng không được đồng ý. Riêng năm học này số lượng học sinh tiếp tục tăng, nhất là tiểu học tăng hơn 300 em. Do đó, địa phương càng khó khăn hơn về đội ngũ. “Để đáp ứng yêu cầu giảng dạy, năm qua thành phố cũng đã hợp đồng 40 GV đứng lớp” - ông Sơn nói.

Không “cất” biên chế

“Tôi nhớ vừa mới ký quyết định phê duyệt kết quả thi viên chức giáo dục mà nay lại bảo thiếu 1.200 GV và đề nghị tuyển thêm. Thế nhưng thực tế đâu có phải thiếu 1.200 GV, vì hiện nay ở dưới các địa phương vẫn đang hợp đồng GV để giảng dạy. Các anh “cất” biên chế, không cho người ta đi thi chứ phải thiếu đâu! Như vậy, năm học 2018 - 2019 theo báo cáo cả tỉnh chỉ thiếu cục bộ 237 GV do số lượng học sinh tăng còn đã có 1.200 GV hợp đồng”.
(Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu phát biểu tại buổi làm việc với 6 huyện, thị xã, thành phố về tình hình đội ngũ GV hôm 6.8).

Theo chủ trương của tỉnh, học kỳ 1 năm học 2018 - 2019 sẽ tiếp tục tổ chức thi tuyển cạnh tranh để tuyển dụng GV các cấp học đối với số chỉ tiêu biên chế chưa sử dụng hết, căn cứ trên nhu cầu của ngành. Dù vậy, vấn đề mà nhiều người băn khoăn là liệu có lặp lại tình trạng “cất” biên chế như vừa qua và có nảy sinh việc khiếu nại khi một số GV không trúng tuyển bị cắt hợp đồng? Theo Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An Nguyễn Văn Sơn, đây là cơ hội cuối cùng cho GV hợp đồng để tham gia thi tuyển vào biên chế vì tỉnh không cho hợp đồng nữa. Ông Sơn nói: “Sắp tới thành phố sẽ tạo điều kiện cho tất cả GV hợp đồng đi thi và đề nghị tỉnh nên có chính sách ưu tiên cho họ. Nếu trúng tuyển, các thầy cô tiếp tục giảng dạy, còn không thì phải chấp nhận nghỉ”. Ông Sơn còn cho biết, thành phố đã giao Phòng GD-ĐT có trách nhiệm trao đổi, làm công tác tư tưởng cho những GV hợp đồng hiểu và chia sẻ. Thật ra, cơ hội việc làm ở Hội An khá nhiều. GV mầm non nếu nghỉ hợp đồng có thể tham gia giảng dạy tại các cơ sở ngoài công lập.

Theo ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT, tỉnh tổ chức thi tuyển dựa trên nhu cầu của các địa phương về chỉ tiêu, cấp học, môn học. So với chỉ tiêu các địa phương đề xuất của đợt thi tuyển tổ chức cuối năm 2017, kết quả trúng tuyển gần 100%. Điều này cho thấy, việc còn nhiều chỉ tiêu biên chế chưa sử dụng hết là do các địa phương không đăng ký thi. Nhắc lại vụ “110 GV bậc THPT” trước đây, ông Quốc đề nghị các địa phương cần nghiên cứu hình thức hợp đồng GV và sử dụng hết chỉ tiêu biên chế cho đợt thi tuyển sắp tới. “Trước hết các địa phương phải rà soát lại để xác định nhu cầu GV cho chính xác, hợp lý trên cơ sở số lượng lớp, học sinh và việc sắp xếp mạng lưới trường học, tinh giảm đội ngũ theo chủ trương của tỉnh” - ông Quốc lưu ý. Liên quan đến kiến nghị của một số địa phương tổ chức tuyển dụng theo hướng xét tuyển đặc cách hoặc thi tuyển có ưu tiên cho GV hợp đồng, ông Lưu Tấn Lại - Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho rằng, theo Luật Viên chức phải thi tuyển cạnh tranh chứ không xét đặc cách hoặc chính sách ưu tiên trong thi tuyển.

XUÂN PHÚ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Cất" biên chế giáo viên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO