Chuyện khởi nghiệp của một cựu giáo chức

MỸ LINH - HỒ QUÂN 14/12/2021 16:20

(QNO) - Về hưu sau nhiều năm công tác trong ngành giáo dục, bà Nguyễn Thị Tiến (xã Bình Định Bắc, Thăng Bình) đã nghiên cứu, chế biến các loại nông sản của địa phương như gạo, đậu, hạt sen, gừng… thành những dòng sản phẩm dinh dưỡng, được người tiêu dùng tin tưởng.

Bà Nguyễn Thị Tiến với sản phẩm trà gừng hòa tan Cô Một. Ảnh: Q.L
Bà Nguyễn Thị Tiến với sản phẩm trà gừng hòa tan Cô Một. Ảnh: Q.L

Bà Nguyễn Thị Tiến kể, việc chế biến các loại nông sản thành bột ngũ cốc được bà làm từ chục năm về trước. Đó là thời điểm các con đi học xa nhà, bà chế biến ngũ cốc để giúp các con bồi bổ, nâng cao sức khỏe. Nhờ hương vị thơm ngon, đậm đà và dinh dưỡng của những ly ngũ cốc nên từ con cái đến người thân, hàng xóm rất yêu thích và quan tâm. Đây chính là ý tưởng manh nha cho con đường khởi nghiệp của bà.

“Năm 2016, khi chính thức về hưu, tôi quyết định nghiên cứu, chế biến các loại bột ngũ cốc để đưa ra thị trường. Công việc này không chỉ nhẹ nhàng, phù hợp với một cựu giáo chức mà còn giúp bà con nông dân tiêu thụ nông sản” - bà Tiến chia sẻ.

Lợi thế sản phẩm bột ngũ cốc của bà Tiến là nguồn nông sản do người dân địa phương canh tác theo hướng hoàn toàn hữu cơ. Tuy nhiên, thời gian đầu, do chưa đầu tư đồng bộ máy móc nên bà Tiến rang thủ công và phải xay bột tại các cơ sở xay xát trên địa bàn. Nhận thấy quy trình này không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nên bà quyết tâm đầu tư máy rang, xay, đóng gói hiện đại, công suất lớn.

“Đầu tư hàng trăm triệu đồng cho các loại máy giúp quy trình chế biến đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, năng suất cao. Trước và sau mỗi lần chế biến, tôi luôn vệ sinh kĩ càng. Nhờ sự hỗ trợ của chính quyền và ngành chức năng, tôi đã đăng ký bản quyền sản phẩm với thương hiệu "ngũ cốc Cô Một" và tham gia chương trình OCOP, đạt chuẩn 3 sao. Nhờ vậy mà sản phẩm ngũ cốc Cô Một dần mở rộng thị trường, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tin tưởng” - bà Tiến nói.

Sản phẩm bột ngũ cốc Cô Một gồm 12 loại hạt có hàm lượng dinh dưỡng cao như đậu nành, đậu đen xanh lòng, đậu xanh, đậu đỏ, gạo lứt, hạt sen… Trong quá trình kết hợp các nguyên liệu, bà Tiến đã tham khảo qua các lương y trong ngành đông y để đánh giá tính phù hợp và hiệu quả. Trung bình mỗi năm, bà Tiến sản xuất sản 6 tấn bột ngũ cốc dinh dưỡng.

Sản phẩm trà gừng hòa tan Cô Một đang được nhiều người tin dùng. Ảnh: L.Q
Sản phẩm trà gừng hòa tan Cô Một đang được nhiều người tin dùng. Ảnh: L.Q

Tiếp nối thành công từ bột ngũ cốc, bà Tiến tiếp tục nghiên cứu, chế biến sản phẩm trà gừng hòa tan chất lượng cao để nâng tầm sản phẩm gừng sẻ địa phương. Duy trì phương châm tạo ra sản phẩm sạch vì sức khỏe người tiêu dùng, bà Tiến tiếp tục đầu tư hàng trăm triệu đồng cho dây chuyền máy móc của mình. Cạnh đó, bà liên kết với nông dân địa phương, phát triển nguồn gừng sẻ nguyên liệu gần 10ha.

“Sản phẩm trà gừng Cô Một được chế biến từ gừng sẻ tươi được trồng trên vùng tây Thăng Bình kết hợp với nấm linh chi và đường phèn qua quy trình khép kín từ sơ chế đến đóng gói. Nhờ đó, sản phẩm giữ được hương vị thơm ngon, ấm nồng tự nhiên, dễ dàng lôi cuốn người dùng. Đặc biệt, sản phẩm được đóng gói tiện lợi, có thể sử dụng mọi lúc mọi nơi. Chính những yếu tố này nên chỉ một thời gian ngắn có mặt trên thị trường, trà gừng Cô Một đã có chỗ đứng nhất định” - bà Tiến cho biết.

Ngoài tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm, tốt cho sức khỏe thì tất cả các sản phẩm của cơ sở sản xuất Cô Một đều có bao bì bắt mắt và có nguồn gốc từ các chất liệu giấy thân thiện với môi trường. Thời gian tới, bà tiếp tục phát triển các sản phẩm trà ngũ vị, bột bánh xèo vị Quảng để nâng cao giá trị nông sản bản địa, ổn định đầu ra cho bà con nông dân.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyện khởi nghiệp của một cựu giáo chức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO