Nối liền những mạch chuyện về sách và văn hóa đọc, cần nhiều hơn những suy tư nghiêm cẩn về cuộc đời của những trang sách...
Hàng loạt sự kiện nhằm tạo hiệu ứng để lan tỏa tinh thần đọc, lòng yêu mê sách vở... với các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ, vừa được các địa phương tổ chức, xuyên suốt từ giữa tháng Tư đến nay. Đây là tín hiệu vui, khi việc đọc được quan tâm nhiều hơn từ các tầng lớp khác nhau, để văn hóa đọc không bị mai một...
Hội sách
Từ cuối tuần trước, người dân Tam Kỳ hào hứng tham gia hoạt động liên quan đến sách, nằm trong lễ hội hoa sưa thường niên của địa phương này. Các gian trưng bày sách bắt mắt được chính tay thầy cô giáo các trường tiểu học và THCS của TP.Tam Kỳ thiết kế và thực hiện.
Mỗi một ý tưởng đều kèm theo những lời giới thiệu. Trong cùng không gian Vườn Cừa, hội thi mỹ thuật, giao lưu với những nhà thơ, nhà văn cũng như nhân vật nổi tiếng về việc đọc được địa phương tổ chức.
Nói như người quản lý hoạt động này, tất cả đều để kích thích việc đọc trong nhiều lứa tuổi, tạo cơ hội để những người mê đọc có không gian gặp gỡ. Và ngành giáo dục được lựa chọn như là một trong những môi trường tốt nhất để hình thành thói quen đọc sách ngay từ bé thơ.
Cô giáo Trần Thị Hương - Trường THCS Lý Thường Kiệt cho rằng, bằng cách nào đó, mỗi hoạt động liên quan đến sách đều sẽ tạo nên những cơn sóng nhỏ để các em hình thành cho mình thói quen đọc.
“Lứa tuổi thiếu niên bây giờ đã tiếp cận nhiều hơn với các thiết bị nghe nhìn, do vậy để việc đọc thu hút các em không chỉ là sự khơi gợi từ phía nhà trường. Chúng tôi khuyến khích các em tìm hiểu, trau dồi kiến thức bằng nhiều hình thức, trong đó luôn nhấn mạnh chính những cuốn sách sẽ là kho tàng tri thức phong phú nhất “ - cô Trần Thị Hương nói.
Năm nay, kỷ niệm Ngày sách Việt Nam, các địa phương của Quảng Nam rộn ràng với rất nhiều hoạt động. Từ TP.Tam Kỳ, TP.Hội An đến các địa phương vùng núi, mỗi nơi đều có những hoạt động gắn liền với việc cổ vũ văn hóa đọc.
Dù biết, đọc sách là sở thích cá nhân mỗi người, nhưng nếu không được khuyến khích, không có cơ hội tiếp cận, người ta sẽ không ý thức được nhu cầu đọc - một trong những kỹ năng quyết định hình thành khả năng tư duy và phát triển trí tuệ con người, một kênh quan trọng để cập nhật thông tin, nâng cao hiểu biết.
Hơn nữa, không thể nhìn vào văn hóa đọc của người thành thị để nhận diện áp đặt nhu cầu đọc sách của người ở nông thôn, đặc biệt là trẻ em độ tuổi đến trường.
Với cái nhìn tích cực, các không gian đọc đang rộn ràng trong suốt những ngày tháng Tư, khơi lên hy vọng về một thế hệ ham đọc, về một đời sống tinh thần theo chiều sâu hơn. Xây dựng thói quen đọc, cũng như gieo một hạt mầm, phải cần thời gian và phải đi từ những thao tác nhỏ nhất. Nên những hội sách là những tin vui...
Gom góp những hành trình
Hẳn người dân xứ Quảng vẫn còn nhớ 4 tủ sách lưu động với chừng 200 đầu sách do dự án “Sách hóa nông thôn” của Nguyễn Quang Thạch mang về xứ Quảng.
“Để đời sống người dân nông thôn thay đổi theo chiều hướng tiến bộ, rất cần đến sách, báo để nâng cao tri thức và thay đổi nhận thức. Hơn nữa, một bộ phận không nhỏ trẻ em nghèo nông thôn hiếu học có nhu cầu tiếp cận sách báo…” - Nguyễn Quang Thạch - chủ nhân của dự án “Sách hóa nông thôn” chia sẻ.
Từ năm 2007, chương trình thành lập được hơn 9.000 thư viện trên khắp các vùng nông thôn Việt Nam với số tiền quỹ ít ỏi và dựa trên việc quyên góp sách.
Không chỉ mang sách về nông thôn, Nguyễn Quang Thạch còn mang cả tình yêu sách đến với những gia đình nông dân trước đó còn xa lạ với sách.
“Hàng chục nghìn nông dân đã góp mỗi người 50.000 đồng/năm để xây dựng hàng nghìn tủ sách cho con cái họ. Bám trụ nông thôn vì sự đọc của con trẻ tôi thấy người nông dân đã quyết liệt thay đổi, lẽ nào ngành giáo dục lại không?” - Nguyễn Quang Thạch nói.
Chính từ ý tưởng “quyền đọc sách cho trẻ em nông thôn”, Nguyễn Quang Thạch đã không ngại ngần với từng bước chân trên mỗi vùng quê xứ anh ngang qua.
Hành trình của sách đến với vùng miền xứ Quảng phải kể đến những chuyến xe ắp đầy sách từ Thư viện Quảng Nam. Các chuyến xe thư viện lưu động, với hình ảnh trẻ con ríu rít vây quanh đủ để kích thích nên những điều lớn lao.
Ông La Đình Nghĩa - Giám đốc Thư viện tỉnh nói, dù lượng người tìm đến với Thư viện tỉnh không nhiều, nhưng chính các chuyến xe thư viện lưu động đi tới mỗi địa phương đủ thấy việc đọc đối với người dân, với trẻ em vẫn là một nhu cầu quan trọng. Làm sao để khắp nơi phải có sách, chính là câu chuyện để hành trình những chuyến xe thư viện lưu động không dừng lại.
Những chuyến xe vẫn dành sự ưu ái cho không gian trường học ở các vùng ven thành phố, vùng cao, vùng sâu vùng xa, để lấp đầy khoảng trống về đời sống tinh thần của các vùng quê xứ Quảng. Chạm tay vào sách, để biết nâng niu, quý trọng và xem sách như một người bạn.
Cũng chính trong các ngày hội sách ở nhiều địa phương, mới thấy những ấn phẩm của người xứ Quảng, quá nhạt nhòa. Những buồn vui, tự hào về lịch sử, văn hóa văn nghệ xứ Quảng đã có rất nhiều ấn phẩm ra đời từ khi tái lập tỉnh đến nay. Tròn 25 năm, những trang sách của người nghiên cứu văn hóa từ đồng bằng tới vùng núi cao vẫn chưa được phổ biến rộng rãi dù ngồn ngộn điều quý giá.
Chúng tôi từng ước giá như có một tủ sách về văn hóa, văn nghệ, lịch sử, những chuyện kể dân gian xứ Quảng được in và quảng bá rộng rãi, được lan truyền để người có nhu cầu dễ dàng tìm được, thì hay chừng nào. Để lớp lớp thế hệ biết quý yêu và tự hào về chính vùng đất mình sinh ra, lớn lên... từ những cuốn sách của người xứ Quảng.