Dự kiến năm 2020 sẽ hụt thu lớn. Không còn cách nào khác, Quảng Nam buộc phải lên kế hoạch cắt giảm chi tiêu thường xuyên lẫn đầu tư phát triển để có thể cân đối ngân sách. Vấn đề này đã được thảo luận tại kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 15 diễn ra vào hôm qua 21.4.
Thu ngân sách giảm sâu
Thống kê của UBND tỉnh cho thấy tổng thu nội địa (không bao gồm tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết, phí tham quan, phí bảo vệ môi trường) 3 tháng qua chỉ khoảng 3.460 tỷ đồng. Con số này chỉ đạt 18,5% dự toán, thấp hơn tiến độ thu (chỉ bằng 75% so cùng kỳ năm trước).
Thu ngân sách ngày càng sụt giảm khi thu nội địa tháng 3 chỉ khoảng 950 tỷ đồng (bằng 55% tiến độ thu bình quân tháng dự toán) và đến ngày 20.4, số thu của tháng 4 chỉ khoảng 141 tỷ đồng.
Các nguồn thu chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu nội địa ngày càng “ảm đạm” hơn khi chỉ thu từ Trường Hải 1.537 tỷ đồng (đạt 18% dự toán, bằng 51,5% so cùng kỳ). Casino Nam Hội An chưa hoạt động nên không thể phát sinh số thu khoảng 700 tỷ đồng. Các ngành nghề kinh doanh, dịch vụ khác chỉ đóng góp số thu ít ỏi, thấp hơn nhiều so với dự toán và cùng kỳ.
Ngay như thủy điện, không bị tác động của dịch bệnh thì hạn hán kéo dài, thiếu nước phát điện nên mới chỉ đóng góp 56 tỷ đồng, đạt 8% dự toán (56/699 tỷ đồng) và ngành sản xuất thức uống có cồn bị ảnh hưởng nên doanh số giảm sút, nộp ngân sách thấp hơn năm ngoái.
UBND tỉnh nhận định dự toán thu ngân sách năm 2020 theo Nghị quyết HĐND tỉnh là 25.774 tỷ đồng (20.524 tỷ đồng thu nội địa và 5.250 tỷ đồng thu xuất khẩu) sẽ không thể đạt được (chỉ trừ tiền sử dụng đất sẽ đạt 100%.
Ông Phan Văn Chín - Giám đốc Sở Tài chính cho hay, dịch bệnh vẫn tiềm ẩn rủi ro, khó lường sẽ tác động đến sự tăng trưởng kinh tế, dự báo thu ngân sách năm 2020 sẽ hụt thu rất lớn so với dự toán.
Dự kiến thu nội địa năm 2020 chỉ khoảng 14.424 tỷ đồng (đạt 70% dự toán, hụt thu đến 6.100 tỷ đồng). Thu nội địa ngân sách địa phương được hưởng (không bao gồm các khoản thu, chi lại theo mục tiêu như tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, phí tham quan, phí bảo vệ môi trường) dự kiến chỉ 10.912 tỷ đồng, đạt 66,9% dự toán. Số hụt thu khoảng 5.400 tỷ đồng.
Chiếm nhiều nhất là ngân sách tỉnh 4.350 tỷ đồng và 1.050 tỷ đồng ngân sách cấp huyện, thị, thành phố, xã. “Phương án tính hụt thu này sẽ còn tăng hơn nữa khi tình hình dịch bệnh và nền sản xuất, kinh doanh vẫn diễn biến xấu” – ông Chín nói.
Một thống kê liên quan, hiện nguồn quỹ dự trữ tài chính địa phương còn 120 tỷ đồng và nguồn dự phòng ngân sách tỉnh còn 386,4 tỷ đồng. Nhưng 2 nguồn này chỉ dùng để thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch nên dự kiến không huy động để bù hụt thu.
Theo tính toán của UBND tỉnh, nguồn tăng thu để tạo nguồn cải cách tiền lương năm 2019 của khối huyện sẽ được rút về ngân sách tỉnh bù hụt thu khoảng 462 tỷ đồng thì số tiền hụt thu của ngân sách tỉnh còn lại khoảng 3.888 tỷ đồng.
Thắt lưng buộc bụng
Trước tình trạng thu ngân sách thiếu hụt, một phương án cắt giảm dự toán chi ngân sách buộc UBND tỉnh phải quyết định. Theo phương án này, sẽ cắt giảm dự toán chi năm 2020 của ngân sách tỉnh là 2.388 tỷ đồng.
Sẽ có khoảng 330 tỷ đồng chi thường xuyên của các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh bị cắt giảm, bao gồm: 10% dự toán chi thường xuyên theo định mức 6 tháng cuối năm (không bao gồm các khoản: chi tiền lương ngạch bậc, phụ cấp theo lương, chi cho con người theo chế độ và khoản tiết kiệm 10% để tạo nguồn cải cách tiền lương đã giao dự toán đầu năm); 100% dự toán chưa phân bổ đầu năm đến ngày 15.4.2020 chưa thẩm định, chưa phân bổ; 100% dự toán kinh phí mua sắm, sửa chữa có tổng mức bố trí hơn 500 triệu đồng đến ngày 15.4 chưa đủ hồ sơ phân bổ theo quy định, chưa đề nghị phân bổ hoặc chưa có quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật; 100% dự toán kinh phí tập huấn chuyên môn hằng năm, các hội nghị, hội thảo, lễ kỷ niệm... và 50% dự toán đã bố trí đối với các nhiệm vụ thường xuyên của các ngành, lĩnh vực, kinh phí đào tạo, bồi dưỡng.
Ngoài ra sẽ cắt giảm các nguồn vốn dự nguồn chưa phân bổ trong dự toán ngân sách tỉnh năm 2020 cho các nhiệm vụ chi: lễ hội, kỷ niệm ngày lễ lớn, hội thi, hội thảo, hội thao..., dự nguồn để thực hiện các nghị quyết của HĐND, kế hoạch, chương trình của UBND tỉnh. Tổng tiền dự kiến 400 tỷ đồng.
Nguồn kinh phí sẽ bị cắt giảm lớn nhất theo kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2020 là 1.658 tỷ đồng, từ các nguồn đến ngày 15.4 chưa được phân bổ, chưa phê duyệt kế hoạch đấu thầu, chưa tổ chức đấu thầu, chưa ký hợp đồng, chưa khởi công. Kể cả kế hoạch vốn đầu tư đã phân bổ nhưng chưa có khối lượng thực hiện cũng sẽ bị cắt. Ngoài ra, sẽ không cắt giảm các dự án bố trí từ nguồn thu tiền sử dụng đất và thu xổ số kiến thiết, nhưng sẽ cắt, giảm một số công trình, dự án chưa thực sự cấp thiết.
Ông Đặng Phong – Giám đốc Sở KH&ĐT nói sẽ cắt giảm lượng lớn vốn đầu tư, nhưng phải cân nhắc tiến trình, không thể làm ngay được. Cụ thể sẽ được trình bày tại một phiên họp HĐND tỉnh gần nhất. Ông Phan Văn Chín – Giám đốc Sở Tài chính cho hay, sau khi cắt giảm dự toán chi thường xuyên và chi đầu tư nêu trên, số hụt thu còn lại khoảng 1.500 tỷ đồng chưa biết lấy nguồn đâu để cân đối.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu nhanh chóng xây dựng đề án chống thất thu ngân sách, theo dõi chặt tiến độ thu, xác định nguồn thu còn tiềm năng, dự báo kịp thời số thu ngân sách, phấn đấu thực hiện cao nhất dự toán năm 2020.
Các địa phương chủ động điều hành bảo đảm cân đối ngân sách, chi ngân sách theo dự toán và tiến độ thu, chỉ tham mưu bổ sung chi cho các nhiệm vụ chi thực sự cần thiết, bức xúc và phục vụ công tác chống thiên tai, dịch bệnh.
Các địa phương dự kiến số thu ngân sách cấp mình được hưởng, xây dựng phương án cắt giảm dự toán chi theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước (cắt giảm dự toán chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển) để đảm bảo cân đối ngân sách, trình HĐND cùng cấp thông qua thực hiện.
UBND tỉnh sẽ căn cứ tình hình thu ngân sách địa phương và hướng dẫn của các cơ quan trung ương về bù hụt thu, tham mưu cho HĐND tỉnh xem xét quyết định cho sát với thực tế điều hành của địa phương.