(QNO) - Có lẽ vì nhà bà Phúc nằm sát chân cầu, nên mới có tên gọi cầu bà Phúc. Bà Phúc là một phụ nữ cá tính, biết uống rượu, thích ăn trầu, buồn vui điều gì là thể hiện ngay.
Cái cầu tre tuy không đến nỗi lắt lẻo nhưng không phải là kiên cố, chỉ đủ để người dân quê tôi kẽo kịt đôi quang gánh trên vai, gánh những đôi lúa vừa gặt về từ bên tê đồng. Cây cầu có từ xa xưa. Khi cầu xập xệ, người ta liền đốn tre gia cố. Đầu cầu phía nhà bà Phúc có một cái dốc đá, là nơi để những người đi làm đồng tranh thủ nghỉ mát, hàn huyên hay chuẩn bị vượt dốc về làng. Ngồi ở dốc đá rất mát, bốn bề tre phủ. Gió đưa hơi nước từ bàu lên, lý tưởng nhất mỗi khi hè về. Vào mùa mưa, mọi người tranh thủ ra bàu đặt lờ, kéo tủ, làm rộn ràng cả xóm bàu.
Phía bên kia cầu là những cánh đồng lúa bát ngát, nơi từng được xem là “bát gạo” của người Hoán Mỹ. Ngoài đồng, lúc nào cũng có người đi thăm ruộng. Vào vụ thì đồng đông vui lắm. Từ già trẻ gái trai đều tham gia vụ mùa. Ngày ấy, thu nhập duy nhất của người quê tôi là những hạt lúa, nên mùa về, râm rang từ làng trên xóm dưới. Cây cầu bà Phúc oằn mình gánh một ngày vài tấn lúa, gánh những bước chân dẻo dai, nhịp nhàng, cần mẫn của người làng tôi. Trẻ em trong làng biết bơi phần lớn là nhờ cây cầu này. Đứa nào chưa biết bơi, cứ xuống nước, bám vào mấy trụ cầu mà đập, mà vẫy. Bọn con trai từng tổ chức bơi đua, cùng nhau bắt ốc, bắt cá dưới bàu. Nước bàu mùa nắng trong veo. Bọn con gái thi nhau vớt mấy bông lục bình tim tím, đang lững lờ trôi theo dòng nước…
Cho đến một buổi tối, người ta xôn xao rằng bà Phúc vừa bị té xuống bụi tre sát bàu, cách ngõ nhà bà chừng mười mét. Dù được vớt liền khi đó, nhưng bà Phúc đã qua đời. Xóm bàu từ đó trở nên buồn tẻ. Buồn vì không ai còn được nghe giọng nói sang sảng, đôi khi hài hước, cả sự “mưa nắng” thất thường của bà. Đám con nít không còn dám lao xuống cầu để tắm những trưa hè, hay đi vớt lục bình chơi trò bán buôn, vì đứa nào cũng sợ bà Phúc “nắm chân”.
Chương trình giao thông nông thôn đã về làng tôi cách đây mười lăm năm, nhưng cây cầu thì mới được bê tông hóa hai năm nay. Những đôi quang gánh không còn ngập ngừng như khi đi trên cây cầu tre thiếu kiên cố, mà cứ bon bon thẳng tiến. Dốc đá với những hòn đá lổm chổm không còn, thay vào đó là con dốc thoai thoải. Nhớ ngày trước, mấy bác thợ chụp hình dạo hay tạo cảnh cho người chụp ngồi trên hòn đá, thành ra nhà nào cũng có một vài tấm hình có cảnh chụp tương tự nhau. Ngõ bà Phúc xưa cũng không còn. Người con trai bà lớn lên lập gia đình, đã trổ ngõ khác. Nhà nông cũng không còn làm lúa vụ ba, nên mùa mưa này cầu vắng người.
Ngày khánh thành cây cầu, mọi người trong làng ai cũng phấn khởi. Những người tha hương như chúng tôi khi nghe tin báo, lòng khấp khởi, phấn chấn hẳn lên. Bao đời gắn bó với chiếc cầu tre nho nhỏ, nay đi trên cây cầu rộng thênh thang, vẫn với tên gọi cầu bà Phúc nghe thân thương quá đỗi.
KHÁNH THI