Cầu an

MỘC MIÊN 03/03/2015 08:58

“Có  bịnh,  cầu an  có khi bịnh nặng hơn”. Một sư thầy nói vậy khi tôi hỏi về chuyện chùa chiền cầu an đầu năm đang râm ran từ làng đến phố.

 Nhiều năm trở lại đây, đi đâu cũng thấy cầu an, từ lối xóm đến chùa. Một bạn than thở, đầu năm đi lễ chùa, nhiều chỗ kéo tay hỏi có ghi danh sách cầu an không, mình nói không, chỉ thắp nhang bái Phật là xong. An hay không là do tự mình tạo ra, cầu cạnh chẳng làm được chi. Sư thầy nói: “Anh làm anh hưởng chứ  không có phải người khác. Có nghiệp được tạo kiếp trước, nhưng cũng có ngay kiếp  này. Giờ anh vào chùa cầu an, xin đức Phật mọi sự an lành, nhưng tí nữa ra khỏi chùa, anh gây án mạng, ở tù, thì do anh chứ lòng từ bi của Phật không cứu được anh, cũng chẳng dời tù tội sang cho người khác được”. “Giáo lý Phật có nói chuyện cầu an không?”. “Đừng hỏi giáo lý. Phật dạy bằng hành xử cụ thể, không có giáo điều. Người ta đến chùa cầu an, thực ra là tạo tác hoặc củng cố niềm tin, nương theo lòng từ bi của Phật. Niềm tin đó là vừa đủ, xin thưa rằng vừa đủ, không quá, không cố, bởi anh tin là cho anh, không phải cho Phật, tin vừa đủ để còn có chỗ mà điều khiển hành vi. Phật quan tâm đến hành vi chứ không tin hão, mê muội. Phật tử đi cầu an là điều tốt, nhưng hãy xuất phát từ thiện tâm, do chính mình mong, tự nguyên, mà cầu thì cầu sức khỏe, cầu niềm tin trong sáng vượt khó, chứ đi do lôi kéo, rủ rê, tới chùa xin lộc, xăm, cầu an để làm điều không trong sáng thì Phật nào chứng cho”. “Nhưng xin xăm, quẻ chùa đầu năm cũng là một thú vui thôi, không giải quyết được gì, bởi lời giải trong các quẻ, xăm cũng chép từ kinh kệ ra, chủ yếu khuyến tấn con người không tham sân hận, làm điều lành, tránh điều dữ chứ có nói được điều gì thuộc về cơ trời đâu”. “Tất nhiên, như tôi đã nói là tạo tác và củng cố ở người ta niềm tin vào điều tốt, mà muốn vậy anh phải làm điều tốt. Còn đâu đó chùa lôi kéo người ta cầu an để trục lợi là đi ngược với lời Phật dạy”.

Người ta than phiền bây giờ sống không biết tin vào gì. Không sai. Nhìn đâu cũng đầy nghi hoặc. Vì thế khi yếu đuối, là lao vô tội vạ vào thánh thần để dựa dẫm xin xỏ, hoặc dùng bạo lực để khẳng định sự tồn tại. Nhưng đó cũng chỉ là một cách lý giải. Cái kiểu “lên đồng tập thể” biến tín ngưỡng tốt đẹp thành nơi dung tục mưu cầu tham luyến sẽ không bao giờ bị chấm dứt, nếu như không có cơn địa chấn, không có cú quất toàn triệt về văn hóa tự cảnh báo: tại sao phải bị ngoại cảnh chi phối, khi ta không chịu đào bới bản thể ta, nhìn vào chính ta? Tự ta phải học bài vở lòng về sức mạnh, niềm tin ở chính ta, khi ta chưa nỗ lực đến bật máu để vượt lên chính mình, hành hiệp trên con đường thẳng, lấy tử tế và sự chân thành đối đãi nhau. Còn tai ương đến, tất đến, có trời đất chúa phật nào mà cứu được, bởi lập trình đã có sẵn rồi, y như có sinh tất có tử, mà như thế mới gọi là kiếp người. Vì thế đừng tốn tiền và mất công cho sự cầu cạnh đâu đó, khi thâm tâm ý bị chính mình lung lạc có chủ ý.

Nếu có cầu an, thì cầu chính mình, dừng  lại một phút và hỏi: ta đang làm gì?

MỘC MIÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cầu an
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO