Cầu an

ĐĂNG QUANG 16/01/2017 08:56

Gần tết, hay nghe chuyện cúng tất niên, cầu an. Có lẽ xa xưa đến nay con người thường mong cầu chữ “an” nên hy vọng trời đất, thần linh ngó nghĩ mà sinh ra tục cúng bái này.

Từ điển Hán - Việt giải nghĩa chữ an (安) gồm bộ miên (宀- mái nhà, mái che) và bộ nữ (女- nữ giới, con gái) - ý nói người con gái ở trong gia đình thì rất an toàn. Như vậy, an là bình an, an toàn.

Những người bình dân ít chữ không dài dòng cắt nghĩa vậy nhưng họ cũng đắm mình trong bao nhiêu lễ tục gắn với “xuân kỳ thu tế” mà nội dung cầu an luôn được nhắc đến. Không chỉ tế tự gia tiên cầu mong hộ trì cho con cháu bình an khang thái, mà trong các lễ cúng tế thành hoàng, bổn xứ, các vị thần thánh, liệt sĩ, cũng vái cầu các vị hộ quốc an dân, phù trì cho dân an cư lạc nghiệp.

Ở xứ Quảng, lễ tục cúng cầu an diễn ra nhộn nhịp nhất vào dịp năm hết tết tới và cả đầu xuân. Đó là những kỳ dịp mà sinh hoạt cộng đồng có quy mô từ làng xã đến cả vùng. Dĩ nhiên, người ta có thể cúng cầu an khi gặp những sự kiện tai ương; hoặc sinh hoạt theo tôn giáo tín ngưỡng (như dịp Vu Lan của đạo Phật).

Điều đặc biệt ở Quảng là trong lễ cúng cầu an tại các đền miếu hoặc cúng tất niên, cúng xuân, tế thu, thường cầu chứng bởi các vị thánh thần kèm với những thành hoàng, bổn xứ cai quản vùng đất rất khác với xứ khác. Trong đó, có sự hiện diện cả “thổ công, thổ hầu, thổ bá, thổ tử, thổ nam, thổ hôn, thổ tôn, thổ tế, thổ mạn, thổ trọng, thổ thúc, thổ quỷ, thổ ách, thổ xuy, thổ lồi, thổ lạc; châu tai, châu cói, châu mộng, châu mỵ, ma chăm, ma chợ, ma mọi, ma rợ...”. Một đoạn “cung thỉnh” như thế cho thấy yếu tố bản địa rất đậm đặc, lưu dấu Chàm rất rõ cùng với văn hóa của người Việt tôn vinh các vị thần thánh, tổ tiên của mình. Nói vùng đất Quảng là nơi giao lưu tiếp biến các giá trị văn hóa, trong đó giao thoa Chăm - Việt đã hiện hữu từ xa xưa, có thể xem xét trên văn tế cúng và nhiều vật phẩm. Chuyện cúng cầu an còn có thể cung cấp cho các nhà nghiên cứu văn hóa những “sử liệu” độc đáo khi quan sát mâm cúng tất niên hoặc cúng đất lệ hằng năm, người Quảng thường bày những thức quà bản địa và vọng cầu “tá thổ” (xin mượn đất làm ăn) có từ thuở đi mở nước.

Sẽ khó bàn hết chuyện văn hóa trong một bài viết ngắn. Ở đây chỉ nói thêm ý nghĩa của một lễ tục mà trong vòng 20 năm qua người viết đã chứng dự trên mảnh đất Tam Kỳ. Hầu hết con dân từ miền núi hay vùng Vu Gia, Thu Bồn vào đây lập nghiệp đều coi trọng lễ cúng đất lệ hằng năm. Dịp cúng tất niên hay cúng xuân, nếu là khu dân cư mới người ta cũng cố tìm các vị cao niên ở quanh vùng để biết về xứ đất, về những vị bổn xứ thành hoàng, mà bái vọng. Đó là sự tiếp nối của một nguồn mạch mà chữ cầu an hiện lên rất rõ. Vì rằng, quan niệm “đất có thổ công, sông có hà bá”, xác định chọn đất Hà Đông - Tam Kỳ để an cư lạc nghiệp thì phải cung kính tri ân những người lập đất, lập làng, khai cơ khai canh xứ này. Thú vị hơn, những xóm, tổ, khu dân phố mà người cư ngụ chủ yếu là cán bộ được tăng cường từ đất khác về đây, còn coi dịp tất niên, cúng xuân là để thăm hỏi, chia sẻ với nhau những vui buồn trong cuộc sống. Từ giữa tháng Chạp hay vào những ngày đầu năm, là dịp hiếm hoi để hàn huyên tâm sự, còn ngày tết thì phần lớn người ta chạy về quê xứ để thắp hương cho tổ tiên ông bà.

An cư, an lạc, bình an vạn sự,... là điều mà ai cũng mong cầu. Lễ cúng để tạ ơn đất đai tri ngộ, rồi gắn bó nghĩa tình hàng xóm láng giềng, tạo đoàn kết thân ái trong khu dân cư là chuyện đẹp. Có điều nên cần chú ý đừng sa vào mê tín dị đoan, đừng chè chén xa hoa lãng phí, rồi sinh chuyện dở thì không còn ý nghĩa cầu an tốt đẹp. Có câu “lễ bất túc kính hữu thành”, lễ có thể không đủ đầy mà lòng thành thì mọi việc an vui.

ĐĂNG QUANG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cầu an
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO