Câu chuyện đường tránh…

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG 03/08/2018 03:55

(QNO) - Vụ tai nạn khiến 13 người thiệt mạng trên đoạn đường tránh thuộc quốc lộ 1 qua phường Vĩnh Điện (thị xã Điện Bàn) mấy hôm nay, gây nhiều cảm thương và bức xúc trong dư luận.

Cảm thương vì các nạn nhân đi chung trên chiếc xe 16 chỗ đều là người của nhà trai (trong đó có chú rể) đang trên đường vào Bình Định để rước dâu. Niềm vui có rể hiền dâu thảo chưa tới thì đại nạn ập đến. Bức xúc vì nghe nói người ta đã tin vào bói toán, coi ngày, mà đó lại đúng vào ngày “Tam nương”! Bức xúc cũng vì tục lệ rước dâu quá nặng nề trong dân gian, nhất là khi nhà trai và nhà gái ở quá xa nhau...

Nhưng có lẽ bức xúc nhất trong tai nạn này, là những đoạn đường tránh qua các khu dân cư đông đúc hiện nay chỉ là những đoạn đường nhỏ chỉ đủ 2 làn xe ngược chiều tránh nhau; trong lúc các đoạn khác trên toàn tuyến quốc lộ 1 đến nay đã có 4 làn xe ngược chiều nhau bởi các dải phân cách. Điều đó khiến cho các chiều xe giao thông trên đường dễ va chạm khi chạy với tốc độ cao hoặc lái xe buồn ngủ...

Còn nhớ, cách đây vài năm, cũng trên đoạn đường này, một xe khách giường nằm đã lật nhào xuống ruộng khi chỉ chạy với tốc độ mà theo cơ quan điều tra là 57km/giờ, khiến một hành khách tử vong và xe hư hại nặng vào ban trưa. Một số tai nạn khác cũng xảy ra ở một số đường tránh thuộc các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Phú Yên… trong những năm gần đây.

Tôi đã lái xe qua nhiều đoạn đường tránh trên quốc lộ 1 và có những nhận xét như sau:

Đường tránh các khu dân cư đông đúc là đúng, nhưng xây dựng quá hẹp lại không có dải phân làn, không có cả lề đường đủ rộng là điều khá nguy hiểm. Bên cạnh đó, làm đường và quản lý đường là do ngành GTVT làm, nhưng quản lý quỹ đất (và cả hành lang an toàn hai bên) lại do chính quyền địa phương đảm trách. Dẫn đến hệ quả là, đường xây dựng đến đâu, địa phương lại giao đất cho người dân, doanh nghiệp đổ nền xây dựng nhà cửa, hàng quán đến đó. Có nơi, tháo cả lan can (hộ lan) bằng thép để có lối ra vào. Người dân luôn có "nhu cầu mặt tiền", còn chính quyền địa phương giao đất để tăng nguồn thu ngân sách và các tiêu cực phí khác. Hệ quả là dân cư, quán xá lại tấp nập bên đường tránh chẳng khác gì đường cũ và nạn kẹt xe, tai nạn lại tái diễn. Đường tránh lại thường xây dựng giữa những cánh đồng thấp nên không xác định được hành lang an toàn.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thiện hôm qua viết trên facebook của anh là đã nói chuyện với đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa, đề nghị làm việc với Bộ trưởng GTVT nên đưa việc mở rộng các đường tránh đều phải có phân làn như trên quốc lộ 1 thành chương trình “mục tiêu quốc gia”. Luật sư Trương Trọng Nghĩa hứa trên comment của mình là sẽ làm việc này.

Chúng ta hoan nghênh sự đóng góp của toàn xã hội, trong đó có các nhà nghiên cứu, các đại biểu Quốc hội như trên. Nhưng theo chúng tôi: chừng nào việc quản lý đường bộ vẫn tiếp tục như hiện nay, ngành và địa phương mỗi bên một phách như vừa kể, thì câu chuyện đường tránh vẫn còn nguyên đó những nguy cơ về tai nạn giao thông!

Cuối cùng tôi đề nghị, trong lúc chưa nâng cấp các đường tránh như một chương trình “mục tiêu quốc gia” như vừa nói, nên chăng sử dụng các đường tránh đã xây dựng thành đường một chiều. Chiều ngược lại chính là đoạn quốc lộ đang qua các thị xã, thị trấn. Bởi quan sát thực địa, tôi thấy những con đường cũ qua các khu dân cư ấy vẫn có thể chia sẻ một chiều giao thông vì hiện còn khá ít xe lưu thông.

Mong thay!

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Câu chuyện đường tránh…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO