Câu chuyện của sách

19/04/2015 08:11

Nhân Ngày sách Việt Nam 21.4, thử cùng nhìn lại câu chuyện của sách và người đọc, một câu chuyện dài nhưng chưa bao giờ cũ. Ở góc độ nào đó, trong “thế giới phẳng” ngày nay, chúng tôi tin người mê sách vẫn còn nhiều và người đọc vẫn còn lắm.

Văn chương và người đọc sách

Thử lật lại trang xi-nhê của một số cuốn sách văn học từ những năm 70 của thế kỷ trước đến nay, chúng ta có thể nhận ra rằng người mua sách càng ngày càng giảm đi một cách đáng kinh ngạc.

Không gian đọc Hội An luôn thu hút nhiều người đến.Ảnh: SONG ANH
Không gian đọc Hội An luôn thu hút nhiều người đến.Ảnh: SONG ANH

Cách đây hơn 30 năm, những bộ tiểu thuyết dày cộm do NXB Văn học ấn hành như Jean - Christophe của Romain Rolland in năm 1978, Chiến tranh và hòa bình của Lev Tolstoy in năm 1979, Tội ác và trừng phạt của Dostoievski in năm 1983, Trăm năm cô đơn của Gabriel Garcia Marquez năm 1986... đều có số bản in trên 20.000 cuốn. Kịch bản, thơ cũng có nhiều người đọc: Lão hà tiện của Molier in 20.000 bản, Tuyển tập thơ Byron in 10.000 bản năm 1984. Sách biên khảo, nghiên cứu cũng không thua kém: Cuốn Sê- khốp do Phan Hồng Giang biên soạn - NXB Văn hóa 1979, in 20.000 bản, cuốn Chuyện làng văn do Nguyễn Đình Chú chủ biên - NXB Giáo dục 1987, có số lượng phát hành cao ngất: 80.000 bản. Ngay các bộ sách kén người đọc như Ngô Tất Tố tác phẩm của Phan Cự Đệ in năm 1975 - 1977, Lê Quý Đôn toàn tập in năm 1978,  thì số bản in cũng đã từ 15 - 20 ngàn cuốn. Riêng bộ sách “gối đầu giường” trong giới làm văn, học văn là  Tục ngữ - Ca dao - Dân ca Việt Nam của Vũ Ngọc Phan thì qua hai lần in cũng cho ta được một ý niệm đối sánh khá rõ ràng: Bản in lần thứ 8 năm 1978 với 15.000 cuốn, nhưng đến bản in lần thứ 11 năm 1998 chỉ còn 1.000 cuốn. Sau 20 năm, chưa qua một thế hệ người đọc, số lượng đã giảm xuống 15 lần (!). Càng về sau, con số trên dưới 1.000 bản in gần như được đóng khung cho hầu hết các đầu sách, từ Văn học nước ngoài như Tuyển tập truyện ngắn các tác giả đoạt giải Nobel in năm 2006, Tuyển tập Vệ Tuệ 2007, Kinh thánh của một người của Cao Hành Kiện 2007 (giải Nobel Văn chương năm 2000), Rừng Na Uy của Murakami năm 2008, đến văn học trong nước như tập tiểu luận Văn học - phê bình và nhận diện của Trần Mạnh Hảo năm 1999, Giăng lưới bắt chim của Nguyễn Huy Thiệp năm 2006. Đó là chỉ đề cập những tác phẩm đã từng gây xôn xao văn đàn. Còn rất nhiều Thơ, sách tham khảo và những ấn phẩm “hiền lành” hơn thì có lẽ phải nằm lưu kho chờ các “bạn đọc”... đồng nát.

Vậy phải chăng ngày nay người ta ít mua sách hơn, cũng có nghĩa là trước đây tuy cơm áo vất vả hơn nhưng chúng ta đọc nhiều hơn? Có người bảo trước đây sách rẻ hơn nên vừa túi tiền, dễ mua. Điều đó không đúng chút nào. Hãy lật bìa 4 xem lại giá sách và đối chiếu với thu nhập. Cuốn Sê-khốp in năm 1979, dày 290 trang giá 2 đồng. Lương tôi lúc đó là 54 đồng, tương đương 27 cuốn. Gần 30 năm sau, cuốn Phía nam biên giới phía tây mặt trời của Murakami in năm 2007, cũng dày 290 trang, giá 41.000 đồng. Năm đó tiền lương cộng phụ cấp của tôi khoảng 6,5 triệu đồng, nghĩa là tôi có thể mua được hơn 150 cuốn như thế. Đã vậy giấy in ngày nay tốt hơn trước đây rất nhiều. Ngày xưa, sách văn học thường in bằng giấy kém chất lượng, ngoại trừ văn học xô viết và những tác phẩm dùng trong nhà trường như Thơ Tố Hữu, Đất nước đứng lên... Nhân việc này, tôi cũng xin kể về một trận “đại hồng... mối” ở nhà tôi: Tủ sách văn học của tôi có khoảng 600 cuốn thì vừa rồi bị mối xơi hết phân nửa, nhưng hầu hết là văn học phương Tây. Số còn lại phần lớn là thơ, văn học Nga xô viết như Muối của đất, Bông hồng vàng, Chuyện thường ngày ở huyện, Đaghetxtan của tôi, Xông vào giông bão, Đất vỡ hoang....Thời bao cấp, các tác phẩm này thuộc diện ưu tiên nên in toàn giấy thượng hạng, bìa cứng. Có lẽ vì thế mà lũ mối... để dành, chưa “đọc” tới chăng!

Ngày nay quan sát bạn bè con cái tới nhà chơi, hiếm khi có đứa nào dòm ngó tới tủ sách gia đình. Do vậy chủ nhà cũng khỏi phải để mắt trông chừng có đứa nào chôm sách của mình không. Thời đi học không dễ chi có tiền mua sách, nghe thằng bạn khoe nhà nó có cuốn gì hay phải lân la làm thân với ông già nó, phải tỏ ra nết na chăm học thì may ra mới mượn được. Ngày xưa sách trong nhà giống như một thứ gia bảo, một loại “của chìm”. Từ chỗ quý sách sinh ra thói keo kiệt, rất kỵ chuyện cho mượn sách, bởi lỡ người mượn cũng thuộc loại mọt sách lại “dày mặt” với châm ngôn “ăn cắp sách không có tội” thì mất toi. Mà một cuốn sách đã mất đi rồi thì sẽ khó lòng có lại, bởi nếu sẵn tiền thì người ta mua sách mới chứ mấy ai lại đi mua cuốn đã đọc rồi.

Thời bao cấp tuy sách in ra khá nhiều nhưng cũng không dễ mua. Cả huyện tôi ở chỉ có địa chỉ sách duy nhất là Hiệu sách Nhân dân. Ngoài những sách khoa học kỹ thuật, chính trị xã hội lúc nào cũng được trưng bày lưu cữu trên quầy, còn những đầu sách thuộc loại “hot”, nhất là văn học nước ngoài, thì mươi ngày nửa tháng mời dồn về một chuyến nhưng phần lớn đã được những kẻ khá giả nhanh chân mua hết. Hồi đó nhờ nịnh nọt chơi thân với mấy em đứng quầy, nên dù không có tiền vì chưa đến kỳ lương tôi cũng mua được sách mới bằng cách ký sổ. Nhờ vậy mới có cái để mà đọc suốt những năm tháng nhếch nhác cơ hàn. Giở lại cuốn sổ ghi chép thời ấy thấy có mấy câu vụn đọc nghe buồn cười: Mua sách có 4 loại người: Mua sách do thói quen mua sắm/ Mua sách vì tình cờ vô ý/ Mua sách để trang hoàng nhà cửa/ Mua sách để đọc. Đọc sách cũng có 4 loại người: Đọc để trang điểm/ Đọc để giải trí/ Đọc vì tò mò/ Đọc để làm việc khác. Không rõ mình thuộc loại nào, nhưng chắc lúc đó đang hằn học lắm vì không mua được sách. (PHAN VĂN MINH)

Khích lệ người trẻ

Đọc và chia sẻ. Hướng dẫn trẻ nhỏ tìm đến văn chương, đến sách để tìm nơi an trú cho tâm hồn bắt đầu từ thơ bé, chắc sẽ không còn ai ta thán ngày tàn của văn hóa đọc.

Nói đến Văn hóa đọc là điều quá lớn lao. Không phải ở đâu cũng kêu gọi phải có văn hóa đọc hay đọc là có văn hóa. Điều rất cần hiện nay là niềm đam mê sách, đọc sách ở thế hệ trẻ. Hãy đọc rồi sẽ hiểu cũng như “cứ đi rồi sẽ tới”. Mỗi nơi có những cách tiếp cận khác nhau đến với người đọc, người có tâm huyết đều làm hết sức mình trong môi trường và hoàn cảnh sống của mình…

Sống trên 20 năm tại Auckland, New Zealand một thanh niên Việt thành đạt tên Trần Lê Nam mang niềm mê đọc sách của mình đến cùng người Việt trẻ tại xứ người. Qua mạng xã hội Facebook, Nam kêu gọi mọi người Việt Nam ủng hộ sách truyện tiếng Việt, tặng lại các bạn trẻ ham tìm hiểu, giúp các bạn biết nhiều hơn về lịch sử, con người, đất nước quê hương. Đó cũng là một cách để khích lệ sự đọc của người trẻ. Sự đọc là vô hạn. Nhân Ngày sách Việt Nam lần thứ nhất năm 2014, đã có cuộc tọa đàm nhỏ về “Văn hóa đọc ở Hội An” do nhà văn Nguyên Ngọc chủ trì. Mục đích khơi lại niềm đam mê đọc sách của mọi người. Qua sách, tư tưởng sẽ không bao giờ bị gò bó, tù túng. Sách sẽ đưa tư tưởng đến chân trời rộng lớn. Ông khẳng định tri thức, kiến thức sơ khai là quá trình đọc sách khi còn là một cậu bé tiểu học, đọc bất cứ cuốn nào tìm được. Thành viên của nhóm Không gian đọc Hội An, đã nỗ lực vận động tạo một không gian thoải mái và miễn phí cho người Hội An dễ dàng mượn sách vào mỗi Chủ nhật, tổ chức buổi trao đổi, giới thiệu sách mới cho các em học sinh nhằm tạo thói quen ham đọc sách nơi thế hệ mới của phố cổ.  

Gần đây có nhiều cuộc vận động học sinh ủng hộ sách truyện cho các trường học vùng cao và miền quê. Nhiều thư viện đã được thành lập. Hôm tôi đến Duy Châu (Duy Xuyên), bất ngờ nhìn thấy một “Thư viện xanh” giữa một ngôi trường tiểu học có đông học sinh đến trường ngay trong ngày nghỉ. Nếu ở đâu cũng có và mãi duy trì góc nên thơ này, hiển nhiên trẻ nhỏ sẽ có thói quen đọc, rồi dần dần thành đam mê. Đơn cử nho nhỏ trên đây cũng đã thành công lắm rồi trong sự bắt đầu dựng lại cái gọi là văn hóa đọc.

Việc chọn Ngày sách và bản quyền thế giới (23.4) hay Ngày sách Việt Nam (21.4), không đơn thuần chỉ là một ngày. Đó như là tiếng khánh ngân, kêu gọi sự quan tâm của mọi người nhìn vào đời sống tinh thần của mỗi người và thế hệ trẻ. Đọc một quyển sách không khó. Nhưng để trở thành thói quen đọc và chọn sách để đọc phải có sự “tập luyện” của mỗi cá nhân. Không chỉ nói và kêu gọi mà là một hành trình dài. Nếu thời nay có nhiều  “Người bạn lớn”, dành thời gian quan tâm, trò chuyện, kích thích tính tò mò của các em nhỏ, chịu khó đàm luận bình đẳng về những điều người trẻ quan tâm, chắc sẽ là nguồn khích lệ không nhỏ cho sự đọc bền bỉ. (HOÀI GIANG)

Mỗi cuốn sách kể rằng…

Những câu chuyện trong quá trình điền dã, những tri thức dân gian nếu không chóng sưu tập thì sẽ mất. Nhưng hơn hết, những cuốn sách về văn hóa, văn nghệ dân gian xứ Quảng lại kể tôi nghe thêm về những tấm lòng với vốn quý văn hóa của vùng đất.

Tập thói quen đọc sách cho trẻ nhỏ.Ảnh: CHÂU NỮ
Tập thói quen đọc sách cho trẻ nhỏ.Ảnh: CHÂU NỮ

Mỗi ngày, chàng trai trẻ Ngô Đức Chí, Trương Hoàng Vinh lẫn người đã luống tuổi như Trần Văn An, Nguyễn Chí Trung... của Trung tâm Quản lý và bảo tồn di sản văn hóa Hội An vẫn miệt mài làm việc. Ngay cả người đã chuyển sang lĩnh vực khác, như Trần Ánh, vẫn bằng tấm lòng và ký ức, viết lách mỗi ngày. Ở cánh miền núi cao, Bí thư Huyện ủy Tây Giang -  ông Bhriu Liếc không ngại ngần đến từng bản làng xa xôi, lưu giữ từng chút một bản sắc của đồng bào mình. Cán bộ miền núi ở cánh rừng phía tây Quảng Nam, vẫn xem “Tiếng thông dụng C’tu – Kinh và văn hóa làng C’tu” của ông Bhriu Liếc như một cách tiếp cận đầu tiên với vùng đất núi non này. Cánh phía nam, tuy chưa viết ra những trang sách, nhưng người nhạc sĩ núi rừng Dương Trinh, như một thôi thúc từ thẳm sâu hồn mình, dong ruổi mỗi ngày trong những bản làng, để nghe, ghi lại từng điệu hát lý, nói lý, ru con của người Co, Ca Dong, Xê Đăng… Họ, phần vì trách nhiệm với công việc, và cao hơn, là tình yêu vô cùng với vốn quý văn hóa đang có nguy cơ mai một.

Đầu tiên, là những cuốn sách đến từ Hội An. Người phố cổ vẫn thường tự hào về vùng đất dày dặn trầm tích của mình. Như một cơ may, khi được làm việc và sống trong môi trường hiện còn lưu giữ rất nhiều thứ vô giá như vậy. Là một khối lượng đồ sộ thư tịch cổ, là các tư liệu Hán Nôm được lưu giữ, bảo quản dưới nhiều hình thức trong các nhà ở, các nhà thờ tộc, đình chùa, lăng, miếu… Để đến dịp kỷ niệm 15 năm ngày Đô thị cổ Hội An được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, tập sách “Di sản Hán Nôm Hội An”, do nhóm nghiên cứu Hội An sưu tầm, sao chụp trong nhiều năm, ra đời. Một tổng tập tư liệu, tuyển chọn từ hơn 10 nghìn trang tư liệu Hán Nôm các loại, đủ để hài lòng các nhà nghiên cứu, những người yêu văn hóa, lịch sử Hội An. Lùi trục thời gian chừng vài năm trở lại trước, những cuốn sách mỏng, tinh tuyển vừa đủ, do các cá nhân làm, ngõ hầu giữ lại vài mảng miếng văn hóa phố cổ. Một kiểu lao động quá khứ, viết từ những trải nghiệm của ký ức, cộng thêm một lối nghiên cứu khoa học, “Không gian văn hóa Nhà cổ Hội An” của Trần Ánh, ra đời năm 2009, là tập sách khảo cứu chuyên sâu về giá trị văn hóa của nhà cổ Hội An. Như lời tác giả - một người Hội An “rặt”, viết: “Những tấm phản gỗ bóng nhẵn, những viên gạch, viên đá mòn vẹt, những lan can cầu thang trơn bóng… mỗi ngóc ngách trong ngôi nhà cổ Hội An đều ẩn chứa hơi thở, tâm hồn của con người nơi đây qua bao thế hệ(…). Những đôi mắt cửa, những con cá chép, con dơi, trên vách, trên kèo đã chứng kiến lặng thầm biết bao thay đổi của đất và người Phố Hội”. Tiếp nối các công trình nghiên cứu của lớp người đi trước, những người Hội An mê đắm vùng đất này vẫn dày công để giữ lại cho thế hệ mai sau những mảng tri thức cũ. Nguyễn Chí Trung, Trần Văn An với rất nhiều những tác phẩm có chất lượng, đầu tư như “Nghề truyền thống Hội An”, “Ghe bầu xứ Quảng”… là những tập sách quý trong hành trình nghiên cứu phố cổ với nhiều người.

Nhưng trong câu chuyện buồn vui với những trang sách, từ người nghiên cứu văn hóa phố cổ tới vùng núi cao, chừng như công trình nghiên cứu - tác phẩm của họ vẫn chưa được phổ biến rộng rãi dù ngồn ngộn những điều rất quý. Quý ấy, là bởi những tư liệu sưu tầm được, đã mất dần đi trong cuộc sống hiện tại. Quý, còn bởi thấp thoáng trong những trang giấy chi chít chữ và hình ảnh ấy, là những cuộc đời của quá khứ qua cái nhìn đầy nhân văn của người hiện tại. Giá như có một tủ sách về văn hóa, văn nghệ dân gian xứ Quảng, được in và quảng bá rộng rãi, được lan truyền để người có nhu cầu dễ dàng tìm được, thì hay chừng nào. Tôi vẫn tin, mỗi cuốn sách tâm huyết của một con người là chính tâm hồn của họ. Người viết sách có thể thầm lặng làm việc. Nhưng tác phẩm của họ, cần những tiếng vang lớn, cần đám đông để tồn tại.

Và một tủ sách văn hóa, văn nghệ dân gian xứ Quảng, đặt ở những nơi công cộng, ở thư viện, trường học, công sở… cần lắm chứ! (SONG ANH)

Thay đổi thói quen

Bây giờ hình như ngay cả người cầm bút như chúng ta, thói quen mua sách ngày xưa mười phần may ra còn vài phần. Ít mua nên cũng ít đọc hơn trước. Nghe đồn thổi có cuốn gì “gay cấn” thì tối về lên mạng kéo rê con chuột mà xem lướt qua. Nhưng cái thao tác và cảm xúc ngồi bên bàn phím rất khác so với việc lôi cuốn sách in từ dưới gối lên mà giở từng trang. Thật ra, hỏi thăm thử mười người thường ngồi trước máy tính xem họ có đọc e-book không thì có đến chín rưỡi bảo không, chỉ đọc báo và ba chuyện bếp núc trên Facebook. Dõi mắt vào một cuốn sách in thì chỉ có nó, chung quanh chẳng có thứ gì khác. Còn không gian mạng là một rừng thông tin, đang xem cái này nó lại chìa ra cái khác, lại kích sang một vụ scandal, lại nghe tín hiệu một cô bạn nào đó đang online... Vậy là phân tán hết cảm xúc, đâu còn cái niềm khoái lạc bị hút vào trong từng tình tiết, từng câu chữ như khi đối mặt với sách.

Đọc sách ở Fahasa Tam Kỳ. Ảnh: H.D
Đọc sách ở Fahasa Tam Kỳ. Ảnh: H.D

Có người bảo văn chương Việt thời nay nhạt phèo, không hấp dẫn người đọc. Không hẳn như thế. Thỉnh thoảng vẫn xuất hiện những tác phẩm, tác giả đáng ngưỡng mộ. Trong giới trẻ cầm bút ngày nay có khá nhiều người bản lĩnh. Tiến sĩ Nguyễn Phương Mai là một ví dụ. Cô sinh năm 1976, dạy học ở Hà Lan. Với series ký sự Lên đường với trái tim trần trụi sau khi sục sạo qua 80 nước khắp năm châu lục, cô nổi lên như một sự khác biệt hiếm có trong những cây bút nữ. Đọc những cuốn Tôi là một con lừa, Con đường Hồi giáo của cô, chúng ta chợt cảm thấy hổ thẹn cho phận mày râu như mình. Hay như nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, những cuốn sách của cô luôn được nhiều người đón đọc. Từ Cánh đồng bất tận, Sông, Yêu người ngóng núi, Gáy của người thì lạnh cho đến Đảo, Khói trời lộng lẫy… Và mới đây là Đong tấm lòng. Năm 2014, Nguyễn Ngọc Tư và Nguyễn Nhật Ánh là 2 tác giả có sách bán chạy nhất cả nước. Bên cạnh đó, có một số tác giả trẻ mới xuất hiện đã gây được tiếng vang, nhất là đối với độc giả trẻ, trong đó phải kể đến sự hỗ trợ đắc lực của các trang mạng xã hội như Facebook. Có thể nêu ra nhưng cái tên còn khá xa lạ trên văn đàn như Anh Khang, Nguyễn Ngọc Thạch, Nguyễn Phong Việt, Phan Kim Thanh, Gào, Hamlet Trường, Iris Cao... Những đầu sách của họ cho dù là truyện, thơ, tản văn hay truyện tranh cũng đều hướng đến đối tượng là giới trẻ với số lượng phát hành cả vạn bản in. Có phải vì họ đều trẻ như nhau, cả người viết lẫn người đọc? Thực ra đâu cần phải trẻ. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh (sinh năm 1955) đã viết trên dưới 100 đầu sách, nhiều cuốn thuộc loại best seller, tái bản hàng chục lần. Cuốn Cho tôi một vé đi tuổi thơ của anh in lần đầu năm 2008 đến nay đã tái bản 41 lần, Chuyện cổ tích dành cho người lớn 29 lần, Tôi là Bê tô 23 lần. Cuốn mới phát hành đầu năm 2015 là Bảy bước tới mùa hè, vừa in ra 5 vạn bản liền được tái bản. Nhìn cái cảnh hàng ngàn người xếp hàng trật tự, tay cầm sách đến xin chữ ký tác giả ở Hà Nội và Sài Gòn có lẽ người cầm bút nào cũng mơ ước. Nguyễn Nhật Ánh chỉ tặng... chữ ký chứ không tặng sách, vậy mà anh đã mất nhiều buổi ròng rã chỉ để ngồi ký mà vẫn không đáp ứng hết số người hâm mộ. Vậy thì kết luận thế nào về độc giả trẻ? Họ đọc nhiều hơn chúng ta nghĩ, nhưng đọc những thứ thuộc về họ, đồng cảm với họ, giải mã giúp họ những bí ẩn trong các mối quan hệ giữa cuộc sống này. Phải chăng đang có một sự đảo chiều mang tính chất cung - cầu giữa người viết và bạn đọc: Lâu nay nhà văn cứ viết những gì mình nghĩ ra, độc giả sẽ tự tìm đến gần như là một sự tự cưỡng bức nếu muốn trang bị cho mình những thứ mà nhiều người cùng sở hữu nhưng chưa chắc đã cảm thấy thú vị. Ngày nay thứ “quyền lực mềm” ấy của nhà văn dường như đang bị cắt giảm dần. Muốn thành công anh ta phải hướng sự “phục vụ” đến một đối tượng công chúng nhất định với đầy đủ sự hiểu biết về họ. Nếu không, cho dù nội lực văn tài thâm hậu, cho dù tác phẩm anh viết ra đề cập đến những vấn đề lớn lao thì cũng chưa chắc được số đông đón nhận.

Các quy luật của kinh tế thị trường không miễn trừ bất cứ lĩnh vực nào, kể cả việc sáng tác và thưởng thức văn chương. Bây giờ ai cũng có thể in sách. Một nhà thơ nghèo cả đời sống chết với chữ, một nhà văn ốm yếu đau đáu chuyện đời, nay không khó lắm để thỏa mãn ước mơ được đứng tên trên trang bìa một tập sách. Bên cạnh đó, một anh chủ tiệm tạp hóa, một chị công chức về hưu chuyên làm thơ truyện cóc nhái chàng hiu cũng trình làng tác phẩm mới ào ào. Nhưng sách in ra, danh phận của nó không những tùy thuộc vào hàm lượng văn chương trong đó mà còn phải thấp thỏm trông chờ vào sự lựa chọn của công chúng. Đôi khi, đó chỉ là chuyện rủi may. (MINH VĂN)

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Câu chuyện của sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO