Trong truyện Chí Phèo kinh điển mà nhiều thế hệ học sinh đều học qua, có một chi tiết rất… tội nghiệp, mà cũng rất đặc trưng tâm lý dân Việt mình. Ấy là đoạn mở đầu, anh Chí xuất hiện xẹo xọ trên đường làng, say quắc cần câu và ảnh “vừa đi vừa chửi”. Ảnh chửi đủ thứ hết, trên trời dưới đất. Rồi ảnh chửi “cả làng Vũ Đại”. Nhưng dân làng chẳng ai tức tối mà phản ứng gì cả. Bởi họ biết ảnh say, và họ nghĩ “chắc nó chừa mình ra”.
Ấy, cái “chắc nó chừa mình ra” đó, thực ra là một thứ tâm lý chung. Nhất là khi người ta phải đối diện với những tai ương mà chưa biết hành xử thế nào cho phải. Đọc báo thấy tin về tai nạn giao thông, những con số thương vong vì bệnh tật, thiên tai, nhân họa vv… ở nơi này nơi kia, người ta ít khi nhìn thấy ở đó sự đe dọa trực tiếp với mình. Người ta không nghĩ, một xác suất tình cờ thì có thể rớt vào bất cứ ai. Người ta thích nghĩ, nó chừa mình ra, chắc còn lâu mới đụng đến mình…, đại khái vậy. Nói, đó là cái tính lạc quan tự nhiên của con người, cũng đúng. Nhưng nói một cách khác, có lẽ cũng không quá xa sự thực. Ấy bởi người ta thiếu mất cái cảm thức liên đới nhân quần trong suy nghĩ, nên khó thể nhìn một sự việc mà đặt mình vào, để hành xử cho rõ bề trách nhiệm.
Như chuyện Covid-19. Mới hai ba ngày trước, cả nước đang yên lành chuẩn bị bước ra khỏi cơn đại dịch đang hoành hành khắp thế giới. Lòng người đang êm đềm trễ nãi chuyện ngăn ngừa, guồng sinh hoạt xã hội đang chuẩn bị trở lại sôi động. Thì đùng một cái, ca nhiễm số 17, rồi liên tiếp đến 18, 19, 21, 30… Cú sốc làm cả thiên hạ nháo nhào đối diện với mối nguy bùng phát còn ghê gớm hơn 16 ca bệnh đầu tiên. Đã có lời đồn đại về những người trốn cách ly, đang đêm túi nhỏ hòm to di tản. Đã thấy đây đó, người ta chen chúc nhau mua đồ dự trữ, các kệ hàng siêu thị sạch trơn. Đồng thời là những cơn lên đồng chửi rủa các bệnh nhân đem vận xui từ trời Âu về, nháo nhác cập nhật từng bước khoanh vùng, nhận diện và cách ly những người mang nguy cơ lây nhiễm…
Đây chính là lúc mỗi người nên lắng lại, nhận diện cái nỗi lo âu vừa bị kích lên vì những tin tức bất ngờ và giật gân. Để đặt mình vào vị trí của người bị nhiễm hoặc chưa bị nhiễm bệnh. Để thấy rằng, dù trong trường hợp nào, thì bình tĩnh ở yên là điều tốt nhất trong hoàn cảnh này. Ở yên, để chặn đứng sự lây nhiễm cho người khác, hoặc để không tiếp xúc với nguồn bệnh từ nơi khác. Ở yên, để con số nhiễm bệnh tiềm tàng tự dừng lại. Một khi hạn chế được số ca nhiễm, sự chữa trị sẽ phát huy được tối ưu, tỷ lệ nguy hiểm sẽ giảm xuống.
Cần hiểu rằng Covid-19 gây chết người không phải vì nó ghê gớm, mà vì sự lây lan khiến số người nhiễm vượt quá tầm đáp ứng của hạ tầng y tế. Sức mạnh của con virus là nhân lên số người nhiễm bệnh, thì lẽ nào những con người đầy lý trí như chúng ta không thể chặn đứng nó bằng cách cắt đứt cơ hội lây nhiễm của nó? Lẽ nào, chỉ vì lo âu mà đem dâng cả an toàn của bản thân và cộng đồng cho “cái đồ dịch vật” đó?