Câu chuyện của người bên kia chiến tuyến

PHƯƠNG NAM 28/07/2015 15:05

(QNO) - Lần theo hành trình tìm mộ của các liệt sĩ hy sinh tại Núi Quế (Quế Sơn) vào rạng sáng ngày 12.5.1969, chúng tôi đã gặp ông Nguyễn Hữu Cầu (SN 1943, trú tại thôn Diêm Phổ, xã Tam Anh Nam, huyện Núi Thành). Là thông dịch viên cho Lữ đoàn 196 của quân đội Mỹ, ông Cầu là một trong những nhân chứng sống về cuộc đấu tranh kiên cường, dũng cảm của quân đội nhân dân Việt Nam. Và trong những ngày đứng bên kia chiến tuyến, ông đã chứng kiến rất nhiều sự hy sinh cao cả của bộ đội ta.

Ông Nguyễn Hữu Cầu kể về sự hy sinh anh dũng của bộ đội Việt Nam. Ảnh: PHƯƠNG NAM
Ông Nguyễn Hữu Cầu kể về sự hy sinh anh dũng của bộ đội Việt Nam. Ảnh: PHƯƠNG NAM

Ông Cầu kể, đầu năm 1969, tiểu đoàn 2/1 (thuộc Lữ đoàn 196) nhận nhiệm vụ đến Núi Quế để cùng một số đơn vị khác chốt giữ tại căn cứ Núi Quế không cho Cách mạng tấn công. Thông thường, tối đến ông cùng một số bạn lính trong tiểu đoàn đến khu vực Hương An để giải trí. Hôm ấy, không hiểu sao ông lại không đi mà ở trong hầm cùng với một trung sĩ da đen người Mỹ. Rạng sáng 12.5.1969, khi đang ngủ say thì ông bị đánh thức bởi tiếng chân người và tiếng hô dõng dạc “Xung phong”. Sau đó là tiếng súng đạn, tiếng pháo kích xé toạc màn đêm. Ông và trung sĩ Mỹ chưa kịp hoàn hồn thì một mảnh đạn bay xuyên qua nóc hầm găm vào tay của trung sĩ người Mỹ. Vì là thông dịch viên nên ông không ra tham chiến. Ở trong hầm nhìn ra, ông nhìn thấy máy bay Mỹ quần giữa bầu trời Núi Quế, ánh sáng của pháo sáng, đạn pháo và đèn pha soi rõ từng ngọn cây, bụi cỏ… Khoảng 8 giờ sáng, khi tiếng súng, tiếng đạn ngừng hẳn thì ông ra khỏi hầm và chứng kiến rất nhiều chiến sĩ đặc công của Cách mạng hy sinh. Ông Cầu nói trong ngậm ngùi: “Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh những người lính chỉ mặc một chiếc quần đùi, thân hình đen nhẻm, trên tay còn cầm nguyên khẩu súng hoặc thủ pháo. Họ còn rất trẻ chỉ 18, 19 tuổi thôi và chủ yếu là người miền Bắc vì tôi nghe tiếng họ hô “Xung phong”.

Ông Cầu cho biết, đến khoảng 12 giờ trưa, Bộ chỉ huy Lữ đoàn 196 tập trung thi thể các chiến sĩ lại và đưa lên một chiếc xe tải. Sau đó, lực lượng công binh được điều động đến để đi đào hố chôn. Dù không phải nhiệm vụ của mình nhưng ông Cầu vẫn đi theo lực lượng thực thi nhiệm vụ chôn xác các chiến sĩ. Theo ông Cầu, họ đã đưa thi thể các chiến sĩ đặc công đến một bãi cát trắng thuộc xã Hương An, cách Núi Quế khoảng 2,3 km và cách quốc lộ 1A khoảng hơn 100m. Sau đó 3 ngày, ông nhìn thấy 2 hòn đá đen trên ngôi mộ của các chiến sĩ. Theo ông Cầu nhận định, có thể đó là cách đánh dấu của người dân hoặc du kích địa phương để ghi dấu mộ của các liệt sĩ.

Sau giải phóng, mải bươn chải mưu sinh và mặc cảm vì tham gia quân đội Mỹ, ông Cầu không thổ lộ về những gì mình đã chứng kiến trong chiến tranh. Năm 2014, qua báo chí và đài truyền hình, ông liên lạc được với Đại tá Khuất Quang Cừ - nguyên Trưởng phòng 4, Văn phòng Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật Bộ Công an, em trai liệt sĩ Khuất Quang Phiệt hy sinh tại Núi Quế. Ông Cừ đã cùng ông Cầu tìm đến khu vực mà theo ông Cầu Lữ đoàn 196 đã chôn thi thể các liệt sĩ hy sinh ngày 12.5.1969 tại Núi Quế. Trao đổi với chúng tôi, ông Cừ cho biết : “Khi nghe qua điện thoại câu chuyện của ông Cầu, tôi rất mừng và hy vọng tìm được nơi chôn các liệt sĩ. Tuy nhiên, khu vực ông Cầu chỉ cũng chính là nơi trước đây nhiều người dân Hương An đã nói đến. Rất tiếc là cho đến nay các thông tin chi tiết lại không thống nhất. Vì vậy, các gia đình còn phải tiếp tục nhờ tới sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng.”

Ông Cầu còn kể cho chúng tôi nghe nhiều trận đánh in sâu trong ký ức của ông. Cuối tháng 12.1967, Đại đội A (thuộc Tiểu đoàn 261, Lữ đoàn 196) của ông đóng quân ở vùng núi Tiên Phước. Một buổi chiều, viên chỉ huy nói với ông: “Tôi vừa nhận lệnh hôm nay đại đội ta phải rút khỏi đây, chỉ để 2 trung đội ở lại”. Khoảng 16 giờ chiều hôm đó, đại đội của ông lên đường. Hành quân được 6, 7 tiếng đồng hồ, khi họ nhìn lại thì thấy vị trí đóng quân cũ sáng rực. Biết rằng 2 trung đội ở lại đã bị Cách mạng đánh úp, viên chỉ huy liền ra lệnh cho đại đội quay trở lại để ứng cứu. Tuy nhiên, khi trở lại thì thấy cả 2 trung đội đã bị tiêu diệt không một người sống sót. Viên chỉ huy ra lệnh lục soát xung quanh nhưng không tìm ra một bóng quân cách mạng.

Một trận đánh ông nhớ rõ nhất là vào ngày 2.2.1968. Hôm đó, Đại Đội A hành quân từ Tiên Phước đến Hiệp Đức. Tiểu đoàn ông đi trước, các tiểu đoàn khác đi sau. Khi ông vừa đi qua ngã ba Phú Bình (huyện Hiệp Đức) thì nghe tiếng đạn nổ phía sau, ông và mọi người quay trở lại thì thấy cảnh tượng kinh hoàng. Hàng trăm xác lính Mỹ trong tư thế đang nằm bên đường giương súng về phía trước, nhưng không hề nhìn thấy bộ đội ở đâu. Ông Cầu cắt nghĩa, khi đi đến đoạn đường bị mai phục, nghe tiếng súng nổ nên những người Mỹ nằm xuống và giương súng bắn về phía vừa phát ra tiếng súng. Tuy nhiên, họ đã bị trúng đạn từ phía sau lưng. Ông Cầu nói trong thán phục: “Bộ đội Việt Nam rất mưu trí, gan dạ và dũng cảm, nhất là lính đặc công, họ có thể độn thổ, xuyên rừng, vượt qua bãi chông hay bất kỳ hàng rào kẽm gai chằng chịt nào. Tôi đã nhìn thấy rất nhiều sự hy sinh anh dũng. Và chính sự hy sinh anh dũng của họ đã chiến thắng quân đội Mỹ, dù tương quan lực lượng chênh lệch rất lớn”.

PHƯƠNG NAM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Câu chuyện của người bên kia chiến tuyến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO