Khuyến khích thanh niên miền núi khởi nghiệp

LƯU HƯƠNG 01/05/2021 16:01

(QNO) - Bằng rất nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ của địa phương, hàng chục mô hình khởi nghiệp của thanh niên Nam Giang dần hình thành và phát triển, mở ra cơ hội làm giàu từ chính sản vật sẵn có của vùng.

Nhiều mô hình khởi nghiệp được thanh niên Nam Giang áp dụng để làm giàu. Ảnh; LƯU HƯƠNG
Nhiều mô hình khởi nghiệp được thanh niên Nam Giang áp dụng để làm giàu. Ảnh: LƯU HƯƠNG

Anh Bờ Nướch Háo - Bí thư Đoàn xã Tà Bhing cho biết, những năm qua, cùng với việc đồng hành và triển khai nhiều chương trình hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế, đơn vị còn tạo cầu nối tìm đầu ra cho sản phẩm. Đồng thời động viên, khích lệ tinh thần làm giàu của thanh niên dân tộc thiểu số, nhất là thanh niên vừa tách hộ, có nhu cầu làm kinh tế.

Đoàn xã còn phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức nhiều đợt tập huấn hỗ trợ thông tin, nâng cao kiến thức và áp dụng khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt. Từ đó giúp các hộ thanh niên có cơ hội tiếp cận, lựa chọn hướng đi phù hợp và làm giàu bằng chính sản vật vốn có của vùng.

“Để khuyến khích ngày càng có thêm nhiều mô hình hay trong cộng đồng, chúng tôi kết nối, tập hợp gương thanh niên điển hình cùng chia sẻ kinh nghiệm, giúp nhân rộng cách làm ăn hiệu quả trong thanh niên địa phương” - anh Háo cho biết.

Là một trong số gương điển hình thanh niên khởi nghiệp của xã Tà Bhing, những năm qua, anh Zơrâm Đà (thôn Aliêng) đã tự thân xây dựng cho mình một không gian khởi nghiệp bằng mô hình chăn nuôi chuồng trại gắn với trồng cây nông nghiệp, đem lại hiệu quả kinh tế.

Ngoài chăn nuôi heo cỏ địa phương, anh Zơrâm Đà còn mở rộng trồng chuối, nuôi cỏ voi xanh... phát triển kinh tế. Ảnh: LƯU HƯƠNG
Ngoài chăn nuôi heo cỏ địa phương, anh Zơrâm Đà còn mở rộng trồng chuối, nuôi cỏ voi xanh... phát triển kinh tế. Ảnh: LƯU HƯƠNG

Anh Đà chia sẻ, năm 2015, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), anh trở về quê để khởi nghiệp. Bắt đầu từ mô hình chăn nuôi heo rừng lai và heo cỏ địa phương, dần dà anh Đà mở rộng trồng cây keo, chuối và chăn nuôi gà, vịt…

Để có vốn làm ăn, ngoài số tiền dành dụm của gia đình, anh Đà mạnh dạn vay thêm từ chính sách hỗ trợ thanh niên miền núi. Sau vài năm khởi nghiệp, trung bình mỗi năm anh Đà thu về khoản tiền tiết kiệm hơn 50 triệu đồng, tiếp tục mở rộng đầu tư các mô hình trồng chuối, cỏ voi xanh… phục vụ công việc chăn nuôi.

“Bước đầu thành công của mình đã khuyến khích nhiều thanh niên khác trong xã cùng học tập kinh nghiệm, hình thành nên các mô hình khởi nghiệp” - Đà chia sẻ. Đơn cử như hộ Bờ Nướch Tờn (thôn Aliêng), sau thời gian học tập kinh nghiệm đã tự mở trang trại nuôi gà, đào ao thả cá để phát triển kinh tế gia đình.

Ngoài số gà tự mua, anh Tờn còn được địa phương hỗ trợ hàng chục con gà giống, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi chuồng trại, đảm bảo an toàn trước dịch bệnh. Hay như Bríu Chéo, từ hộ khó khăn đã tự thân nỗ lực hình thành mô hình chăn nuôi gà, vịt, chim cút, ba ba… đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập ổn định cho gia đình.

Từ mô hình nuôi heo cỏ kết hợp trồng cây ăn quả, mỗi năm nhiều thanh niên Nam Giang thu về hàng chục triệu đồng. Ảnh: LƯU HƯƠNG
Từ mô hình nuôi heo cỏ kết hợp trồng cây ăn quả, mỗi năm nhiều thanh niên Nam Giang thu về hàng chục triệu đồng. Ảnh: LƯU HƯƠNG

Anh Bùi Thế Anh - Bí thư Huyện đoàn Nam Giang cho biết, không chỉ ở xã Tà Bhing, vài năm trở lại đây, câu chuyện khởi nghiệp còn lan tỏa ở rất nhiều hộ thanh niên vùng cao, biên giới. Họ tận dụng lợi thế sẵn có để hình thành các mô hình khởi nghiệp theo cách rất riêng.

Như Arất Dom ở thôn Pring (xã Chà Vàl), tận dụng hồ nước thủy điện đã mạnh dạn vay vốn, đầu tư mô hình nuôi cá lồng bè, mỗi năm thả hàng nghìn con giống. Đợt xuất bán lứa đầu tiên mới đây, sau khi trừ hết các khoản chi phí, Dom thu về hàng chục triệu đồng, tiếp tục xoay vòng đầu tư mở rộng.

Từ thành công của Zơrâm Đà, Bríu Chéo, Arất Dom… đã khuyến khích nhiều hộ thanh niên khác trên địa bàn huyện cùng học tập kinh nghiệm, nỗ lực làm giàu bằng các mô hình kinh tế hiệu quả, góp phần đổi mới tư duy làm ăn trong thanh niên miền núi.

“Ngoài nhân rộng các mô hình đang cho hiệu quả bước đầu, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu hỗ trợ, tạo mọi điều kiện để thanh niên có cơ hội lập nghiệp, tiếp cận các mô hình phát triển kinh tế, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình” - anh Bùi Thế Anh nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khuyến khích thanh niên miền núi khởi nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO