(Xuân Nhâm Dần) - “Km tình người”. Cột kilomet (km) ở một điểm dừng trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, TP.Đà Nẵng không đánh số theo lý trình như thường lệ, mà thay bằng chữ. Phía trên in thêm dòng chữ “Chạy dịch tháng 10.2021”. Dựng cạnh cột kilomet lạ lẫm đó, vài chiếc xe gắn máy cũ nát. Ở không gian bên trong, chủ nhân cho treo lên mấy chiếc xe máy khác gắn kèm 2 cột kilomet tượng trưng về lộ trình: Bình Dương - Lai Châu 1.945km, Bình Dương - Phú Thọ 1.659km, Đồng Nai - Điện Biên 1.938km. Nhưng khi đến đỉnh đèo Hải Vân, khi được tặng xe máy mới, xe cũ bỏ lại, làm chứng nhân cho cuộc hồi hương…
Có dòng người vừa ngang qua Quảng Nam trong cuộc hồi hương tránh dịch chưa có tiền lệ từ giữa cuối năm 2021. Chuyện đã qua, giờ nhiều người đã quay lại, nhưng dọc cung đường đó dựng những cột “km tình người”. Để mai hậu nhớ về những ngày trùng trùng lo âu hòa lẫn với ân tình san sẻ, dù chỉ là một lát cắt nhỏ trong dằng dặc thời gian.
Nhớ lại, trên hành trình mở rộng cương thổ, lưu dân Việt “quảy” theo những câu ca vào phương Nam. Nhà Quảng Nam học Nguyễn Văn Xuân trong công trình khảo cứu “Khi những lưu dân trở lại” đã tinh tế nhìn sâu vào hành trang lưu dân và nhận ra: vốn liếng chữ nghĩa và nền thơ văn có thể ít ỏi, nhưng hành lý ca hát thì “chắc khá đồ sộ”.
Có thể tính từ thời nhà Trần, hai châu Ô, Rí mở theo bước chân Huyền Trần công chúa, vùng đất mới cũng đón quân dân Việt vượt đèo Hải Vân. Sau nữa, cụ Phạm Nhữ Dật, người con thứ năm của danh tướng Phạm Ngũ Lão, mang quân theo cửa Đại Chiếm đánh vào vùng kế cận để lập nên phủ Thăng Hoa...
Rồi đến cuộc nam tiến của chúa Nguyễn Hoàng. Dân chúng được chiêu mộ đã làm cho cuộc thiên di có sinh khí hơn, ý niệm định cư rõ hơn. Nhà văn Nguyễn Văn Xuân mường tượng, khi mang đai bị gồng gánh thực phẩm, dẫn dắt trâu bò, vác cuốc lên đường…, có lẽ họ chết nửa tấm lòng vì phải vĩnh viễn rời quê hương, nhưng cũng mang niềm hy vọng thoát ly đời sống khốn khổ.
Ông bảo, cùng mang theo cái cuốc, chắc họ không quên tâm hồn văn nghệ. Chắc là họ sẽ mang theo lối hát riêng của từng vùng kiểu trống quân, quan họ, các điệu dân ca. Lớp di dân sau thì mang theo các điệu phường vải, hát dặm, hò vè… Và rồi giao thoa, biến đổi…
“Do đó, người ta gặp ca Huế, hò mái đẩy, mái nhì, gặp hò khoan, hát hố Quảng Nam, gặp rao thai, bài chòi Bình Định, gặp đủ những điệu ca làm căn bản cho cải lương sau này của miền Nam” - nhà văn Nguyễn Văn Xuân viết.
Tôi mượn thông tin khảo tả về dòng dịch chuyển văn nghệ từ Bắc vào Nam này để gắn kết với câu chuyện thời sự hồi hương. Trên thực tế, không ai đủ an nhàn để ca hát, chỉ biết lao đi trong mưa gió hoặc bụi bặm.
Những tình nguyện viên ở điểm dừng cũng tất bật tặng bịch sữa, bát cháo. Có chăng là đêm nhạc rap tự chế để hát giải khuây của những bạn sinh viên tình nguyện sau khi tiễn lượt người cuối cùng đổ đèo, nhưng chỉ thảng hoặc…
Ấy vậy mà, tôi vẫn như nghe thấy trỗi lên những nét nhạc, ý thơ về nghĩa đồng bào. Tha thiết biết bao âm điệu sẻ chia của những người giàu từ tâm đang đón đợi đồng bào hồi hương bên đèo!
Giữa hai con đèo Lò Xo cực nam và Hải Vân cực bắc, dòng xe gắn máy có Cảnh sát giao thông dẫn đường những ngày ấy như kẽ khuông nhạc khi chạy men theo cung đường đồi núi Quảng Nam.
Đến đỉnh đèo Hải Vân, đoàn người ngơi nghỉ chốc lát, ấn một nốt lặng. Rồi lại đi, lại kéo dài thanh âm về bản xứ. Về tận Vĩnh Lộc (Thanh Hóa), Yên Lập (Phú Thọ), Hoàng Mai (Nghệ An), Mường Nhé (Điện Biên)…
Một buổi chiều, tôi ngang qua cột “km tình người” trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh. Những bánh xe máy cũ nát đang treo trên vách như mấy nốt nhạc ai đó vừa gắn lên khuông nhạc.