Giá cát “leo thang” mỗi ngày nên các công trình xây dựng dân dụng ở một số địa phương đang gặp khó.
Lệch cung - cầu
Trong khi giá vật liệu xây dựng như gạch, xi măng, sắt thép… bình ổn, thì thị trường cát sỏi phục vụ các công trình hạ tầng, dân sinh “nhảy múa” mỗi ngày. Một số địa phương phía nam trong tỉnh bắt đầu xuất hiện tình trạng cầu vượt cung. Tại TP.Tam Kỳ và Núi Thành, dù đã quy hoạch 10 điểm khai thác mỏ cát, nhưng thời điểm này vẫn “trắng” mỏ cát cấp phép ở lòng sông. Vì vậy, nguồn vật liệu cát sỏi chủ yếu mua từ các mỏ ở Hương An (Quế Sơn), dưới cầu Câu Lâu (xã Duy Phước, Duy Xuyên), thị trấn Vĩnh Điện (thị xã Điện Bàn). Cát mua tại các bãi trên chỉ có giá hơn 60 nghìn đồng/m3, nhưng khi vận chuyển về TP.Tam Kỳ, Núi Thành, Phú Ninh bán với giá từ 150 nghìn đồng trở lên. Trước mùa mưa là thời điểm thi công nước rút các công trình xây dựng cơ bản, nhà cửa của người dân nhưng nguồn cát sỏi vẫn đáp ứng chật vật. Do giá mua tại bãi cao nên các chủ kinh doanh vật liệu xây dựng cũng dè dặt trong dự trữ, cung ứng ra thị trường. Ông Nguyễn Văn Hành, chủ cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn xã Tam Phú (TP.Tam Kỳ) cho biết, bình quân mỗi ngày cơ sở ông mua khoảng 50 - 70m3 cát từ Hương An và thị trấn Nam Phước (Duy Xuyên), sau đó cung cấp lại cho người dân xây dựng các công trình dân dụng nhỏ. Cát đúc, cát xây hiện dao động trên dưới 150 nghìn đồng mỗi khối, cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, cách đây vài tuần đại lý không có nguồn cát bán cho người dân do Nhà nước “mạnh tay” xử lý tình trạng khai thác trái phép ở sông Vu Gia - Thu Bồn.
Ở Quảng Nam, nguồn cát chủ yếu lấy từ các sông Vu Gia, Thu Bồn, phục vụ cho các địa phương trong tỉnh và TP.Đà Nẵng. Từ đầu năm đến nay, các dự án, công trình trọng điểm thi công qua địa bàn tỉnh đều rất cần khối lượng lớn vật liệu đất cát. Khi chính quyền cấm các công trình, dự án trọng điểm tuyệt đối không sử dụng nguồn cát trôi nổi trên thị trường, không ít mỏ trá hình đã dừng hoạt động. Trong khi đó, trên thực tế việc xây dựng nhà cửa, công trình phụ trong nhân dân đều tiêu thụ cát không rõ nguồn gốc. Do đó, nguồn cát xây dựng tung ra thị trường có thời điểm rất hạn chế. Hậu quả, không ít công trình phải thi công cầm chừng, hoặc tạm dừng chờ cơ hội giá cát giảm xuống.
Tại TP.Tam Kỳ, Phú Ninh gần 2 tháng nay, các cơ quan chức năng đã rốt ráo ra quân xử lý mạnh tay tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép nên các “mỏ” cát lấy ở các sông Trường Giang, Tam Kỳ, Bàn Thạch gần như bị đóng cửa. Theo Công ty TNHH Quảng Nam Việt (trụ sở TP.Tam Kỳ), thi công công trình xây dựng gặp khó khăn thời gian qua có phần do giá cát sạn đẩy lên cao. Còn một doanh nghiệp chuyên xây dựng các công trình nông thôn mới tại Phú Ninh than thở: “Phần lớn chúng tôi đều nhận xây dựng các công trình nhỏ trên địa bàn Phú Ninh, TP.Tam Kỳ. Trong khi đơn giá liên Sở Xây dựng - Tài chính phê duyệt ban đầu thấp, nhưng chúng tôi phải ra tận các huyện phía bắc trong tỉnh mua với giá cao, lại tốn kém thêm chi phí vận chuyển. Giá cát sạn leo thang mỗi ngày cũng là nguyên nhân gây trở ngại cho các công trình xây dựng hiện nay”.
Tăng cường kiểm soát giá
Ngày 1.7.2015, liên Sở Tài chính - Xây dựng đã công bố giá vật liệu xây dựng quý 2 cho từng hạng mục kết cấu công trình, niêm yết giá tại các địa phương. Giá cát ở khu vực phía nam và phía bắc có sự chênh lệch cao. Đơn cử, ở TP.Tam Kỳ, huyện Phú Ninh cát đúc có giá 170 - 180 nghìn đồng/m3, trong khi thị xã Điện Bàn chỉ 90 nghìn đồng/m3. Để tăng cường kiểm soát giá vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng ký văn bản (số 3615/UBND-KTTT, ngày 17.8.2015) yêu cầu các sở, ngành, chính quyền các địa phương là chủ đầu tư các dự án chỉ đạo các đơn vị chuyên môn kiểm soát giá đối với vật liệu xây dựng mang tính chuyên ngành, đặc thù, chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị công trình nhưng không có trong bảng công bố giá vật liệu hoặc không có nhà cung cấp trên địa bàn tỉnh và chủ đầu tư khó khăn trong quyết định giá thì báo cáo gửi liên Sở Tài chính - Xây dựng khảo sát, thu thập thông tin ban hành thông báo giá làm cơ sở cho việc lập, phê duyệt dự toán và thanh quyết toán công trình đúng quy định.
Vật liệu cát leo thang khiến ngành xây dựng gặp không ít khó khăn. Ảnh: TR.HỮU |
Thế nhưng, theo một cán bộ Sở Xây dựng, việc công bố giá và ban hành các văn bản hành chính chủ yếu để kiểm soát các dự án, công trình đầu tư công, còn các công trình dân dụng rất khó quản lý. Minh chứng là, sau thời gian các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, quản lý chặt chẽ khoáng sản, tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép ở các dòng sông đã trở nên im ắng. Chính điều này làm cho giá cát phục vụ cho các công trình dân dụng “nóng nguội” thất thường, vượt tầm kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước. Về quản lý quy hoạch, theo Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, hạn chế cấp mới và gia hạn giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản cát sỏi lòng sông để tiếp tục rà soát, cân đối lại nguồn cát phục vụ các công trình trên địa bàn tỉnh. Đối với các dự án nạo vét sông có tận thu cát phải được xem xét, thực sự có nhu cầu phục vụ cho sản xuất và đời sống mới được giải quyết. Chính quyền và các ngành chức năng phải đánh giá mức độ ảnh hưởng của việc khai thác cát lòng sông đến tình trạng chuyển đổi dòng chảy, sạt lở, mất đất sản xuất, ảnh hưởng đến các công trình khác. “Sở Xây dựng rà soát, cân đối cung - cầu nguồn cát phục vụ trên địa bàn tỉnh; phê duyệt cấp phép đúng quy định, định hướng nguồn cát dự trữ cho tương lai” - Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu lưu ý.
TRẦN HỮU